Các chuyên gia đưa ra quan điểm thận trọng cho VN-Index sau giai đoạn điều chỉnh mạnh vừa qua cùng với nền thanh khoản giảm.
Phiên cuối tuần, VN-Index tăng điểm trở lại, lên sát vùng 1.380, sau 6 phiên giảm điểm mạnh liên tiếp. Với cú nảy giờ chót đem lại sự phấn chấn, hứng khởi cho giới đầu tư sau giai đoạn mất mát. Tuy nhiên sự hồi hộp, lo lắng vẫn hiện hữu…
Liệu thị trường đã tạo đáy? Đà tăng đã được thiết lập?… là câu hỏi mà thị trường quan tâm hiện nay.
Dưới đây, chúng tôi ghi nhận quan điểm của các chuyên gia về xu hướng thị trường cho tuần mới:
Từ trái qua: ông Nguyễn Thanh Lâm, ông Bùi Văn Huy, ông Nguyễn Thế Minh
Cơ hội cho thị trường “cầm máu”
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phân tích, Maybank Investment Bank
Thị trường có 2 tuần giảm mạnh sau hàng loạt thông tin vừa chính thức vừa đồn đoán khiến tâm lý nhà đầu tư kém. Trước đó thị trường tăng lên đỉnh lịch sử, dễ kích hoạt tâm lý chốt lời, sau đó chuyển sang trạng thái bán tháo khi nhiều thông tin không tích cực tồn tại.
Thị trường giảm mạnh liên tục, nếu ở góc độ kỹ thuật tạo những cây nến dài với bên bán áp đảo. Các phiên thứ 2-3-4 bên bán hoàn toàn chiếm ưu thế, thanh khoản không cao, cho thấy việc thị trường giảm điểm đến từ người mua chưa sẵn sàng vào bắt đáy. Nhưng diễn biến khác đi từ ngày thứ 5, giá mở cửa và đóng cửa trong phiên này gần như bằng nhau, đã bắt đầu có sự cân bằng mua - bán. Thanh khoản phiên thứ 5-6 tăng trở lại, lên trên mức trung bình, cho thấy giằng co người bán mua thực chất hơn. Với phiên thứ 6 có kết quả tăng điểm trở lại, chấm dứt chuỗi giảm trước đó, là tín hiệu tốt.
Cá nhân tôi nghiêng chiều hướng tích cực cho tuần mới, khi sự cân bằng đang trở lại hoàn toàn thuần túy dựa trên cung cầu - cơ hội cho thị trường “cầm máu”, cân bằng, thậm chí có khoảng hồi phục trở lại nhẹ, đó là kịch bản dễ xảy ra, nếu dựa trên góc độ kỹ thuật.
Về góc độ thông tin, dấu hiệu có sự trấn an xoa dịu trở lại từ cơ quan nhà nước, Chính phủ với cuộc họp cuối tuần rồi. Những thông điệp được đưa ra, về góc độ quản lý nhìn nhận việc có sai có xử lý nhưng không hàm ý triệt tiêu thị trường, không cho thị trường phát triển. Thị trường trái phiếu, cổ phiếu đều được khuyến khích phát triển, có sai phạm nhà nước phải xử lý. Với thông điệp này nhà nước thừa nhận thị trường vẫn đang phát triển tương đối lành mạnh, khuyến khích sự phát triển thị trường, đây là thông điệp quan trọng. Thông qua cuộc họp này những vấn đề dài hơi hơn được đề cập, như quyết tâm thăng hạng thị trường, thị trường phải chuyên nghiệp, tháo gỡ các nút thắt giúp tâm lý nhà đầu tư thoải mái hơn, cởi mở hơn, là điểm thuận lợi nhìn về sự hồi phục tuần mới.
Về rủi ro, phiên cuối tuần qua thị trường thế giới, cụ thể là thị trường Mỹ có phiên giảm mạnh do lo ngại liên quan lạm phát, lãi suất. Với kết quả này một phần nào ảnh hưởng thị trường châu Âu nói chung và Việt Nam nói riêng ở đầu tuần mới. Đây là điểm nhà đầu tư cần quan tâm.
Tuần rồi, một trong những nguyên nhân khiến thị trường yếu thêm là có phiên đáo hạn phái sinh vào thứ 5.
Về khả năng VN-Index về vùng thấp hơn dưới 1.200 điểm sau quá trình tăng nóng của cổ phiếu, quan điểm của tôi là không đồng tình với nhận định này.
Muốn nói thị trường nóng hay không thì phải nhìn vào định giá, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, vào diễn biến thị trường. P/E hiện khoảng 13 lần, với mức định giá này so bình diện khu vực thì thị trường Việt Nam không đắt.
Thứ hai, nửa cuối 2021 là giai đoạn thị trường tăng dựa trên nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ đầu cơ, penny trong khi cổ phiếu vốn hóa lớn chững. Giờ xuất hiện điều chỉnh, có những cổ phiếu, nhóm cổ phiếu cần điều chỉnh mạnh là hoàn toàn xác đáng do trước đó đó tăng không hợp lý.
Bên cạnh đó, có nhiều cổ phiếu tăng lên không bao nhiêu so với cuối 2021 đi kèm tình hình kinh doanh của các công ty ổn, tốt, có chiều hướng thuận lợi trong 2022 là không hợp lý, nếu cho rằng các cổ phiếu này đang được định giá quá cao, tăng nóng. Ví dụ cổ phiếu ngân hàng, nửa cuối 2021 gần như chững lại. Hiện tại nhiều cổ phiếu ngành này giảm nhiều hơn mức giảm VN-Index, nhóm này yếu hơn hẳn bình diện chung thị trường trong khi kết quả kinh doanh 2022 lại tốt hơn thị trường chung.
Như đã từng chia sẻ, chắc chắn sự phân hóa sẽ mạnh mẽ ở giai đoạn tới và năm nay không phải năm nhà đầu tư “đánh đấm” bừa được. Một phần đang diễn ra theo nhận định đó. Quan điểm của tôi cổ phiếu chuẩn chỉnh, vốn hóa tương đối đang ở vùng giá hợp lý, thậm chí hấp dẫn. Sẽ không logic lắm nếu nghĩ rằng thị trường sau giai đoạn tăng quá nóng và sẽ điều chỉnh ở cấp độ mạnh và về dưới 1.200 điểm.
Tuy nhiên nếu trường hợp thị trường thế giới gặp quá nhiều vấn đề như rơi vào giai đoạn suy thoái, đối mặt lạm phát quá cao và việc kiểm soát thất bại thì đó là kịch bản dẫn đến sự thoái trào, điều chỉnh mạnh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nhìn chung, xác suất đó không cao. Với Việt Nam, khả năng kiểm soát lạm phát, giữ được mặt bằng lãi suất tương đối hợp lý, không thay đổi quá nhiều từ mức hiện nay là kịch bản khả dĩ, dễ xảy ra hơn. Nên đặt trong dự đoán như vậy, thị trường nhìn chung ở mức hiện nay không đắt.
Áp lực bán không chỉ từ giải chấp
Ông Bùi Văn Huy, Chuyên gia chứng khoán
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, VN-Index đã xuyên thủng vùng hỗ trợ rất quan trọng quanh 1.420, đây là vùng cận đưới biên đi ngang trung hạn và là vùng đường trung bình di động 200 ngày (MA200). Do đó chưa nói đến việc thị trường có sớm xuất hiện nhịp hồi/tạo đáy hay chưa thì xu hướng hiện tại của thị trường đang có nhiều rủi ro. Đặc biệt, hiện tại số lượng cổ phiếu ở trên đường trung bình 200 ngày trên HOSE chỉ khoảng trên 40%, đây là mức thấp nhất trong hơn một năm rưỡi trở lại đây, đó là điểm khác biệt so với các nhịp điều chỉnh gần đây, việc lựa chọn cổ phiếu sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Điều mà nhiều người quan tâm là thị trường đã tạo đáy hay chưa cũng rất khó trả lời. Tín hiệu lúc này là không rõ ràng, có những tín hiệu cho thấy thị trường vẫn chưa xác nhận tạo đáy như độ rộng thị trường tiêu cực, lực cầu yếu, thanh khoản yếu, gia tốc bán xuống là rất mạnh… Do đó việc thị trường tạm ngưng rơi và tạo đáy hiện tại hay nói còn rơi tiếp là 50/50. Trong khả năng xuất hiện nhịp hồi, vùng quanh 1.420 vừa bị xuyên thủng sẽ đóng vai trò là ngưỡng kháng cự rất mạnh. Trong khi đó kịch bản rơi tiếp vẫn còn ở đó và sau khi mất 1.420, quanh vùng giá hiện tại không có vùng hỗ trợ nào thực sự quá đáng tin cậy.
Nhiều nhận định lý giải các đợt bán mạnh vừa qua là các đợt bán giải chấp, khiến thị trường giảm sâu và gợi ý khi bán giải chấp đi qua, thị trường sẽ ngừng rơi, tuy nhiên tôi cho rằng thực tế hoàn toàn không phải vậy. Ở vai trò của mình và một số nguồn tham khảo ở các đồng nghiệp ở nhiều công ty chứng khoán khác nhau cho thấy, áp lực bán giải chấp là có, không ít nhưng không đáng sợ như bị thổi phồng. Áp lực bán còn xuất phát từ việc bán chủ động, chuyển đổi kênh đầu tư (asset allocation). Dòng tiền nóng, hung hãn đi vào thị trường tìm kiếm cơ hội trong dịch ít nhiều có xu hướng rút ra khi đại dịch dần đi qua và lãi suất, thị trường hàng hóa, trái phiếu, cổ phiếu ở thời điểm của những bước ngoặt quan trọng.
Nhiều người dùng định giá thị trường (P/E, P/B), triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp, triển vọng tăng trưởng… để nói rằng đợt giảm hiện tại là vô lý và dự đoán sớm tạo đáy, tuy nhiên cách suy luận như vậy chưa hợp lý. Chúng ta hẳn còn nhớ COVID ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam nhưng nhờ tiền rẻ, chứng khoán vẫn tăng đấy thôi. Ngắn hạn để dự báo thị trường, cần nhìn thẳng vào dòng tiền, cung-cầu thị trường. Thị trường giảm nhanh trong thời gian qua, tuy nhiên so với đoạn tăng từ đáy năm 2020 đến nay thì cũng không đáng là bao.
Đánh giá chung về bối cảnh trong và ngoài nước, yếu tố tiêu cực trong ngắn hạn vẫn nhiều hơn. Lạm phát, suy thoái, xung đột Ukraine là những chủ đề lớn. Lợi suất trái phiếu và FED sẽ là những yếu tố cần lưu tâm trong ngắn hạn. Trong nước mùa KQKD sắp đi qua, trong khi đó làn sóng dịch chuyển tài sản khỏi cổ phiếu có tiếp tục diễn ra như ở nhiều thị trường khác hay không rất cần theo dõi, khi nền lãi suất bắt đầu tăng. Margin call là yếu tố hay được viện dẫn, nhưng một lần nữa tôi thấy bị thổi phồng và không hoàn toàn đúng bản chất của đợt bán này.
Một cách bài bản, để tham gia thị trường hợp lý và an toàn, cần có bằng chứng rõ ràng hơn về việc thị trường tạo đáy hay chưa. Tuy nhiên việc tham gia như thế nào cũng phụ thuộc rất lớn vào vị thế và chiến lược đầu tư xuyên suốt của mỗi nhà đầu tư.
Nhà đầu tư dài hạn: Rẻ thì có thể mua với một biên an toàn phù hợp, chấp nhận việc thị tường có thể giảm thêm và thời gian chờ đợi sẽ có thể rất lâu khi thị trường đã chuyển xấu. Thị trường giảm là cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn…và quan trọng là còn tiền.
Nhà đầu tư ngắn hạn – đang full cổ, thậm chí margin: quản trị rủi ro nên được ưu tiên. Tranh thủ các nhịp hồi (nếu có) để cơ cấu danh mục phù hợp.
Nhà đầu tư ngắn hạn cầm tiền, còn sức mua: có thể quan sát thêm, cân nhắc giải ngân khi thị trường tạo đáy một cách rõ ràng hoặc tiếp tục giảm về các ngưỡng hỗ trợ mạnh. Chiến lược giải ngân mới nên được tiến hành từng phần, không cần vội vàng.
Nói chung giai đoạn hiện tại bối cảnh đang tiêu cực nhiều hơn tích cực, thị trường thì áp lực bán nhiều hơn lực mua do đó ưu tiên giữ tiền hơn là kiếm tiền. Không ăn thua đủ với thị trường làm gì.
Về nhóm ngành có thể cân nhắc khi thị trường có dấu hiệu tạo đáy, tôi ưu tiên các nhóm ngành phòng thủ và sẽ được hưởng lợi trong thời gian tới như Tiện ích, Công nghệ, Bán lẻ, Cảng biển, Dệt may, Xuất khẩu thủy sản,… đây là nhóm ngành vẫn duy trì được xu hướng tăng và có thể canh mua ở các ngưỡng hỗ trợ trung hạn. Thời điểm mua sẽ rất quan trọng, vì ngành nào cũng vậy, mua sai thời điểm đều rất dễ dẫn đến thua lỗ ngắn hạn.
Về trading T+ với các cổ phiếu quá bán, đây là chiến lược rủi ro cao nhưng đang được nhiều nhà đầu tư săn hàng. Một trong những lời khuyên cho chiến lược này là chọn cổ phiếu thuộc nhóm ngành giảm sâu, có cơ bản, chỉ báo kỹ thuật tạo được phân kỳ dương với giá. Tất nhiên với việc lùng các cổ phiếu quá bán để trade T+, thị trường cần tạo đáy xác suất thành công mới cao. Sẵn sàng quản trị rủi ro khi sau và thủng đáy.
Năm 2022 thị trường sẽ mang dáng vóc khá giống 2019
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Sau chuỗi giảm mạnh, thị trường có những nhịp hồi nhưng còn sớm để nói thị tường sẽ đảo chiều và tăng lên vì rủi ro thị trường vẫn chưa giảm trong bối cảnh tình trạng áp lực giải chấp ở các CTCK về cơ bản chưa dừng lại ở giai đoạn này. Điểm tích cực với phiên hồi cuối tuần giải tỏa bớt áp lực giải chấp ở các CTCK cho phiên đầu tuần mới.
Lưu ý nhịp hồi này chưa thể khẳng định xu thướng tăng trở lại vì độ rộng thị trường theo chiều hướng xấu, có sự phân hóa ở các nhóm cổ phiếu, có khả năng thị trường sẽ theo chiều hướng sidewway đi ngang ở trên vùng 1.350 điểm. Điểm tích cực hiện nay vùng hỗ trợ 1.350 được giữ vững, áp lực giải chấp ở CTCK sẽ tạm thời dừng ngắn hạn. Khả năng cao tuần mới chứng kiến đợt hồi phục của thị trường, mang tính chất hồi ngắn hạn.
TTCK thế giới diễn biến xấu với phiên cuối tuần giảm mạnh nhất từ đầu năm 2022. Với phiên này, khả năng khiến tâm lý nhà đầu tư chưa quay lại hẳn thị trường dù định giá thị trường thấp, P/E dưới 16 lần. Năm 2021 nhiều lần P/E giảm về quanh 16 rồi hồi phục, tức dòng tiền thường tìm đến thời điểm định giá rẻ. Nhưng rủi ro chưa giảm khi áp lực bán vẫn còn.
Tôi cho rằng, năm 2022 thị trường sẽ mang dáng vóc khá giống 2019 khi có biên độ rộng +/-8%. Tính từ đầu năm VN-Idnex đã giảm 8%. Tại sao gống? Đầu tiên, FED liên tục tăng lãi suất trong năm nay, 2019 cơ quan này cũng tăng lãi suất, ảnh hưởng nhiều tới thị trường. Thứ hai, năm 2019 bị tác động nhiều thông tin về địa chính trị, Triều Tiên phóng tên lửa, các cuộc giao tranh ở Trung Đông… tác động ngắn hạn khiến thị trường gặp rủi ro. Về cơ bản viễn cảnh hiện tại khá giống 2019 với vấn đề Nga - Ukraine. Thứ ba về vĩ mô, 2019 vĩ mô tốt với FDI tăng mạnh, 2022 vĩ mô cũng hồi phục lại sau COVID, chưa kể làn sóng dịch chuyển FDI khi Trung Quốc thực hiện Zero COVID.
Năm 2019 thị trường khó có đợt giảm sâu kéo dài thì 2022 khả năng cũng như vậy ,vì vĩ mô đang tốt lên sau COVID. Nhiều yếu tố khác như lãi suất dù tăng nhưng sẽ không tăng nhiều, dòng tiền chưa thể rút ngay khỏi thị trường, tỷ giá với lượng thặng dư ngoại tê lớn có thể duy trì tỷ giá ở mức an toàn, không biến động mạnh, các yếu tố này khó chứng kiến thị trường đợt giảm kéo dài như khủng hoảng 2008. Khả năng biên độ VN-Index trên dưới 8-10%.
Nhà đầu tư có thể cân nhắc chọn nhóm cổ phiếu nhóm sản xuất hưởng lợi chu kỳ kinh tế đang hồi phục sau COVID.
Nếu xét cổ phiếu vốn hóa lớn, vẫn kỳ vọng vào nhóm ngân hàng, là nhóm khỏe nhất thị trường thu hút dòng tiền trong 2022. Bản chất dòng này vẫn phụ thuộc vào nền kinh tế, mà rõ ràng kinh tế chúng ta đang hồi phục đi lên. Thứ 2 lãi suất tăng nhưng chưa là thời điểm tăng nóng, quay trở lại 2010-2012, NIM vẫn đảm bảo mức tăng trưởng. Nhưng trong năm nay có sự phân hóa, ngân hàng có tỷ lệ CASA cao, tập trung khai thác công nghệ ứng dụng cho mảng bán lẻ có tăng trưởng mạnh. Tóm lại ngân hàng là nhóm dẫn dắt thị trường, đầu tư cho trung dài hạn.
Ngoài ra còn có nhóm hóa chất, công nghệ, bán lẻ là những nhóm ngành hưởng lợi của chu kỳ tăng truưởng kinh tế.
Năm nay nhà đầu tư phải lựa chọn kỹ cổ phiếu. Kể cả VN-Index tích cực nhất, tăng mạnh nhưng chưa chắc tất cả cổ phiếu trên thị trường đều tăng. Năm 2020 -2021 có thể mua gì cũng thắng nhưng 2022 sẽ không phải trạng thái như vậy.