Chuyên gia cho rằng cú sốc của thị trường giúp nhà đầu tư mới nhìn nhận đúng đắn hơn về kênh đầu tư chứng khoán, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp hơn cho việc giải ngân đồng vốn của mình.
Quan điểm được ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phân tích, Maybank Investment Bank chia sẻ với chúng tôi trong bối cảnh thị trường chứng khoán trải qua giai đoạn giảm sốc, từ vùng đỉnh lịch sử về tiệm cận 1.310 điểm.
Ông Nguyễn Thanh Lâm
Có quan điểm cho rằng, nhiều khả năng VN-Index về dưới 1.200 điểm, thậm chí về 1.100 điểm sau thời gian cổ phiếu tăng nóng. Ý kiến của ông về điều này?
Về khả năng VN-Index về vùng thấp hơn dưới 1.200 điểm sau quá trình tăng nóng của cổ phiếu, quan điểm của tôi là không đồng tình với nhận định này.
Muốn nói thị trường nóng hay không thì phải nhìn vào định giá, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, vào diễn biến thị trường. P/E hiện khoảng 13 lần, với mức định giá này so bình diện khu vực thì thị trường Việt Nam không đắt.
Thứ hai, nửa cuối 2021 là giai đoạn thị trường tăng dựa trên nhiều cổ phiếu vốn hóa nhỏ đầu cơ, penny trong khi cổ phiếu vốn hóa lớn chững. Giờ xuất hiện điều chỉnh, có những cổ phiếu, nhóm cổ phiếu cần điều chỉnh mạnh là hoàn toàn xác đáng do trước đó đó tăng không hợp lý.
Bên cạnh đó, có nhiều cổ phiếu tăng lên không bao nhiêu so với cuối 2021 đi kèm tình hình kinh doanh của các công ty ổn, tốt, có chiều hướng thuận lợi trong 2022 là không hợp lý, nếu cho rằng các cổ phiếu này đang được định giá quá cao, tăng nóng. Ví dụ cổ phiếu ngân hàng, nửa cuối 2021 gần như chững lại. Hiện tại nhiều cổ phiếu ngành này giảm nhiều hơn mức giảm VN-Index, nhóm này yếu hơn hẳn bình diện chung thị trường trong khi kết quả kinh doanh 2022 lại tốt hơn thị trường chung.
Như đã từng chia sẻ, chắc chắn sự phân hóa sẽ mạnh mẽ ở giai đoạn tới và năm nay không phải năm nhà đầu tư “đánh đấm” bừa được. Một phần đang diễn ra theo nhận định đó. Quan điểm của tôi cổ phiếu chuẩn chỉnh, vốn hóa tương đối đang ở vùng giá hợp lý, thậm chí hấp dẫn. Sẽ không logic lắm nếu nghĩ rằng thị trường sau giai đoạn tăng quá nóng và sẽ điều chỉnh ở cấp độ mạnh và về dưới 1.200 điểm.
Tuy nhiên nếu trường hợp thị trường thế giới gặp quá nhiều vấn đề như rơi vào giai đoạn suy thoái, đối mặt lạm phát quá cao và việc kiểm soát thất bại thì đó là kịch bản dẫn đến sự thoái trào, điều chỉnh mạnh trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nhìn chung, xác suất đó không cao. Với Việt Nam, khả năng kiểm soát lạm phát, giữ được mặt bằng lãi suất tương đối hợp lý, không thay đổi quá nhiều từ mức hiện nay là kịch bản khả dĩ, dễ xảy ra hơn. Nên đặt trong dự đoán như vậy, thị trường nhìn chung ở mức hiện nay không đắt.
Ông nhận định ra sao về câu chuyện Sell in May của năm nay?
Nhìn lại khoảng 15 năm thống kê Sell in May ở Việt Nam không thực sự có tính dự đoán. Số năm tăng/giảm ngang nhau. Xét theo yếu tố chu kỳ thì giai đoạn dễ rớt nhất của thị trường rơi vào tháng 10 và 11 hàng năm, dễ tăng mạnh thường rơi vào tháng 2.
Thông thường người ta nói Sell in May vì tháng 5 có khoảng trống về thông tin. Nếu như tháng 4 mọi người hưng phấn có nhiều thông tin về ĐHCĐ, kết quả kinh doanh, theo đó cổ phiếu dễ tăng. Nhưng giai đoạn tháng 5 rơi vào vùng trũng thông tin.
Bối cảnh hiện nay không hoàn toàn giống như vậy. Tôi có quan điểm thận trọng cho tháng 5 tới nhưng không phải bi quan.
Cụ thể, tháng 5 là thời điểm FED điều chỉnh lãi suất ở mức độ quyết liệt hơn. Theo đó, nhiều khả năng FED sẽ phải lựa chọn nâng lãi suất 0,5%, thay vì chỉ tăng 0,25% giống tháng 3. Nếu tăng 0,5% dẫn đến một cú sốc nhỏ cho thị trường.
Trong bối cảnh đó hơi khó để kỳ vọng sự hứng khởi, tăng lên mạnh mẽ cho chứng khoán toàn cầu trong tháng 5. Đặc biệt thị trường Việt Nam trải qua giai đoạn bão tố, đang kỳ vọng sự cân bằng, phục hồi. Nhưng điều này đòi hỏi khoảng thời gian tương đối để nhà đầu tư bắt đầu thoái mái, ổn định.
Kết hợp 2 yếu tố nên chúng tôi có góc nhìn hơi thận trọng cho tháng 5. Có thể có nhịp hồi tương đối trong những phiên tới nhưng đến giữa tháng thị trường chững lại, giằng co chứ chưa thể bứt phá lớn được.
Tháng 5 qua đi, tâm lý nhà đầu tư ổn trở lại, tình hình thế giới không có nhiều biến bất lợi thì có thể thị trường bứt phá mạnh mẽ hơn.
Sau cú sốc của thị trường, ông có cho rằng sẽ có lớp nhà đầu tư F0 rời bỏ thị trường?
Rõ ràng sau cú sốc mạnh vừa rồi với F0 khi đối diện thị trường giảm mạnh, có nhà đầu tư tài khoản giảm vài chục %, tình trạng call margin, force sell diễn ra nhiều. Nên việc có bộ phận nhà đầu tư rời bỏ thị trường, ngừng đầu tư chứng khoán sẽ xảy ra. Nhưng đây là thiểu số hay đa số mới là vấn đề. Tôi nghiêng nhiều về thiểu số hơn.
Dòng chảy chính của thị trường vẫn là sự phổ biến của TTCK ở mức tốt nên lượng nhà đầu tư mới sau đó bù đắp được cho lượng nhà đầu tư rời bỏ thị trường. Ngắn hạn có một lớp F0 rời bỏ thị trường nhưng tôi nhắc lại lượng này không lớn, sự tham gia của các nhà đầu tư mới vào thị trường vẫn tăng trưởng.
Trong ngắn hạn khoảng 1-2 tháng tới là sự dè dặt hơn của nhà đầu tư cá nhân, mọi người bình tâm hơn để nhìn nhận vừa qua mình đầu tư như thế nào, có tiếp tục đầu tư hay không.
Việc thị trường có cú sụp giai đoạn vừa qua cũng là lời cảnh báo xác đáng, quan trọng với nhà đầu tư mới - những nhà đầu tư bước vào thị trường khoảng 1-2 năm vừa rồi gần như chỉ gặp thuận lợi, chưa gặp cú sốc nào. Cú sốc này giúp họ nhìn nhận đúng đắn hơn về kênh đầu tư chứng khoán, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp hơn cho việc giải ngân đồng vốn của mình.
Cảm ơn ông!