Bổ trợ cho tăng trưởng của REE trong quý I tới từ mảng hạ tầng điện nước với sức tăng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận. Trong khi đó, mảng cơ điện lạnh lại diễn biến kém tích cực so với cùng kỳ năm ngoái, cho dù được ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ khởi sắc trong năm 2022.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I, Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (HoSE:
REE) ghi nhận doanh thu thuần 2.045 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cơ cấu doanh thu, mảng hạ tầng điện nước tăng gần 3 lần lên 1.445 tỷ đồng, đóng góp 70% tổng doanh thu; mảng bất động sản gần như đi ngang, còn lại mảng cơ điện lạnh sụt giảm tương đối mạnh, từ 568 tỷ đồng về gần 350 tỷ đồng.
Tốc độ tăng của giá vốn chậm hơn đáng kể, đem lại khoản lợi nhuận gộp lên đến 1.150 tỷ đồng cho
REE, cao hơn 2,6 lần kết quả của quý I/2021, tương ứng biên lợi nhuận gộp tăng từ 37% lên 56%.
Ngược lại với đó, hoạt động tài chính tỏ ra kém khả quan hơn khi doanh thu giảm 66% cùng kỳ xuống còn 38 tỷ đồng, do thiếu hụt khoản lãi từ bán, thanh lý các khoản đầu tư và lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái. Chi phí tài chính, chủ yếu là lãi vay cũng tăng mạnh gấp đôi lên 217,5 tỷ đồng.
Cơ điện lạnh (REE): Lợi nhuận quý I tăng gấp đôi lên 955 tỷ đồng, thực hiện 33% kế hoạch năm
Khấu trừ chi phí vận hành biến động không quá lớn,
REE báo lãi sau thuế 955,3 tỷ đồng, tăng gấp hai lần thực hiện quý I/2021, trong đó lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 693,3 tỷ đồng, tăng trưởng 67%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu cũng tăng rõ rệt từ 1.345 đồng lên 2.236 đồng.
Được biết năm 2022,
REE đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 9.247 tỷ đồng, lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ 2.061 tỷ đồng, lần lượt tăng 60% và 10% so với thực hiện năm ngoái. Như vậy kết thúc quý I, doanh nghiệp đã hoàn thành 22% chỉ tiêu doanh thu và 33% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2022 vừa tổ chức, trong bối cảnh các dự án xây dựng, bất động sản và đầu tư công được kỳ vọng tái khởi động khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát,
REE tỏ ra khá lạc quan với nguồn thu từ mảng cơ điện lạnh khi dự kiến giá trị hợp đồng ký kết mới có thể đạt 5.000 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với năm 2021.
Ban lãnh đạo đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự phóng lần lượt đạt 3.930 tỷ đồng và 214 tỷ đồng, tăng 116% và 119%. Tuy nhiên, mảng cơ điện lạnh trong quý I lại diễn biến khá kém tích cực, với doanh thu giảm trên 38% cùng kỳ, lợi nhuận giảm 65%.
Tại ngày 31/3/2022, tài sản của
REE đạt 32.402 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Lượng tiền và tương đương tiền đạt 1.776 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, nợ phải trả đứng ở mức 15.456 tỷ đồng, tổng nợ vay chiếm 11.940 tỷ đồng, phần lớn là vay dài hạn với 10.702 tỷ đồng. Doanh nghiệp đang có 9.344 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, tính đến hết quý I.
Mới đây,
REE thông báo ngày 18/5 tới sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2021, với tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của
REE sẽ tăng lên mức hơn 3.564 tỷ đồng.
Trước đó,
REE cũng đã chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương đương số tiền dự chi là khoảng 310 tỷ đồng. Doanh nghiệp sẽ thanh toán cổ tức bằng tiền mặt vào ngày 29/4.
Trong năm 2022,
REE đặt mục tiêu mở rộng công suất điện gió lên tới 400MW từ các dự án như Vĩnh Hảo, Ea H’Leo và Kông Chro, cũng đầu tư và mua lại thêm các dự án điện gió 100-200 MW và cả các dự án điện gió ngoài khơi công suất lớn hơn.
Việc đa dạng danh mục đầu tư vào các công ty/dự án ở mảng năng lượng như thủy điện, nhiệt điện, phong điện và điện mặt trời giúp duy trì lợi nhuận của
REE trong những thời kỳ thời tiết không thuận lợi cho thủy điện và điện mặt trời.
Năm 2021,
REE đã sáp nhập Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) và việc vận hành thương mại thêm ba dự án điện gió lớn, là Trà Vinh, Phú Lạc 2, Lợi Hải 2 với tổng công suất 102 MW, đã hoạt động từ cuối tháng 10/2021 và sẽ đóng góp khoảng 200 tỷ lợi nhuận sau thuế vào năm 2022.
Đồng thời,
REE cũng đã góp vốn gần 36 tỷ đồng để để sở hữu 29,6% Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà 2, với tổng công suất đạt 18,9 MW và dự kiến vận hành thương mại vào quý IV/2023. Mặt khác, mảng M&E được dự đoán sẽ có sự phục hồi trong trung hạn nhờ dự án sân bay Long Thành và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.