Giá vàng thế giới hôm nay (9/4) tăng lên mức 1.946,7 USD/ounce, bất chấp lãi suất trái phiếu Mỹ nóng lên, đồng USD tăng giá mạnh. Trong khi đó, tại thị trường trong nước, vàng SJC quay trở lại mốc 69 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, đầu giờ sáng ngày 9/4 (giờ Việt Nam), giá vàng neo ở mức 1.946,7 USD/ounce, tương đương khoảng 53,9 triệu đồng/ lượng. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 trên sàn Comex giao dịch lần cuối ở mức 1.945,9 USD/ounce, tăng hơn 1% trong tuần.
Như vậy, qua 5 phiên giao dịch (từ ngày 4 đến rạng sáng 9/4), giá vàng thế giới giao ngay đã tăng tổng cộng 32 USD/ounce, từ 1.915 USD/oune lên 1.947 USD/ounce.
Giá vàng SJC trở lại với đỉnh cao 69 triệu đồng/lượng.
Trong biên bản cuộc họp tháng 3 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) tiết lộ kế hoạch giảm bảng cân đối kế toán của Fed thêm 95 tỷ USD mỗi tháng, dự kiến sẽ được khởi động vào tháng 5. Đồng thời cũng hé lộ về khả năng tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại các cuộc họp sắp tới nếu lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng cao. Điều này đã thúc đẩy đồng USD liên tục tăng giá, lãi suất trái phiếu Mỹ vọt lên 2,7%/năm nhưng vẫn không ngăn cản được đà tăng giá vàng hôm nay.
Cụ thể, đầu phiên giao dịch ngày 9/4 (theo giờ Việt Nam), trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,09%, đạt mức 99,84 điểm.
Mặt khác, Liên minh châu Âu vừa tăng thêm biện pháp trừng phạt Nga qua việc cấm nhập khẩu than đá từ nước này. Theo đó, thị trường lo ngại giá năng lượng tiếp tục leo thang, tạo đà cho lạm phát toàn cầu ngày càng nóng lên.
Một diễn biến khác là Ngân hàng Trung ương Nga ngừng thu mua vàng với giá cố định, thay vào đó, từ ngày 8/4, ngân hàng này mua vào vàng theo giá thương lượng.
Trước các thông tin trên, có thể giới đầu cơ nghĩ nhu cầu nắm giữ vàng để phòng chống lạm phát ngày càng tăng. Thế nên khi giá vàng giao dịch giằng co trong vùng 1.930 USD/ounce, họ liền tăng sức mua.
Lập tức, giá vàng thế giới tăng mạnh 20 USD/ounce lúc 23 giờ ngày 8/4. Sau đó, giá vàng biến động nhẹ và đến đầu ngày 9/4 đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.946,7 USD/ounce.
Tại thị trường Việt Nam, rạng sáng ngày 9/4, giá vàng tăng với từ 150.000 đến 350.000 đồng/lượng. Với mức tăng này, giá vàng trong nước vẫn đang giao dịch quanh mức 68 triệu đồng/lượng mua vào và 69 triệu đồng/lượng bán ra.
Ghi nhận mức điều chỉnh tăng mạnh nhất là Tập đoàn DOJI. Ở khu vực Hà Nội, giá vàng tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua và 350.000/lượng ở chiều bán, niêm yết 68,3 - 69,05 triệu đồng/lượng. Ở khu vực TP Hồ Chí Minh, giá vàng niêm yết 68,35 - 69,05 triệu đồng/lượng, tăng 350.000 đồng/lượng ở chiều bán và 250.000 đồng/lượng ở chiều mua so với ngày trước đó.
Tiếp theo là Tập đoàn Phú Quý khi điều chỉnh tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua và 250.000 đồng/lượng ở chiều bán, niêm yết 68,45 – 69,0 triệu đồng/lượng.
Tương tự, Vàng bạc đá quý Sài Gòn ở cả 3 khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đều điều chỉnh tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với ngày trước đó. Với mức tăng này, giá vàng JSC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết 68,4 - 68,07 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng.
Trước đó, từ 9 giờ đến 17 giờ ngày 8/4, giá vàng thế giới gần như bất động. Thế nhưng, do sức mua trong nước khởi sắc nên trong khoảng thời gian này, giá vàng SJC tăng 150.000 đồng/lượng, chốt cuối ngày tại 69,05 triệu đồng/lượng, chênh lệch với thế giới khoảng 15 triệu đồng/lượng.