• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
21 Tháng Mười Một 2024 6:29:08 CH - Mở cửa
[Cafe cuối tuần] Từ những 'cú ngã' của doanh nhân
Nguồn tin: Nhà đầu tư | 09/04/2022 7:55:00 CH
Các doanh nhân dính vòng lao lý là bởi một số hành vi vi phạm pháp luật của họ. Rồi sau một quá trình điều tra, làm rõ, họ sẽ phải chịu những mức án, phải thụ án. Nhưng những mức án ấy trong lĩnh vực kinh tế không phải là tuyệt vọng và cùng đường...
 
 
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC vừa bị bắt vì tội thao túng thị trường chứng khoán và ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tân Hoàng Minh vừa bị bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh minh hoạt: Soha
 
Có lần, ngồi trò chuyện với một quan chức tầm cỡ chính khách, sau đó thì có mấy lãnh đạo doanh nghiệp lớn đến chơi thăm. Hôm ấy thư thả sao đó nên bên bàn trà và cà phê, câu chuyện cứ thỏa mái lên và được mở rộng ra nhiều đề tài. Bỗng nhiên, vị chính khách trầm lại, đầy tư lự, nói với mấy ông doanh nghiệp: “Các ông nên mạnh dạn, cứ hết sức mà làm. Làm doanh nghiệp như các ông có cái sướng là nếu sai thì sửa, nếu ngã thì vẫn có cơ đứng lên để tiếp tục đi tới. Xây một cái nhà, nếu xấu quá, thì có thể đập đi xây lại, cùng lắm là mất tiền thôi. Còn tôi làm chính khách, khó lắm. Sai là ít cơ hội sửa, ngã thì không đứng dậy được”.
 
Nghe vậy, tôi bất giác cũng trầm ngâm theo. Câu nói của vị quan chức này có thể không hẳn tuyệt đối đúng. Vì vẫn có những chính khách dính vào sai lầm hay bị cho là sai lầm, đã bị hạ bệ xuống rồi mà sau đó lại vẫn lên cao. Và cũng đã từng có những doanh nhân, ít hơn, không còn cơ hội trở lại thương trường. Có người bị thi hành án tử hình rồi, như Tăng Minh Phụng trước đây chẳng hạn. Nhiều người vẫn cứ tiếc, giá như anh ta còn sống, có khi vẫn gây dựng lại được… Tuy nhiên, ở dạng phổ quát, thì tôi thấy câu nói của vị quan chức này đúng nhiều hơn sai.
 
Nhớ đến chuyện này mà ngẫm nghĩ về việc các doanh nhân mới dính vòng lao lý vừa qua. Đây đúng là những câu chuyện thật buồn, thật tiếc. Họ sẽ phải đối mặt với pháp luật, phải chịu những chế tài thích đáng. Doanh nghiệp của họ sẽ chao đảo, khó khăn. Nhưng chả cần nhìn đi đâu xa, đã có những doanh nhân từng vào tù, đã trải qua những ngày tháng khốn cùng, kiệt quệ, rồi họ ra tù, lại bền chí làm lại, bây giờ đang mở ra những bước đi mới, vươn lên những dáng vóc mới đấy thôi. Những doanh nhân vừa dính vào lao lý mới đây không phải là những trường hợp đầu tiên ở ta. Trước đó, đã có nhiều người như thế. Và chắc chắn, sẽ còn những người khác “vấp ngã” thời gian tới đây nữa. Thành ra, chuyện này không phải như chuyện núi đổ, trời sập được. Đây không phải là tuyệt vọng, là đường cùng…
 
Các doanh nhân dính vòng lao lý là bởi một số hành vi vi phạm pháp luật của họ. Rồi sau một quá trình điều tra, làm rõ, họ sẽ phải chịu những mức án, phải thụ án. Nhưng những mức án ấy trong lĩnh vực kinh tế không phải là tuyệt vọng và cùng đường. Họ đã có một quá trình, đã có kinh nghiệm, có tích lũy đàng hoàng, những cổ phần cổ phiếu chính đáng của họ vẫn còn đấy, doanh nghiệp của họ vẫn đang tiếp tục hoạt động, dù có khó khăn, có chao đảo, thì có những người khác ghé vai gánh vác. Và họ sẽ có ngày trở lại. Không chừng, với sự trở lại ấy, cùng với những trải nghiệm và thấm thía, thì con đường phát triển của họ lại trở nên đúng đắn và bền vững hơn…
 
***                               
 
Nói gì thì nói, những thay đổi lớn lao của đất nước mấy chục năm gần đây là do các doanh nhân tạo nên dưới tác động của những chủ trương và chính sách đúng đắn. Đội ngũ doanh nhân cũng mới được hình thành trong mấy chục năm vừa qua. Với những phát triển và hình thành ban đầu ấy, thì những bất cập của môi trường chính sách và những vấp ngã của con người là không thể tránh được.
 
Ông Nguyễn Trần Bạt là doanh nhân, luật sư, đồng thời cũng là một học giả đáng kính trọng, mới mất hồi cuối năm 2020. Chỉ bước thêm một bước nữa là có thể vào hàng tỷ phú, nhưng ông đã dừng lại vì thấy làm tỷ phú là rất nhọc nhằn, là “Bởi tôi biết tôi làm tiền để sống chứ không phải để chết”, là bởi ông cho rằng “Giàu có là một gánh nặng. Giàu có đôi khi trở thành cái gông treo trên cổ con người, làm nặng trĩu tâm hồn con người”.
 
Thay vào việc tiếp tục làm doanh nhân, ông Bạt đã viết ra rất nhiều cuốn sách rất cần thiết cho xã hội đọc, trong đó theo tôi, cần đọc nhất chính là các doanh nhân.
 
Ông Nguyễn Trần Bạt nhận xét về doanh nhân trong một cuộc trò chuyện với nhà báo Xuân Ba như sau: “Mọi doanh nhân trên thế giới này đều nhọc nhằn, mọi doanh nhân trên thế giới này đều tủi thân, doanh nhân làm ra sự giàu có và là người giàu có, cho nên họ nhận được sự đố kỵ của tất cả phần còn lại của cuộc sống. Ai nhận được sự đố kỵ cũng đều nhọc nhằn”.
 
Ở một số nhận định khác, Nguyễn Trần Bạt cho ta những hình dung để cắt nghĩa về các “cú ngã” của doanh nhân hiện nay. Ông nói: “Nghiên cứu các kẽ hở của pháp luật và sự sơ hở của nhà nước để tận dụng là đặc trưng của doanh nhân ở mọi nơi trên thế giới”. Chính vì sự chưa hoàn thiện của pháp luật, lại gặp sự “nghiên cứu” tinh vi này được thúc đẩy bởi những tham vọng làm giàu và kiếm tiền bất chấp mọi lý lẽ của mình, cộng thêm sự tiếp tay của những quan chức thoái hóa, đã đẩy nhiều doanh nhân đi đến những “cú ngã” đau đớn.
 
Trong khi nhà nước đang từng bước hoàn thiện các pháp luật về kinh tế, nâng cao năng lực của thể chế kinh tế thị trường, xây dựng hệ thống chính sách và pháp luật để vừa khuyến khích vừa quản lý đời sống kinh doanh. Doanh nhân chỉ có ích khi họ được điều chỉnh một cách khoa học. Đây chính là môi trường để ngăn chặn những sai phạm, không để cho doanh nhân vấp ngã.
 
Còn ở một mặt khác, thì phải thấy rằng, cùng trong một môi trường, một điều kiện như nhau mà nhiều doanh nhân đã tránh được sai lầm, vấp ngã, còn một số khác thì lại không. Lý do là vì sao? Đây chính là vấn đề của đạo đức kinh doanh, của bản lĩnh và văn hóa doanh nhân. Trong kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt, không thể thật thà một cách đơn giản mà phải tinh vi, thậm chí quỷ quái. Nhưng tinh vi trong thương trường phải là sự tinh vi của học vấn, văn hóa, đạo đức chứ không phải sự tinh vi quỷ quái của lừa đảo và lòng tham bất chấp mọi lý lẽ.
 
Vì thế, trong khi các doanh nhân bị vướng vòng lao lý hiện nay phải đối mặt với pháp luật để sửa chữa những sai lầm của mình và mong một ngày trở lại thương trường thì các doanh nhân khác hãy nhân cơ hội này mà nhìn lại chính mình để tự xem mình có những sai lầm gì hay có khả năng phạm vào những sai lầm gì, để học một cách âm thầm, sửa một cách âm thầm và đổi mới một cách âm thầm để tránh những “cú ngã” có thể đến với mình. 
 
Đất nước phát triển, hướng đến thịnh vượng và văn minh, là từ nền tảng phát triển kinh tế. Kinh tế giàu mạnh là thành quả của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân đông đảo, mạnh mẽ, sáng tạo, nhiệt huyết... Vì thế, các doanh nhân trên con đường dựng nghiệp cần hết sức tránh những "cú ngã". Và những "cú ngã", nếu vẫn cứ xảy ra, thì phải là bài học giàu ý nghĩa cho nhiều người nhất có thể, để tránh nó tiếp tục xây ra...