Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý vừa công bố báo cáo hoạt động với nhiều điểm đáng chú ý.
Quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý tăng tỷ trọng tiền mặt lên mức cao nhất trong vòng 2 năm
Tại ngày 5/5, quy mô danh mục VEIL đạt gần 2,4 tỷ USD, trong đó tỷ trọng tiền mặt là 5,77%, tương ứng 137,8 triệu USD (khoảng 3.170 tỷ đồng). Đây là tỷ trọng tiền mặt cao nhất mà VEIL nắm giữ kể từ tháng 5/2020 (nắm 6,38% tiền) khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.
Động thái tăng tỷ trọng tiền của VEIL diễn ra từ nửa cuối tháng 4 và tăng mạnh vào đầu tháng 5 khi chỉ số VN-Index có nhịp hồi phục lên vùng 1.360 điểm, trước khi giảm mạnh xuống dưới 1.200 điểm như hiện nay.
VPB vẫn là cổ phiếu lớn nhất danh mục VEIL với tỷ trọng 12%, xếp tiếp theo lần lượt là MWG (10,76%), ACB (9,74%), HPG (8,72%), VHM (5,82%), DXG (5,23%), FPT (4,39%)…
Trong báo cáo mới đây, Dragon Capital đã đưa ra dự báo tăng trưởng EPS các doanh nghiệp năm 2022 ở mức 25%, cao hơn nhiều con số trung bình hàng năm là 12,5% kể từ 2010. Cũng theo Dragon Capital, các hành động của Chính phủ thời gian gần đây sẽ góp phần hướng dòng tiền ra khỏi nhóm cổ phiếu đầu cơ và chuyển sang nhóm cổ phiếu chất lượng, có cơ bản tốt, lợi nhuận cao và ít rủi ro pháp lý.
Dragon Capital nêu quan điểm việc giá cổ phiếu giảm kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận đưa định giá cổ phiếu Việt Nam trở nên rất hấp dẫn.
Chỉ số P/E trượt giảm về 14,5 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm. Trong 5 năm vừa qua, chỉ số P/E của thị trường chỉ 2 lần tiếp cận ngưỡng này. Lần đầu tiên là đáy của đợt giảm năm 2018 và lần thứ 2 là trong giai đoạn khủng hoảng do Covid năm 2020.
So sánh với các thị trường trong khu vực, theo quan điểm của quỹ ngoại, mức định giá hấp dẫn hiện tại của thị trường Việt Nam càng trở nên nổi bật. Tuy vẫn còn những ẩn số trong ngắn hạn, tại mức định giá này, tiềm năng lợi nhuận dành cho các nhà đầu tư dài hạn là rất rõ ràng.
Về tình hình vĩ mô, Dragon Capital đánh giá các diễn biến bất ổn trong thời gian gần đây dường như đang gây ra sự đảo ngược của xu hướng toàn cầu hóa. Tuy nhiên, Việt Nam có một vị trị địa lý rất thuận lợi khi là cầu nối giữa hai khu vực kinh tế đông dân và năng động, đó là Trung Quốc và Đông Nam Á.
Điều này cùng với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký trong nhiều năm qua sẽ giúp cho Việt Nam có lợi thế thu hút chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong xu hướng khu vực hóa kinh tế. Nếu lợi thế này được tận dụng thành công, Dragon Capital tin rằng Việt Nam có thể tiếp tục duy trì được động lực tăng trưởng 6,5-7% và sự ổn định trong vòng 4 năm tới.