Cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã được đánh giá là cảng hoạt động hiệu quả đứng thứ 13 toàn cầu, theo Báo cáo CPPI 2021 vừa được WB công bố.
Báo cáo thường niên “Chỉ số hoạt động của cảng năm 2021” (CPPI 2021) của Ngân hàng thế giới được công bố nằm đánh giá về độ hiệu quả của các cảng biển. Việt Nam có một số cảng được xếp hạng trong bảng này, trong đó, cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) có thứ hạng cao. Cụ thể, cảng này đứng vị trí thứ 13 với 148,4 điểm. Bên cạnh đó, cảng Vũng Tàu xếp thứ 37 với 100,9 điểm, cảng Hải Phòng xếp vị trí thứ 63 với 67,1 điểm, cảng Cát Lái xếp vị trí 145 với 19,8 điểm.
Hai cảng container được xếp hạng hàng đầu trong CPPI 2021 là King Abdullah Port (Ả Rập Xê Út) ở vị trí đầu tiên, tiếp theo là Port of Salalah (Oman) ở vị trí thứ hai.
Các thước đo được chia thành ba loại lớn: các thước đo về hiệu quả hoạt động và tài chính; các thước đo về hiệu quả kinh tế; đo lường từ dữ liệu các nguồn ngoại sinh đến cảng.
Cảng Cái Mép
Vận tải biển là xương sống của thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng sản xuất. Hơn 4/5 khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển. Lĩnh vực hàng hải hiện là phương thức vận chuyển giá rẻ và đáng tin cậy nhất đối với hàng hoá cần vận chuyển đường dài.
Trong hai thập kỷ qua, tăng trưởng trong thương mại hàng hải là 2,9% mỗi năm. Năm 2020, khối lượng thương mại hàng hải bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng ít nghiêm trọng hơn dự kiến. Tính đến cuối năm 2020, thương mại hàng hải giảm 3,8% tương đương 10,65 tỷ tấn.
Trong đó, thương mại container chiếm khoảng 35% tổng khối lượng và hơn 60% giá trị thương mại hàng hải, giảm 1,2% so với mức của năm 2019. Cả thương mại hàng hải và container tổng thể đều phản ánh mức GDP -3,5% của kinh tế toàn cầu.
Hiệu quả của cơ sở hạ tầng cảng cũng được xác định là yếu tố đóng góp chính vào khả năng cạnh tranh tổng thể của cảng và chi phí thương mại quốc tế. Các cảng và nhà ga, đặc biệt là đối với các con thuyền container, thường có thể là nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ của lô hàng, gián đoạn chuỗi cung ứng, tăng thêm chi phí và giảm khả năng cạnh tranh.
Các cảng hoạt động kém hiệu quả thường có những hạn chế về không gian và hiệu quả hoạt động, những hạn chế về tiếp cận đất liền, giám sát không đầy đủ và sự phối hợp kém giữa các cơ quan công quyền liên quan, dẫn đến khả năng dự đoán kém và giảm độ tin cậy.
Kết quả là, thay vì tạo điều kiện thương mại, một số cảng biển đã làm tăng chi phí xuất nhập khẩu, giảm khả năng cạnh tranh, kìm hãm tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Nền kinh tế quốc gia và khu vực, do đó, có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.