Việc kinh doanh thua lỗ liên tục, cổ phiếu giao dịch sát đáy và “suýt” phải rời sàn khiến nhà đầu tư mất dần niềm tin với CTCP Tập đoàn Yeah1 (YEG). Tuy nhiên, động thái mới đây của “người cầm trịch” cũng như kế hoạch lớn của công ty đang khiến giới đầu tư hình dung về một sự thay đổi mới.
Nhà sáng lập Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Yeah1 vừa đăng ký bán hơn 4 triệu cổ phiếu
YEG, tương đương 12,89% cổ phần từ ngày 1 - 10/6. Nếu thành công, ông Tống sẽ không còn là cổ đông của công ty.
Dòng tiền âm kéo dài, lãnh đạo thoái toàn bộ vốn
Đáng chú ý, vị Chủ tịch này có động thái thoái vốn trong bối cảnh Yeah1 sắp tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 dự kiến vào ngày 15/6 tới, và giao dịch của ông Tống cũng sẽ kết thúc trước khi Đại hội diễn ra.
Ngay trước đó, bà Trần Uyên Phương, Tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng thông báo đã bán toàn bộ hơn 4,1 triệu cổ phiếu
YEG trong ngày 26/5, chính thức mất vị thế cổ đông.
Theo thông tin của tài liệu Đại hội mà Yeah 1 vừa công bố, công ty sẽ kết thúc nhiệm kỳ Hội đồng quản trị 2018 - 2022 và thực hiện bầu thành viên Hội đồng quản trị cho nhiệm kỳ 2022 - 2027 tại Đại hội tới.
Dòng tiền kinh doanh của Yeah1 từ năm 2018 đến quý I/2022.
Trước đó, Yeah 1 cũng đã công bố Báo cáo tài chính quý I/2022 với doanh thu thuần giảm 76,6% còn 67,5 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 0,84 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 47,9 tỷ đồng.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 68,8% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm 26,09 tỷ đồng về 11,85 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 15,8%, tương ứng giảm 0,87 tỷ đồng về 4,65 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 71,5%, tương ứng giảm 56,84 tỷ đồng về 22,66 tỷ đồng; lợi nhuận khác tăng thêm 18,24 tỷ đồng lên 16,06 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về dòng tiền, 3 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính âm 158,8 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 0,9 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 273,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 111,9 tỷ đồng.
Như vậy, trong kỳ, lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Công ty chỉ thoát lỗ nhờ việc ghi nhận lợi nhuận khác tăng đột biến. Và cũng theo Yeah1, mức tăng trưởng lợi nhuận 0,84 tỷ đồng là do thu nhập khác từ việc thắng vụ kiện pháp lý với một bên đối tác nước ngoài hơn 17 tỷ đồng.
Được biết, kể từ khi niêm yết năm 2018 tới nay, chưa năm nào Yeah1 tạo ra dòng tiền dương, mà liên tục âm kéo dài. Cụ thể, năm 2018 âm 287 tỷ đồng, năm 2019 âm 41 tỷ đồng, năm 2020 âm 428 tỷ đồng và năm 2021 âm 88 tỷ đồng.
Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của Yeah1 giảm 12% so với đầu năm về 1.208,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn đạt 777,7 tỷ đồng, chiếm 64,4% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn đạt 162,3 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 133,3 tỷ đồng, chiếm 11% tổng tài sản và các tài sản khác.
Được biết, năm 2022, Yeah1 dự kiến doanh thu hợp nhất đạt 588 tỷ đồng, giảm 46% so với thực hiện năm trước; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 24,7 tỷ đồng, tăng 25%. Theo đó, quý I vừa qua, doanh thu đạt 11,5% và lợi nhuận mới hoàn thành 3,5% kế hoạch năm.
Một điểm cần chú ý nữa, đó là dù dòng tiền kinh doanh âm triền miên, song Yeah1 vẫn “tham vọng” tăng vốn khủng.
Cũng theo tài liệu họp cổ đông sắp tới, Yeah đã dự trình phương án phát hành 78.642.000 cổ phiếu, giá 10.000 đồng/cp cho tối đa 100 nhà đầu tư, tương đương 786,42 tỷ đồng nhằm tăng quy mô vốn hoạt động từ 313 tỷ đồng lên 1.099 tỷ đồng, để trả nợ và đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh.
Cổ phiếu giao dịch sát đáy
Trước đây,
YEG từng là một trong những mã cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán với mức đỉnh 343.000 đồng/cp (28/6/2018). Tuy nhiên, kinh doanh liên tục sa sút, dòng tiền âm kéo dài đã khiến cổ phiếu lao dốc và đang giao dịch ở mức 16.250 đồng/cp (27/5), sát mức đáy 16.000 đồng/cp (3/11/2021), tức "bay" hơn 64% từ mức 45.000 đồng/cp thời điểm đầu năm. Tính xa hơn, cổ phiếu
YEG đã mất đến 95,3% so với thời kỳ đỉnh cao nhất.
Biến động giá cổ phiếu YEG. (Ảnh chụp màn hình)
Không chỉ vậy, do lợi nhuận sau thuế năm 2019 và 2020 là con số âm và kết quả thua lỗ nửa đầu năm 2021, HoSE đã tiếp tục duy trì diện kiểm soát đối với cổ phiếu
YEG. Đặc biệt, thời điểm nhận thông tin trên, mặc dù trong diện kiểm soát nhưng cổ phiếu
YEG lại vẫn tăng giá liền trong 2 phiên liên tiếp là phiên 22 và 23/9/2021.
Trước nguy cơ lỗ có thể kéo dài hết năm 2021, cổ phiếu
YEG sẽ phải xuống giao dịch tại sàn UpCOM, Yeah1 đã phải “bán con” để thoát lỗ.
Cụ thể, ngày 27/12/2021, Yeah1 thực hiện chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại công ty Netlink Online Corporation và công ty TNHH Truyền thông công nghệ Netlink Việt Nam với tổng giá trị chuyển nhượng khoảng 270 tỷ đồng, ghi nhận khoản lãi tài chính 210 tỷ đồng. Ngày 31/12/2021, công ty tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại CTCP Yeah1 Edigital với giá trị 298 tỷ đồng, ghi nhận lãi 147 tỷ đồng…
Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý IV/2021 tăng đột biến, đạt 328,7 tỷ đồng. Với kết quả này, Yeah1 đã “thoát nạn” buộc phải rời sàn một cách ngoạn mục.
Có thể thấy, trước khi Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống muốn thoái toàn bộ vốn, việc kinh doanh của Yeah 1 liên tục chìm trong thua lỗ cùng dòng tiền kinh doanh âm liên tục kéo dài. Không chỉ vậy, giá cổ phiếu đứng trước nguy cơ khó có thể quay trở lại thời kỳ hoàng kim. Vì vậy, động thái của ông Tống cũng như cổ đông lớn như bà Trần Uyên Phương gần như triệt để thoái vốn đã để lại khoảng trống quyền lực lớn và dường như đang ngầm báo trước rằng rất có thể Yeah1 chuẩn bị có sự biến chuyển nơi “thượng tầng”, phải chăng là tân Chủ tịch.
Cùng với đó, việc bán hàng loạt công ty con và “tham vọng” tăng vốn khủng để trả nợ và đầu tư, liệu rằng công ty có đang trong quá trình tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp để cố gắng “vươn tay bắt lấy mặt trời” sau khoảng thời gian tăm tối dưới trướng nhà sáng lập Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, hay chăng chỉ là màn phô trương chào đón “người mới”?