Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 2,05 triệu tấn gạo, mang về tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 2,05 triệu tấn gạo, mang về tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD, tăng 4,4% về khối lượng nhưng giảm 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Tuy giảm về giá trị, nhưng giá gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao hơn so một số nước xuất khẩu gạo truyền thống như Ấn Độ, Pakistan, Myanmar….
Xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 2,05 triệu tấn, cán mốc 1 tỉ USD trong 4 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Internet
Theo giá gạo do Hiệp hội Lương thực Việt Nam niêm yết, ngày 9.5.2022, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới ở mức 418 USD/tấn (gạo 5% tấm), 398 USD/tấn (gạo 25% tấm) và 360 USD/tấn (gạo 100% tấm).
Như vậy, giá gạo Việt Nam thấp hơn giá gạo Thái Lan khoảng 29 USD/tấn (gạo 5% tấm), 36 USD/tấn (gạo 25% tấm) và 42 USD/tấn (gạo 100% tấm), nhưng cao hơn giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ từ 65 USD/tấn (gạo 5% tấm), cao hơn 75 USD/tấn (gạo 25% tấm) và cao hơn 42 USD/tấn (gạo 100% tấm).
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng cao hơn gạo Pakistan 75 USD/tấn (gạo 5% tấm), cao hơn 70 USD/tấn (gạo 25% tấm) và cao hơn 22 USD/tấn (gạo 100% tấm).
Trong 4 tháng đầu năm 2022, Philippines tiếp tục là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 42,6% thị phần. Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Bờ Biển Ngà tăng đột biến tới 76% so với cùng kỳ năm trước.
Các thương nhân cũng dự báo, xuất khẩu gạo tiếp tục lạc quan trong thời gian tới, khi nhu cầu lương thực trên thế giới và khu vực Châu Á vẫn tăng bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraina và biến đổi khí hậu đang tác động xấu lên mùa màng.
Theo Bộ NNPTNT, trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xuất khẩu gạo được cơ cấu lại theo hướng giảm số lượng và tăng giá trị, trong đó đặc biệt chú trọng xuất khẩu gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica và các loại gạo phẩm cấp cao nhằm đạt mục đích “giảm số lượng, tăng giá trị kim ngạch”.
Dự kiến đến năm 2030, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ giảm từ 6- 6,5 triệu tấn hiện nay xuống còn khoảng 4 triệu tấn, nhưng giá trị kim ngạch hàng năm vẫn ổn định từ 3- 3,5 tỉ USD.
Thị trường sẽ sôi động vào giữa năm
Nhận định về triển vọng xuất khẩu gạo thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết thị trường xuất khẩu gạo rất sôi động vào giữa năm, với nhu cầu mạnh hơn từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka. Xuất khẩu sang EU dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 nhờ ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam.
“Từ tháng 5 sẽ là thời điểm xuất khẩu gạo nhộn nhịp hơn và giá lúa gạo sẽ tiếp tục có xu hướng tăng. Chính vì vậy, doanh nghiệp trong nước cần đảm đảm nguồn hàng, lưu ý các thông tin về container, cước vận tải biển để chủ động giao hàng và ký kết các hợp đồng mới”, ông Nguyễn Quốc Toản lưu ý.
"Mục tiêu xuất khẩu gạo của cả nước cũng đã được điều chỉnh, đến năm 2030, dự kiến chỉ còn khoảng 4 triệu tấn. Do đó, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo, ngành gạo cần rà soát lại nhu cầu nhập khẩu của từng thị trường, xác định những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp, gạo thơm…"
Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ đạt khoảng 6- 6,2 triệu tấn. Quý 2/2022 là thời điểm thị trường gạo thế giới sẽ đẩy mạnh việc mua hàng và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những tín hiệu tích cực về giá bán và lượng đơn hàng, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang đứng trước một số khó khăn do sự vươn lên của các đối thủ cạnh tranh.
Do vậy, ông Nguyễn Ngọc Nam khuyến cáo: “Các doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam nên tập trung sản xuất các dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào các thị trường khó tính vì dư địa tại các thị trường này là rất lớn. Cùng với đó, cần tập trung xây dựng thương hiệu bởi cùng chất lượng gạo nhưng loại có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn từ 10 đến 20%”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp.
Ngành sản xuất lúa gạo đang được thúc đẩy tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững với việc tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt Nam, do đó, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu và ngành hàng lúa gạo Việt Nam, đồng thời tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh.
Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút nguồn lực về tài chính, ứng dụng khoa học - công nghệ, hướng đến xây dựng ngành lúa gạo Việt Nam phát triển hiện đại, bền vững với các chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao, như: SRP, GlobalGAP, VietGAP…