Với hai tuần hồi phục liên tiếp, cũng như những yếu tố hỗ trợ tích cực mới và nhận định của một số chuyên gia gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam có vẻ như đã tạo đáy.
Tuần qua (23-27/5), thị trường ghi nhận duy nhất 1 phiên giảm điểm vào đầu tuần, sau đó là 4 phiên tăng liên tiếp, đưa VN-Index chốt tuần tại mức 1.285 điểm. So với mức đóng cửa của cuối tuần trước đó, chỉ số này đã tăng 44,76 điểm (+3,6%). Còn so với nhịp lao dốc của 6 tuần trước đó, VN-Index đã tăng 120 điểm, tương đương lấy lại hơn một phần ba mức giảm.
Cơ hội tạo đáy cao
Nhìn chung, hai tuần qua, thị trường đón nhận dòng tiền còn nhỏ, hiếm có phiên giao dịch nào tăng bùng nổ và nhà đầu tư đuổi giá lên cao. Nhưng mỗi khi thị trường lùi lại điều chỉnh theo phiên hoặc theo nhịp trong phiên đều xuất hiện lực mua nâng đỡ giá. Đây là tín hiệu thường thấy của dòng tiền dài hạn chọn mua theo từng mức giá.
VN-Index có vẻ như đã tạo đáy.
Thống kê tuần từ 16 - 20/5, mức giao dịch khớp lệnh trung bình mỗi ngày trên HoSE và HNX chỉ là 14.183 tỷ đồng, với phiên thấp nhất chỉ hơn 13.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sang tuần qua, mặc dù thanh khoản vẫn thấp nhưng có sự cải thiện nhẹ với mức trung bình nâng lên 15.292 tỷ đồng/phiên, tăng 7,8% với phiên thấp nhất là 13.700 tỷ đồng và phiên cao nhất trên 17.800 tỷ đồng.
Trong đó, nhiều nhóm cổ phiếu phục hồi mạnh, đặc biệt là nhóm bán lẻ như FRT, DWG, PNJ với mức tăng trên 15% và nhiều cổ phiếu bluechips cũng ghi nhận mức tăng quanh 10%, đặc biệt FPT là cổ phiếu có ảnh hưởng nhất tới VN-Index khi đóng góp 3,3 điểm. Tiếp sau là VHM và GAS. Ngoài ra, nhóm thanh khoản cao cũng tăng tốt như IDI, FTM, ANV đều tăng từ 24-26%...
Như vậy, những mã ảnh hưởng đến chỉ số đều là những mã cổ phiếu đầu ngành đều có thể dự đoán được kết quả kinh doanh và có triển vọng đảm bảo lợi nhuận một cách vững chắc.
“Nhịp hồi phục tuần qua đã giúp VN-Index thoát khỏi xu hướng giảm điểm trong trung hạn và chuyển sang đi ngang, trong khi đó xu hướng trong ngắn hạn vươn lên vùng khả quan với mức +5 điểm. Dòng tiền vẫn ở mức thấp hầu hết các ngành song lại cải thiện tốt ở một số mã của nhóm thủy sản, bán lẻ , công nghệ thông tin”, bà Nguyễn Hoàng Bích Ngọc, chuyên viên phân tích cấp cao Chứng khoán Mirae Asset nhận xét.
Ngoài những yếu tố tích cực về điểm số và dòng tiền, thị trường tuần qua cũng có yếu tố hỗ trợ tốt trong bối cảnh lớn.
Trước hết, chứng khoán toàn cầu, nhất là chứng khoán Mỹ đang trong giai đoạn tạo đáy. Các thông tin vĩ mô như FED tăng lãi suất đã được phản ánh trong nhịp giảm mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu cơ bản đã giảm về mức thấp nhất tính bằng năm, thậm chí khá nhiều cổ phiếu rơi trở lại sát thời điểm Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Đặc biệt, rất nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN-Index đã giảm đến ngưỡng khó giảm thêm, nghĩa là tạo một nền tảng về kỹ thuật ủng hộ chỉ số này tạo đáy. Bởi VN-Index phụ thuộc rất lớn vào nhóm cổ phiếu trụ nên khi các cổ phiếu này đón nhận được dòng tiền dài hạn vào nâng đỡ và tạo đáy, thì VN-Index cũng có xác suất rất cao cũng tạo đáy.
Ngoài ra, những nhóm cổ phiếu dẫn dắt đều có được thông tin hỗ trợ tốt như ngân hàng, dầu khí, phân bón, hóa chất...
“Thời gian qua thị trường chung đã điều chỉnh quá đà và đây là cơ hội rất tốt để các nhà đầu tư dài hạn tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục tài sản đầu tư của mình”, Chứng khoán Everest (EVS) khuyến nghị.
Còn nhiều băn khoăn
Mặc dù thị trường đã ra nhiều tín hiệu cho thấy đã xác lập đáy và hoàn toàn thoát khỏi xu hướng giảm trong trung hạn, song nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, thị trường vẫn chưa xác lập đáy và khả năng sẽ có đợt điều chỉnh tiếp theo. Bởi giá cổ phiếu đã rẻ rồi vẫn còn có thể rẻ hơn nữa.
Hiện tại, P/E thị trường đang ở mức 13,8 lần. Nhưng nếu ngược dòng thời gian, có thể thấy rằng, P/E của VN-Index thậm chí có thời điểm đã giảm xuống mức 8,6 lần (năm 2011) do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm 2008.
“Rất dễ có một đợt giảm điểm mạnh nữa bởi trong 2 đợt phục hồi vừa qua, điều lo lắng chính là vấn đề thanh khoản. Dòng tiền đang tỏ ra thận trọng đáng kể”, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu KHCN Chứng khoán MBS nói.
Thực tế, trong những phiên thị trường xuống mức thấp kỷ lục, thanh khoản thậm chí còn không cao bằng những phiên trước đó.
Đáng chú ý, trong tuần hồi phục vừa qua, khối ngoại tiếp tục bán ròng tuần thứ 2 liên tiếp với giá trị 387 tỷ trên sàn HoSE. Còn quỹ mở mua ròng 38,7 triệu USD (911 tỷ). Trong đó, quỹ Hàn Quốc rút ròng 7,1 triệu USD; nhóm quỹ VNDiamond và Dragon Capital huy động ròng lần lượt 11,3 triệu USD và 11,9 triệu USD.
Như vậy, diễn biến giao dịch giữa các quỹ mở cũng như phía giao dịch khối ngoại vẫn chưa có sự đồng thuận, cho thấy họ vẫn còn lưỡng lự với VN-Index.
Hơn nữa, tính từ đầu tháng 5 đến nay, nhà đầu tư tổ chức đã bán giảm tỷ trọng rất nhiều. Điển hình, quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý đã nâng mức tỷ trọng tiền mặt tăng cao lên ngưỡng 8,71% (khoảng 184,6 triệu USD). Đây là con số cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Bên cạnh vấn đề thanh khoản, thị trường còn phải đối mặt với không ít thách thức vẫn còn tiềm ẩn như xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, áp lực lạm phát và các giải pháp kiểm soát chặt dòng tiền đổ vào các kênh đầu tư rủi ro, nguy cơ đứt gãy dòng tiền trong nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.
“Rất khó để nói rằng thị trường đã tạo đáy”, một chuyên gia nhận định.
Đánh giá về xu hướng thị trường trong thời gian tới, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa ra 2 kịch bản. Trong kịch bản tích cực, VN-Index có thể hồi phục lên các mức kháng cự tại 1.370 điểm và 1.420 điểm. Ngược lại, chỉ số VN-Index có thể bước vào một nhịp giảm điểm mới với ngưỡng hỗ trợ mạnh được kỳ vọng quanh mốc 1.130-1.150 điểm.
VCSC cho rằng, ở vùng quanh 1.100 điểm, “những cơ hội mua vào sẽ trở nên ngày càng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư theo trường phái giá trị”. Tuy nhiên, việc mua vào đối với chiến lược đầu tư dài hạn nên được thực hiện từng phần để đảm bảo duy trì đủ dòng tiền giải ngân cho đến khi thị trường phát ra tín hiệu thực sự đã tạo đáy.