Thống kê 10 năm trở lại đây, có 6/10 phiên thị trường tăng điểm trong tháng 5 đặc biệt năm 2013 và 2020 ghi nhận mức tăng mạnh, lần lượt 9,25% và 12,4%. Tháng 5 này, sau nhịp giảm mạnh lên đến hơn 8% của VN-Index, thị trường đứng trước cơ hội tăng điểm trở lại?
P/E thị trường về mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022
Sau khi tăng lên mức 1524,7 điểm vào ngày 4/4, chỉ số VN-Index giảm mạnh xuống 1.310,9 điểm (giảm 12,1% so với đầu tháng, giảm 12,5% so với đầu năm), thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2021.
Thị trường bị bán tháo gần đây đến từ một số nguyên nhân như tâm lý thị trường tiêu cực sau khi một số lãnh đạo tập đoàn lớn vướng vòng lao lý; thị trường toàn cầu điều chỉnh do lạm phát gia tăng và đứt gãy chuỗi cung ứng; áp lực giải chấp margin lớn đã ảnh hướng xấu đến thị trường, bao gồm cả những cổ phiếu có cơ bản tốt.
Phiên 4/5, phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5/2022 sau kỳ nghỉ lễ dài ghi nhận mức giảm 12 điểm lúc 10h20p, xuống còn 1.355 điểm với thanh khoản chỉ 5.000 tỷ đồng, P/E thị trường hiện dưới 15 lần. Mức P/E hiện tại của chỉ số là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2022 và giảm 15,2% so với mức đỉnh từ đầu năm.
Kịch bản cho thị trường trong tháng 5 này được nhiều chuyên gia cũng như các công ty chứng khoán đưa ra là thời điểm thích hợp để giải ngân, điều này trái ngược với lo ngại đây là tháng Bán – “Sell in May”. Đặc biệt trong bối cảnh, thị trường tháng 4 đã ghi nhận mức giảm mạnh.
Theo thống kê 10 năm trở lại đây, có 6/10 phiên thị trường tăng điểm trong tháng 5, đặc biệt năm 2013 và 2020 ghi nhận mức tăng mạnh, lần lượt 9,25% và 12,4%. Mức tăng lên đến 2 chữ số được ghi nhận vào tháng 5/2020 là thời điểm Việt Nam ghi nhận làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên, thị trường đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong tháng 3 và 4, khi lo lắng về sự bùng phát dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội diện rộng được thực hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch được thực hiện.
Dự báo về thị trường trong tháng 5 này, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho biết, nhịp chỉnh của thị trường gần đây tuy có biên độ lớn trong xu hướng giảm lớn là chưa rõ ràng do đó, ông Ngọc tin rằng thị trường sẽ phục hồi trong tháng 5.
"Tháng Năm năm nay sẽ không phải là "Sell in May" mà là "Buy in May". Tôi thấy đây là cơ hội tốt để nhà đầu tư tham gia thị trường và lựa chọn cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng", ông Ngọc nói.
Với những nhà đầu tư còn nắm giữ tiền mặt, ông Ngọc cho rằng khoảng thời gian 3 - 6 tháng tới, cơ hội tăng trưởng giá là khá cao. Thời điểm hiện tại là đáng để nhà đầu tư tham lam, tuy nhiên cần nhìn ba yếu tố trước khi quyết định mua cổ phiếu gồm nội tại tài chính doanh nghiệp, quản trị công ty và định giá rẻ.
Nhận định về mức định giá dưới 15 lần của thị trường, Công ty chứng khoán VNDIRECT cho biết, mức định giá thị trường là rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn, những người tìm kiếm các doanh nghiệp được quản trị tốt với mức tăng trưởng lợi nhuận cao.
Ba động lực thị trường tăng điểm trở lại
Những động lực của thị trường được VNDIRECT nêu ra như tốc độ hồi phục của nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong những quý tới. VNDIRECT dự báo, GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ.
Thứ 2, kế hoạch kinh doanh khả quan cho năm 2022 của các doanh nghiệp được công bố trong mùa ĐHĐCĐ thường niên sẽ giúp nâng cao niềm tin của nhà đầu tư với các doanh nghiệp niêm yết. Tại ngày 25/04/2022, 116 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE đã công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2022. Theo đó, các doanh nghiệp này đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 17,3% và lợi nhuận ròng tăng trưởng 19,4% cho năm 2022.
Thứ 3, kết quả kinh doanh quý 1/2022 ghi nhận tín hiệu tích cực. Đến ngày 27/04/2022, 529 công ty đã công bố kết quả kinh doanh, tương ứng với 30,7% tổng số cổ phiếu và 20,7% tổng vốn hóa toàn thị trường. Theo đó, tổng doanh thu và lợi nhuận của các công ty này tăng lần lượt 31,5% và 68,1% so với cùng kỳ (so với cùng kỳ) trong quý 1/2022.
Những lo ngại về thị trường cũng được VNDIRECT đề cập đến như căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài hơn dự kiến và việc Trung Quốc giãn cách xã hội nghiêm ngặt làm tăng thêm lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại; Fed thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn dự định trước đó; Lạm phát trong nước cao hơn dự kiến có thể cản trở đà phục hồi kinh tế và khiến chính sách tiền tệ thắt chặt sớm hơn dự kiến.