Người sáng lập nên Gỗ Đức Thành là ông Lê Ba. Ông khởi sự khi tuổi đời đã toan về già, qua 3 lần tiếp quản, làm Phó Giám đốc Nông trường An Hạ, tiếp quản trại gà Vĩnh An rồi về làm Giám đốc Xí nghiệp in Quận 5. Nơi nào ông Lê Ba đến, vun đắp xây dựng tốt đẹp thì ông lại bị điều chuyển đi. Cho nên có người đã nói vui rằng, suốt đời ông chỉ là người “thợ xây”.
NHỮNG NGƯỜI THÍCH LIỀU
Luôn bắt đầu lại từ con số 0 nhưng chẳng ai thấy ông Lê Ba tỏ ra bất mãn hay thoái chí. Ông đã khởi động lại bằng thái độ kiên trì, không ngại gian nan và có sự liều lĩnh. Vì thế, Gỗ Đức Thành thời ông Lê Ba (1991-1993), từ một cơ sở sản xuất nhỏ mang tên Tam Hiệp chỉ 60 công nhân và vốn ban đầu chỉ 105 triệu đồng (năm 1991), một thời gian sau, Gỗ Đức Thành (Tam Hiệp đổi thành) đã chuyển đổi thành công ty cổ phần, liên tục tăng vốn, khánh thành thêm nhà máy và huy động được vốn từ Mekong Capital.
Quá trình phát triển ấy thật ra không dễ dàng vì Gỗ Đức Thành gần như phải “lột xác” hoàn toàn để chuyển từ một cơ sở chế biến gỗ thô sang sản xuất sản phẩm gỗ hoàn chỉnh, theo luật mới bấy giờ của Nhà nước. Hai cha con ông Lê Ba, một người giữ chức Chủ tịch ở Gỗ Đức Thành, một người lo việc điều hành (bà Lê Hải Liễu) vất vả ngược xuôi từ tìm mua nguyên liệu, tìm hiểu nhu cầu thị trường, tìm cách thiết kế sản phẩm hợp thị hiếu cho đến tìm đầu ra xuất khẩu và tiêu thụ trong nước...
Ngày ấy, bà Lê Hải Liễu chỉ mới ngoài 30, còn ông Lê Ba đã trên 60. Cả hai cha con đều ở cái tuổi bất lợi trên thương trường. Thoạt đầu, đối tác, khách hàng nhìn bà Liễu trẻ quá thì chưa tin tưởng, còn gặp ông Lê Ba thì ái ngại. Tuy nhiên, định kiến ấy đã mau chóng qua đi khi Gỗ Đức Thành thể hiện rõ sự chuyên nghiệp, quyết đoán.
Vào năm 2003, sản phẩm Gỗ Đức Thành đã xuất đi 40 nước. Sau này, dưới thời bà Lê Hải Liễu vừa là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc (2006-2013), Gỗ Đức Thành còn mở rộng và phát triển rực rỡ hơn. Bà Liễu vốn là dân “ngoại đạo” với kinh doanh. Trước khi về làm “thuyền trưởng” ở Gỗ Đức Thành, bà là giảng viên Khoa Thống kê - Toán Trường Đại học Kinh tế suốt 7 năm. Sau đó, bà có 2 năm tu nghiệp ở Cộng hòa Liên bang Đức.
Vì thế, khi biết bà Liễu sẽ thay cha gồng gánh Gỗ Đức Thành, nhiều nhân viên công ty bán tín bán nghi không rõ giáo viên thì lèo lái doanh nghiệp bằng cách nào. Vậy mà bà Liễu với máu liều lĩnh ảnh hưởng từ cha và tầm nhìn xa trông rộng, đã chèo chống tài tình, trở thành linh hồn của Gỗ Đức Thành, dẫn dắt Công ty ngày càng tiến xa.
Trong những năm tháng điều hành, ở các thời điểm cần đưa ra tiền lệ, bà Liễu rất táo bạo và bản lĩnh. Chẳng hạn, năm 2009, bất chấp đối thủ co lại trước hàng loạt khách hàng dừng ký hợp đồng, Gỗ Đức Thành vẫn tập trung mua nguyên liệu với giá hời. Để duy trì hoạt động, bà Liễu chuyển hướng sang thị trường nội địa như giải pháp tình thế. Quyết đoán của bà đã giúp Công ty thu về quả ngọt khi thị trường xuất khẩu khởi sắc trở lại.
Năm ngoái, trong giai đoạn dịch COVID-19 mới bùng phát, Gỗ Đức Thành đứng trước 2 lựa chọn hoặc tiếp tục hoặc dừng sản xuất. Lãnh đạo Công ty đã họp bàn thâu đêm, liên tục phân tích rủi ro, đưa ra các quyết định phù hợp và đi đến chọn lựa “dừng sản xuất” để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động - sự sống còn của Công ty. Kết quả, nhân viên an toàn và khi tình hình được kiểm soát, họ sẵn sàng tăng ca để kịp hoàn thành những đơn hàng gấp.
“VỐN QUÝ” CỦA NHÀ HỌ LÊ
Đến nay, sau 30 năm hoạt động, Gỗ Đức Thành đạt quy mô vốn điều lệ hơn 179,8 tỉ đồng, nhân viên trên 1.200 người, doanh thu vượt 400 tỉ đồng. Cổ phiếu
GDT của Gỗ Đức Thành được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2009 và sản phẩm của Công ty hiện có mặt tại hơn 50 quốc gia khác nhau. Với mức tăng trưởng đều đặn qua các năm, Gỗ Đức Thành trở thành tên tuổi có sức hút. Ngoài Mekong Capital, nhiều tổ chức nước ngoài khác như Quỹ PENM (BankInvest quản lý), Quỹ PYN Elite (Phần Lan)... cũng từng tham gia đầu tư vào Gỗ Đức Thành.
Năm 2013, ông Lê Hồng Thắng trở thành Tổng Giám đốc tiếp nối bà Lê Hải Liễu và là thế hệ lãnh đạo thứ 3 ở Gỗ Đức Thành. Lãnh đạo Công ty chia sẻ, ngoại trừ năm 2019 doanh thu có sụt giảm do nguyên liệu tăng cao đột biến và một số khách hàng chuyển sang loại gỗ khác hoặc thay đổi danh mục sản phẩm, còn lại suốt từ khi niêm yết đến nay Gỗ Đức Thành vẫn tăng trưởng.
Đáng nói, không chỉ tăng về doanh thu và lợi nhuận, năm qua, Gỗ Đức Thành còn mở rộng nhà máy và giành được những đơn hàng mới, của cả những khách từ lâu không giao dịch nay quay trở lại. Vị lãnh đạo 46 tuổi đánh giá: “2020 là năm bội thu và Công ty đã lội ngược dòng thành công. Năm 2021, dù bị tác động mạnh bởi dịch bệnh, tôi vẫn lạc quan về tình hình kinh doanh”.
Cũng như cha và chị, ông Thắng lên giữ chức Tổng Giám đốc với những áp lực riêng. Cái bóng quá lớn của cha, của chị khiến ông cảm thấy có nhiều áp lực. Tuy nhiên, ông Thắng cho biết, ông không ngại thách thức. Bởi ông tự nhận thấy có nhiều thuận lợi hơn ba và chị khi vừa tốt nghiệp ra trường đã về làm cho Gỗ Đức Thành. Tính ra, trong 30 năm thành lập Công ty thì ông Thắng có tới 25 năm tiếp xúc với tất cả quy trình từ sản xuất đến quản lý điều hành.
Nghĩa là ông Thắng có thế mạnh của một nhân sự chủ chốt, của người cũ nên khi lên chức CEO, ông Thắng dễ dàng chuyển giao công việc mình từng làm và cũng không cần chứng tỏ “cái tôi” như các CEO khác khi mới lên nắm quyền. “Tôi chỉ cần duy trì đường lối của CEO cũ chừng nào cách điều hành đó vẫn tỏ ra hiệu quả”, ông Thắng chia sẻ.
Áp lực chính cho thế hệ thứ 3 là cách đối nhân xử thế từ 2 người tiền nhiệm. “Ba tôi đối xử với mọi người rất chu toàn. Vì thế, trong 1.000 lao động thì đến 100 người đã làm từ 10-20 năm ở đây. Cái khó là làm sao dung hòa giữa truyền thống gia đình (cách ba và chị đối xử với nhân viên) với việc duy trì lợi ích cho Công ty, cho cổ đông… Làm sao dung hòa được tình nghĩa mà vẫn giữ được cái uy để điều hành công việc hiệu quả”, ông Thắng nói.
Với người chị đã điều hành Công ty quá hiệu quả, năm nào cũng lãi cao, ông Thắng cảm thấy rất áp lực khi phải “đua” theo. Nhưng may mắn cho tân Tổng Giám đốc là trong giai đoạn đầu chuyển giao, bà Liễu luôn hỗ trợ sát sao, giúp ông Thắng định hướng được việc cần làm. Từ cuối năm 2012, bà Liễu rút dần và ông Thắng đã tự tin xử lý mọi việc.
Ở Gỗ Đức Thành, xuyên suốt qua 3 thế hệ, con người được xem là vốn quý. Vì thế, Gỗ Đức luôn trọng thị, chăm sóc, xây dựng Công ty thành ngôi nhà thứ 2 để người lao động có động lực gắn bó. Theo bà Liễu, “mình thương họ, họ thương mình, đó là quy luật. Có nhân có quả, có vay có trả mà tôi đã áp dụng vào doanh nghiệp từ trước đến nay và chắc chắn từ nay trở về sau”.
Bà Liễu và em trai nâng quan điểm ấy lên thành triết lý kinh doanh win-win, các bên cùng có lợi. Đó là lý do dù dịch bệnh tác động, ở Gỗ Đức Thành vẫn thưởng tháng 13, 14 và nhiều khoản thưởng khác tùy thành tích mỗi nhân viên. Tại Đại hội cổ đông năm 2021, Gỗ Đức Thành cũng thông qua phát hành cổ phiếu ưu đãi và cổ tức cho toàn thể nhân viên, cũng như cho nhà cung cấp và các cá nhân có quan hệ mật thiết với Công ty.
Sự thận trọng và cần kiệm của gia đình đã thổi vào văn hóa Công ty nét truyền thống riêng biệt, trở thành một phần tâm thức nơi đội ngũ hàng ngàn người của Gỗ Đức Thành.