Trả lời chất vấn của cổ đông về giá cổ phiếu lao dốc thời gian qua, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng cho biết "Tôi cũng thích cổ phiếu lên lắm, lên thì tài sản nhiều, song giá cổ phiếu là do thị trường định đoạt".
Chiều ngày 7/5, CTCP Chứng khoán SSI đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022.
Trong năm 2022, Chứng khoán
SSI trình ĐHĐCĐ kế hoạch kinh doanh với 10.330 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 31% so với năm 2021, lợi nhuận trước thuế 4.370 tỷ đồng, tăng trưởng 30%.
Ông Nguyễn Hồng Nam, Tổng giám đốc
SSI cho biết kế hoạch này được đưa ra trên giả định VN-Index và thanh khoản thị trường tích cực hơn năm 2021. Dù mục tiêu đầy thách thức nhưng ban lãnh đạo vẫn tự tin có thể hoàn thành.
Bên cạnh đó, HĐQT
SSI cũng trình ĐHĐCĐ thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông với tổng số lượng dự kiến là hơn 104 triệu cổ phiếu. Giá chào bán sẽ không thấp hơn 90% giá đóng cửa bình quân của 10 ngày giao dịch liên tiếp liền trước ngày HĐQT quyết định phê duyệt phương án phát hành chi tiết.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ Chứng khoán
SSI dự kiến tăng từ 14.921 tỷ đồng lên 15.962 tỷ đồng. Nguồn vốn thu được từ đợt chào bán bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh với mục đích nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành, năng lực đầu tư và năng lực giao dịch cho vay ký quỹ.
Bên cạnh đó, HĐQT
SSI cũng trình đề nghị ĐHĐCĐ phê chuẩn tiếp tục thực hiện phương án chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 2:1 và sửa đổi, bổ sung mục đích sử dụng vốn của đợt chào bán 6:1 đã thực hiện trong năm 2021 theo yêu cầu của UBCKNN trong quá trình xét duyệt hồ sơ đăng ký chào bán lần này.
Đáng chú ý, đại hội cũng đã tiến hành bầu bổ sung ông Nguyễn Quốc Cường - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao làm thành viên độc lập HĐQT
SSI thay ông Ngô Văn Điểm đã hết nhiệm kỳ.
Tại đại hội, lý giải về sự gia nhập của thành viên HĐQT độc lập mới, ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh, vai trò của ông Nguyễn Quốc Cường - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao trong cương vị thành viên HĐQT là giám sát độc lập hoạt động quản trị của
SSI. Không chỉ vậy, nền tảng quan hệ với giới doanh nghiệp Mỹ-Nhật của ông Cường cũng sẽ đóng vai trò trung gian hỗ trợ cho
SSI siết chặt quan hệ với thị trường này.
Trong phiên thảo luận, trả lời câu hỏi của cổ đông về biến động giá cổ phiếu trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch
SSI, cho biết: "Đây là điều đau nhất và khó khăn nhất với tôi, mọi người có thể thấy tôi và gia đình tôi không bao giờ mua bất kỳ cổ phiếu
SSI nào mà không công bố. Tôi chỉ quan tâm làm sao công ty phát triển tốt nhất, bảo vệ lợi ích cổ đông. Tôi cũng thích cổ phiếu lên lắm, lên thì tài sản nhiều, song giá cổ phiếu là do thị trường định đoạt".
Nói về vấn đề đang khá "nóng" trong thời gian gần đây là việc phát hành trái phiếu, ông Hưng nêu rõ, bất kỳ sản phẩm tài chính nào đều có hai mặt. Nếu làm tốt quy trình pháp luật, thì đây là kênh huy động tốt cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá lên thì lại trở thành nguy cơ cho nền kinh tế cũng như là nguy cơ cho hệ thống tài chính ngân hàng. Khi trở thành nguy cơ thì cơ quan quản lý nhà nước cần phải siết lại, đấy cũng là một việc chính đáng.
"Hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp của
SSI đều trong khuôn khổ pháp luật và được kiểm soát. Lượng phát hành trái phiếu của
SSI cũng là không lớn", ông Hưng nói.
Trả lời câu hỏi về việc thị trường chứng khoán sau hai năm bùng nổ đang có dấu hiệu hạ nhiệt, Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng cho biết: Những phiên giao dịch cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là những phiên giao dịch trong mơ của những người làm chứng khoán. Vì đạt được phiên giao dịch lên đến 30.000, 40.000 tỷ đồng nên khi xuống 14.000 – 15.000 tỷ đồng mọi người cảm thấy đó là sự thay đổi khủng khiếp.
"Tôi nghĩ rằng thanh khoản 14.000 – 17.000 tỷ đồng/phiên đối với nền kinh tế Việt Nam khoảng 300 tỷ USD GDP vẫn là con số lý tưởng. Tất nhiên cơ hội kinh doanh của các công ty chứng khoán sẽ giảm đi nếu thanh khoản giảm đi như thế này. Nhưng chúng ta không thể lấy các điều kiện trong mơ như trên để áp vào đời thực mãi được", Chủ tịch
SSI nhấn mạnh.
Ông Hưng nói thêm rằng, con số 14.000, 17.000 cho đến 20.000 tỷ đồng vẫn là con số mơ ước đối với những người làm tài chính chứng khoán tại Việt Nam trong giai đoạn này cũng như những năm tiếp theo. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng 10 – 15% mỗi năm mới chính là một điều quan trọng mà mọi người cần quan tâm.