• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.251,25 +2,14/+0,17%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 11:15:00 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.251,25   +2,14/+0,17%  |   HNX-INDEX   222,72   +0,24/+0,11%  |   UPCOM-INDEX   93,00   -0,11/-0,12%  |   VN30   1.316,75   +3,27/+0,25%  |   HNX30   463,17   +0,98/+0,21%
20 Tháng Giêng 2025 11:15:33 SA - Mở cửa
Chứng khoán Mỹ tiếp tục bán tháo, vàng và tiền ảo cũng “rực lửa”, giá dầu phục hồi
Nguồn tin: Vneconomy | 14/06/2022 8:31:34 SA
Gần như không có một “hầm trú ẩn” nào cho nhà đầu tư trong phiên này, khi bán tháo cũng xảy ra hầu khắp mọi tài sản...

Đà bán tháo năm 2022 của thị trường chứng khoán Mỹ bị đẩy mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (13/6), với chỉ số S&P 500 lập mức đáy mới của năm và đóng cửa trong trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market). Phiên giảm chóng mặt này diễn ra trong bối cảnh mối lo suy thoái dâng cao trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
 
 
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
 
Giá vàng và tiền ảo cũng giảm chóng mặt, trong khi giá dầu thô tăng nhẹ.
 
Lúc đóng cửa, S&P 500 giảm 3,88%, còn 3.749,63 điểm. Đây là mức chốt thấp nhất của chỉ số này kể từ tháng 3/2021, đồng thời nâng mức giảm của chỉ số so với mức kỷ lục thiết lập hồi tháng 1 lên hơn 21%. Thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ chính thức chìm vào thị trường “gấu” (được định nghĩa là giảm từ 20% trở lên so với đỉnh) sau khi suýt soát trạng thái này cách đây 3 tuần. Lần gần đây nhất S&P 500 rơi vào trạng thái thị như vậy là tháng 3/2020, khi Covid-19 mới trở thành đại dịch toàn cầu.
 
Chỉ số Dow Jones giảm 876,05 điểm, tương đương giảm 2,79%, còn 30.516,74 điểm. Đến nay, Dow Jones đã giảm 17% so với mức kỷ lục.
 
Chỉ số Nasdaq “bốc hơi” 4,68% phiên này, còn 10.809,23 điểm, nâng tổng mức giảm so với kỷ lục lên hơn 33%.

 
Diễn biến chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ trong 3 tháng trở lại đây - Nguồn: TradingView.
 
Cả ba chỉ số cùng chạm đáy của phiên trong 30 phút giao dịch cuối cùng, sau khi tờ Wall Street Journal nói rằng Fed có thể cân nhắc nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm khi kết thúc cuộc họp vào ngày thứ Tư (15/6). Trước đó, thị trường vẫn kỳ vọng mức tăng 0,5 điểm phần trăm.
 
Gần như không có một “hầm trú ẩn” nào cho nhà đầu tư trong phiên này, khi bán tháo cũng xảy ra trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vì thế có phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.
 
Giá Bitcoin tiếp tục lao dốc mạnh về phía mốc 20.000 USD. Lúc hơn 7h sáng nay (14/6) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 22.255 USD, giảm hơn 16% so với cách đó 24 tiếng. Trong vòng 1 tuần, giá Bitcoin đã giảm gần 27%.
 
Có thời điểm trong phiên ngày thứ Hai, tất cả các cổ phiếu trong S&P 500 đều “đỏ”. Chốt phiên, chỉ có 5/500 cổ phiếu thành viên của chỉ số này đạt trạng thái “xanh”.
 
Nhà đầu tư tiếp tục nghiền ngẫm về báo cáo lạm phát “nóng” hơn dự báo mà Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Sáu tuần trước, đồng thời chuẩn bị tinh thần cho một đợt nâng lãi suất của Fed trong tuần này.
 
“Bất kỳ ai muốn tin rằng cổ phiếu sẽ tăng giá đều không thể tìm được điều gì để bấu víu vào. Ngoài kia, không có gì cho họ dựa vào tại thời điểm này, khi mức định giá bị hoài nghi, lãi suất đang tăng lên, và triển vọng của nền kinh tế trở nên bấp bênh”, nhà sáng lập Jack Ablin của Cresset Capital phát biểu.
 
Cổ phiếu hãng máy bay Boeing, công ty phần mềm Salesforce và hãng thẻ American Express giảm tương ứng 8,7%, 6,9% và 5,2%, gây áp lực giảm lớn lên Dow Jones. Loạt cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn tiếp tục “bầm dập”, với Netflix, Tesla và Nvidia đồng loạt “bay” hơn 7% mỗi cổ phiếu, kéo Nasdaq lập đáy mới của 52 tuần và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
 
Cổ phiếu du lịch - lữ hành không nằm ngoài “cơn lũ” bán tháo. Carnival Corporation và Norwegian Cruise Line giảm tương ứng 10% và 12%. Delta Air Lines “bốc hơi” hơn 8%, trong khi United Airlines sụt 10%.
 
Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 cùng giảm khi đóng cửa, dẫn đầu là nhóm năng lượng với mức giảm hơn 5%. Tiêu dùng không thiết yếu, dịch vụ truyền thông, công nghệ và tiện ích cùng giảm hơn 4% mỗi nhóm.

 
 
Diễn biến giá tiền ảo Bitcoin trong 3 tháng trở lại đây. Đơn vị: USD/Bitcoin - Nguồn: TradingView.
 
Biến động kịch tính của thị trường trong phiên này phản ánh rằng nhiều nhà đầu tư đang chốt lời hoặc điều chỉnh danh mục. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy thị trường đang ở vào giai đoạn bán tháo đỉnh điểm – Giám đốc đầu tư Jeff Kilburg của Sanctuary Wealth nhận định.
 
Giá dầu thô tăng nhẹ do mối lo cung không đủ cầu.
 
Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,26 USD/thùng, chốt ở 122,27 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,26 USD/thùng, còn 120,93 USD/thùng.
 
Tuần trước, chứng khoán Mỹ có tuần giảm mạnh nhất từ cuối tháng 1, khi giới đầu tư lo rằng lạm phát leo thang sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Báo cáo hôm thứ Sáu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 5 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/1981 và tăng vượt dự báo.
 
Cuối tuần vừa rồi, giá xăng bình quân toàn quốc ở Mỹ lập kỷ lục mới trên 5 USD/gallon, tiếp tục “đổ dầu vào lửa” mối lo lạm phát và gây sứt mẻ niềm tin của người tiêu dùng.
 
Giới phân tích nói rằng theo kinh nghiệm lịch sử, đợt bán tháo này của thị trường có thể tiếp diễn. Dữ liệu từ Bespoke Investment Group cho thấy từ Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay, S&P 500 đã có 14 lần rơi vào trạng thái thị trường “gấu”, với mức giảm bình quân 30% mỗi lần và thời gian kéo dài bình quân là 359 ngày.
 
Theo chuyên gia Keith Lerner của Truist, ở thời điểm này, nhà đầu tư nên phòng thủ bằng cách nắm giữ những cổ phiếu thuộc các nhóm tiêu dùng thiết yếu và y tế hoặc vàng.
 
Tuy nhiên, vàng cũng bị bán tháo trong phiên ngày thứ Hai, với giá vàng giao ngay tại thị trường New York giảm gần 2,9%.