• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.241,97 -0,16/-0,01%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.241,97   -0,16/-0,01%  |   HNX-INDEX   223,09   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   91,96   -0,10/-0,11%  |   VN30   1.301,06   +1,84/+0,14%  |   HNX30   474,27   -1,53/-0,32%
28 Tháng Mười Một 2024 5:26:38 SA - Mở cửa
Câu chuyện buồn của nhóm cổ phiếu chứng khoán
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 17/06/2022 8:33:53 SA
Sau giai đoạn thăng hoa, thiết lập đỉnh cao trước đó, cổ phiếu nhóm chứng khoán dường như đang gặp khó khi ghi nhận hàng loạt cổ phiếu rơi xuống vùng đáy một năm.
 
Thị trường chứng khoán vừa trải qua thêm một phiên có nhiều biến động mạnh (15/6), có thời điểm VN-Index xuyên thủng mốc 1.200 trước khi hồi lại cuối phiên. Đáng buồn, nhóm chứng khoán vẫn tiếp tục “đứng mũi chịu sào” do áp lực bán mạnh dồn dập, khiến hàng loạt cổ phiếu như SSI, VND, HCM, FTS, AGR, BSI, CTS,... giảm sàn.
 
Cổ phiếu giảm mạnh, “ông lớn” bật khỏi nhóm vốn hóa tỷ USD
 
Là nhóm cổ phiếu có độ nhạy cao với thị trường, vì vậy phản ứng của nhóm chứng khoán cũng không hẳn là gây bất ngờ với các nhà đầu tư, bởi lẽ sau những lo ngại rủi ro lạm phát gia tăng, dòng tiền có thể sẽ rút khỏi các tài sản tài chính rủi ro cao, trong đó có thị trường chứng khoán (TTCK), gây ảnh hưởng tới nhóm cổ phiếu chứng khoán là điều đương nhiên.
 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải đến bây giờ những khó khăn mới xuất hiện mà nhóm chứng khoán đã chịu áp lực bán mạnh trong nhiều tháng qua sau khi đạt đỉnh vào cuối năm ngoái.

 
Cổ phiếu SSI ghi nhận phiên giảm thứ 6 liên tiếp, đưa vốn hóa xuống khoảng 22.000 tỷ đồng, chính thức rớt khỏi nhóm tỷ USD trên sàn chứng khoán.
 
Theo thống kê, so với thời điểm cách đây 1 năm, hàng loạt cổ phiếu chứng khoán như SSI, HCM, VCI, MBS, SHS,... đều đã đánh mất thành quả tăng giá trong giai đoạn thăng hoa trước đó, với cùng mức giảm hàng chục phần trăm. “May mắn” gần như chỉ còn VND chưa thủng đáy 1 năm nhưng nếu so với đỉnh, cổ phiếu này cũng đã mất khoảng 40% thị giá.
 
Cũng trong giai đoạn đỉnh cao, có đến 3 công ty chứng khoán (CTCK) lọt vào câu lạc bộ vốn hóa tỷ USD là VNDirect, SSI, Chứng khoán Bản Việt cùng nhiều cổ phiếu có giá trị vốn hóa trên 10.000 tỷ đồng. Riêng bộ đôi SSI và VNDirect có thời điểm còn chạm, thậm chí vượt ngưỡng 2 tỷ USD vốn hóa.
 
Chốt phiên 16/6, cổ phiếu SSI giao dịch tại mức 22.150 đồng/cp, ghi nhận phiên giảm thứ 6 liên tiếp, trong đó có 2 phiên sàn, đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây, đưa vốn hóa xuống khoảng 22.000 tỷ đồng, "bay" gần 60% so với đỉnh và chính thức rớt khỏi nhóm tỷ USD trên sàn chứng khoán.
 
Như vậy, hiện chỉ còn lại duy nhất một đại diện là VNDirect, song cũng đang trong tình cảnh “chỉ mảnh treo chuông”.
 
“Trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động khó lường, rất có thể trong thời gian tới sẽ có thời điểm không còn CTCK nào có vốn hóa trên 1 tỷ USD”, một chuyên gia nhận định.
 
Giới phân tích cho rằng, bên cạnh diễn biến thị trường không thật sự thuận lợi, một trong những yếu tố chính khiến cổ phiếu ngành chứng khoán gặp khó đến từ thanh khoản sụt giảm mạnh. Cùng với đó, việc lãi suất rục rịch tăng sau thời gian dài duy trì ở mức thấp đã tác động không nhỏ đến dòng tiền vào thị trường. Đồng thời, những biến cố trên trái phiếu cũng ảnh hưởng đáng kể đến thanh khoản thị trường cổ phiếu.
 
Thống kê cho thấy, thanh khoản bình quân phiên trên HoSE đã có xu hướng giảm mạnh từ sau khi đạt đỉnh vào tháng 11 năm ngoái. Trong tháng 5 vừa qua, giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 13.800 tỷ đồng/phiên, thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các CTCK, thanh khoản thấp cũng khiến cổ phiếu ngành chứng khoán khó hấp thụ được lượng cung lớn từ các đợt phát hành tăng vốn trước đó.
 
Tiềm năng trong dài hạn
 
Theo ACBS, mảng môi giới chứng khoán có mức độ cạnh tranh cao khi có tới 74 CTCK, trong khi sản phẩm ít có sự khác biệt giữa các công ty. Bên cạnh đó, hoạt động tự doanh dự báo sẽ gặp khó khăn trong quý II/2022 do thị trường diễn biến kém thuận lợi. Đây là 2 mảng hoạt động chính đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của các CTCK bên cạnh cho vay ký quỹ (margin).
 
Thực tế, trước biến động của thị trường và thanh khoản sụt giảm, các công ty chứng khoán dường như cũng dự đoán trước được và có xu hướng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 khá thận trọng. Mặc dù những công ty lập kế hoạch kinh doanh sớm vẫn đặt ra kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khá kỳ vọng, một phần dựa trên quy mô vốn chủ sở hữu tăng lên sau khi phát hành thành công, song mức độ tăng trưởng cũng đã thấp hơn kết quả thực hiện năm trước.
 
Chẳng hạn, “ông lớn” SSI đặt kế hoạch doanh thu 10.330 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 3.496 tỷ đồng tăng trưởng 38,8% và 29,7%. Tương tự, Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội đặt kế hoạch doanh thu 3.428 tỷ đồng (+18,4%) và lợi nhuận sau thuế 1.620 tỷ (+16,1%). Chứng khoán MB cũng đặt kế hoạch tăng trưởng 36,5% doanh thu và 50% lợi nhuận sau thuế. Mặc dù đặt kế hoạch doanh thu giảm 1,2% nhưng VNDirect vẫn kỳ vọng lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 29,3% nhờ danh mục tự doanh giá thấp.
 
Trong khi đó, Chứng khoán Bản Việt dự kiến doanh thu giảm 12,6%, lợi nhuận sau thuế tăng 1,4%. Chứng khoán BIDV tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn dự kiến chỉ 4,2%. Chứng khoán FPT thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm 6,3%, về mức 680 tỷ đồng. Chứng khoán Rồng Việt đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 504 tỷ đồng, giảm 5,6%.
 
Mặt khác, theo góc độ tích cực, ACBS vẫn đánh giá TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn khi tỷ lệ cá nhân có tài khoản chứng khoán vẫn ở mức thấp.
 
Theo Trung tâm lưu ký Chứng khoán, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước vào cuối tháng 5 mới đạt 5,6 triệu, chiếm gần 5,7% dân số. Trong khi đó, tháng 5, số lượng tài khoản mở mới đạt gần nửa triệu tài khoản, tiếp tục lập kỷ lục mới bất chấp thị trường chung tiêu cực, thậm chí còn tăng gần gấp đôi kỷ lục cũ (tháng 3/2022). Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư nội mở mới tổng cộng hơn 1,38 triệu tài khoản chứng khoán, gần bằng con số cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản).
 
Tuy nhiên, đội ngũ phân tích của Vnstockmarket lưu ý, về dài hạn, sự phát triển của ngành chứng khoán nói chung sẽ bắt đầu có sự phân hóa lớn giữa các công ty theo nhiều yếu tố như chất lượng dịch vụ đầu tư, chính sách và định hướng của nhà nước đối với TTCK hay mức độ cạnh tranh của các công ty trong ngành.
 
Mới đây, SSI thông báo được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) chấp thuận phát hành hơn 497 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ nhằm bổ sung vốn kinh doanh, đặc biệt nâng cao năng lực cho vay giao dịch ký quỹ và đầu tư. Đồng thời củng cố tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mới trong thời gian tới.
 
Được biết, SSI có vốn điều lệ 9.948 tỷ đồng và dự kiến tăng thành 14.921 tỷ đồng sau phát hành. Như vậy, SSI sẽ soán ngôi VNDirect (12.178 tỷ) để trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất ngành. Đây cũng là 2 đại diện duy nhất có quy mô vốn trên 10.000 tỷ đồng, cùng vị thế với các ngân hàng tầm trung.
 
Ngoài quyết định phê duyệt tăng vốn, SSC cũng vừa cấp phép cho SSI được cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán.
 
Như vậy, việc SSI được chấp thuận tăng vốn điều lệ có thể được coi như “phát súng” đầu tiên trong công cuộc chạy đua tăng vốn tiếp theo, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh giữa các CTCK.