Mặc dù lượng tài khoản mới chưa phản ánh chính xác mức độ người dân tham gia vào chứng khoán bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán, chưa kể những tài khoản ở trạng thái "passive" (không có giao dịch), song không thể phủ nhận rằng dòng tiền vẫn đang lưỡng lự, chưa sẵn sàng “nhập cuộc”.
Sau một khoảng thời gian dài "khủng hoảng", thị trường chứng khoán ghi nhận những phiên giao dịch khá khởi sắc trong 3 tuần liên tiếp gần đây. Thậm chí, tuần qua (6-10/6), VN-Index đã có phiên bứt phá gần 17 điểm (8/6) để lấy lại mốc quan trọng 1.300 điểm. Tuy nhiên, những phiên sau đó, tình hình có vẻ như sẽ lại xấu đi...
Những nhịp rung lắc mạnh của các chỉ số chứng khoán thời gian qua đang khiến cả phe cầm cổ và phe cầm tiền đều tỏ ra khá e dè và thận trọng. Với bên đang nắm giữ cổ phiếu, nhà đầu tư chưa thực sự tự tin với đà tăng của thị trường do áp lực bán mạnh vẫn thường trực nhằm hạ nhiệt đà tăng của chỉ số. Với bên cầm tiền, nhà đầu tư cũng tỏ ra không thực sự sẵn sàng nhập cuộc, khi mà nhịp tăng có thể biến thành bẫy "bull-trap" và đẩy họ vào trạng thái "đu đỉnh".
Dòng tiền còn lưỡng lự chưa sẵn sàng "nhập cuộc" (Ảnh minh họa)
Thực tế, trong bối cảnh thị trường đang dần có chuyển biến tích cực nhưng giao dịch trên thị trường vẫn duy trì ở mức thấp, trở thành một xu hướng chung của thị trường.
Trong khoảng 2 năm gần đây, nhà đầu tư đã quen với dòng tiền đổ vào thị trường như thác lũ từ làn sóng nhà đầu tư mới F0. Mỗi khi thị trường biến động mạnh, lập tức thanh khoản sẽ được đẩy lên ngưỡng rất cao, mức trên 30.000 tỷ không phải quá hiếm gặp do nhà đầu tư “bất chấp” để đua lệnh.
Nhưng nay, khi chỉ số VN-Index thậm chí có thời điểm giảm hơn 200 điểm nhưng dòng tiền vẫn “mất hút” khiến nhà đầu tư cảm thấy khó hiểu và bật chế độ “phòng thủ” nhiều hơn khi nút thắt chưa được cởi bỏ.
Chẳng hạn, trong tuần qua, thống kê của FiinPro cho thấy, nhà đầu tư cá nhân đã có tuần mua ròng thứ 3 liên tiếp trên HoSE nhưng giá trị giảm mạnh 81% so với tuần trước đó và đạt 159 tỷ đồng, trong đó có 66,4 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh. Nhìn xa hơn, trong tháng 5 vừa qua, giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt hơn 17.700 tỷ đồng/phiên, giảm hơn 30% so với giá trị giao dịch trong tháng 4 và thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân 30.000 tỷ đồng/ngày của tháng 11/2021.
Điều đáng nói, thanh khoản liên tục sụt giảm trong khi lượng tài khoản mở mới đang liên tục tăng mạnh, thậm chí là lập kỷ lục ấn tượng trong tháng 5 khi thị trường chung “đỏ lửa”.
Tính đến cuối quý I/2022, số dư tiền gửi khách hàng tại các công ty chứng khoán ước tính lên đến 100.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021. Đây là lượng tiền đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm cuối tháng 3.
Mặc dù lượng tài khoản mới chưa phản ánh chính xác mức độ người dân tham gia vào chứng khoán bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán, chưa kể những tài khoản ở trạng thái "passive" (không có giao dịch), song không thể phủ nhận rằng dòng tiền vẫn đang lưỡng lự, chưa sẵn sàng “nhập cuộc”.