ANV điều chỉnh kế hoạch với doanh thu 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, tăng 6% và 38,9% so với kế hoạch ban đầu trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản đang có nhiều thuận lợi.
Cụ thể, theo Nghị quyết họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Công ty CP Nam Việt (HoSE:
ANV) mới ban hành. Doanh nghiệp này đã điều chỉnh và thông qua kế hoạch doanh thu của năm 2022 là 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.000 tỷ đồng, cao hơn lần lượt 6% và 38,9% so với kế hoạch đã trình trong tài liệu ĐHĐCĐ. So với năm 2021, chỉ tiêu doanh thu đã cao hơn 48% còn kế hoạch lợi nhuận gấp 6,6 lần. Nếu kế hoạch này thực hiện được thì đây là con số doanh thu cao kỷ lục của
ANV kể từ khi thành lập tới nay.
Trước đó,
ANV cũng đã công bố doanh thu tháng 4/2022, với doanh thu đạt 433 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 116 tỷ đồng; lần lượt tăng 6% và 68% so với bình quân tháng trong quý I. Biên lợi nhuận gộp đạt mức 37,9%, cải thiện so với mức 29,4% của quý I.
Xét theo thị trường, thị trường nội địa đóng góp doanh thu lớn nhất trong tháng 4 với tỷ trọng 32,6%, tiếp theo là Thái Lan và Trung Quốc. Về cơ cấu sản phẩm, cá tra đóng góp 78% doanh thu, chả cá 8%, dầu cá 10%, điện mặt trời 2%.
Lũy kế 4 tháng đầu năm, doanh thu của
ANV đạt 1.644 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 323 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 32%. Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 45% kế hoạch lợi nhuận năm.
ANV điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022 trong bối cảnh ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang có nhiều thuận lợi. Dẫn số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), chứng khoán VISE cho biết, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản cả nước mang về kim ngạch trên 4,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhiều mặt hàng duy trì mức tăng trưởng khả quan. Riêng mặt hàng xuất khẩu cá tra ước đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 97% so với cùng kỳ năm 2021.
Kể từ tháng 10/2021, sau những tác động mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp sản xuất cá tra đã dần hồi phục đẩy mạnh tốc độ giao thương để đưa hoạt động thương mại sản xuất trở lại bình thường như trước. Các thị trường lớn truyền thống đặc biệt là thị trường Mỹ luôn là ưu tiên hàng đầu. Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ 5 tháng đầu năm ước đạt 243 triệu USD, tăng hơn 130% so với cùng kỳ năm 2021.
Cổ phiếu ANV đang có chuỗi tăng trưởng ấn tượng từ giữa tháng 4, với nhiều phiên tăng trần.
“Vừa qua, Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) - Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vừa công nhận thêm 6 nhà máy chế biến cá tra được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Mỹ. Như vậy, cho tới điểm hiện tại, FSIS đã công nhận 19 nhà máy trong danh sách này. Với sự công nhận thêm 6 nhà máy đủ tiêu chuẩn sản xuất sản phẩm sang thị trường Mỹ, dự báo lượng cá tra xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới”, VSIE cho biết.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP nhận định, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trong những tháng đầu năm một phần do giá trung bình xuất khẩu sang các thị trường đi lên. Khủng hoảng về năng lượng và chiến sự Nga - Ukraine đã gián tiếp khiến chi phí đầu vào đều đi lên, khiến giá sản xuất tăng, đẩy giá thành sản phẩm tăng theo. Bên cạnh đó, các chi phí vận chuyển tiếp tục tăng cũng là tác nhân dẫn đến giá thành cao.
Theo ông Hòe, xuất khẩu khả quan cũng nhờ nỗ lực của nhiều doanh nghiệp với việc quay trở lại các chương trình xúc tiến thương mại như Hội chợ Thủy sản Quốc tế tại Boston, Mỹ hồi tháng 3 và Hội chợ Thủy sản Toàn cầu tại Barcelona (Tây Ban Nha) trong tháng 4. Do đó, sự quan tâm của các nhà nhập khẩu với thuỷ sản Việt Nam rất lớn.
Theo lãnh đạo VASEP, nhìn chung, mặc dù nhu cầu các thị trường phục hồi, giá bán cao nhưng các doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp tục duy trì đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, các trách nhiệm xã hội theo yêu cầu của thị trường tiêu thụ.