• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 1:36:43 SA - Mở cửa
CEO Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ: ''Rã đông'' chậm sẽ hụt hơi
Nguồn tin: TheLEADER | 20/06/2022 9:20:00 SA
Sau gần hai tháng chính thức mở cửa đối với du lịch quốc tế, Việt Nam ghi nhận lượng khách quốc tế đến trong tháng 5/2022 tăng 13 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thị trường nội địa luỹ kế bốn tháng đầu năm cũng đạt 11,5 triệu khách, bằng 98% so cùng kỳ 2019.
 
“Rõ ràng ta thấy đại dịch là thời điểm '"ngủ đông" tích cực, đến lúc rã đông cũng phải tích cực. Nếu chuyển đổi chậm sẽ làm doanh nghiệp hụt hơi và không theo kịp yêu cầu thị trường”, CEO Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ nhận định trong chương trình The Next Power do S-World và VnExpress sản xuất.
 
 
“Ngủ đông tích cực”
 
Đại dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt máy bay của ngành hàng không phải nằm im trên đường băng, gây ra tổn thất tài chính vô cùng to lớn. Táo bạo ra mắt hãng hàng không du lịch đầu tiên của Việt Nam ngay trong tâm dịch năm 2020-2021, Tập đoàn Vietravel gặp nhiều khó khăn tài chính để cân bằng kinh doanh trong một thế giới nhiều biến động.
 
“Tôi xin nói rằng, không doanh nghiệp nào dám báo lời, nói thẳng thắn từ việc kinh doanh của mình, vì có kinh doanh đâu mà lời. Sau dịch, chúng ta thấy ngành du lịch tan tác”, ông Kỳ nói.
 
Với một hãng hàng không chỉ mới được đưa vào vận hành vào đầu năm 2021 cùng 3 máy bay, Vietravel biến tất cả những thất thoát, mất mát, thiệt hại đó trở thành kinh nghiệm, bài toán và mục tiêu để giải quyết từng bước, từng ngày.
 
Vì nguồn tài chính gần như cạn kiệt, Vietravel ưu tiên tập trung vào những khâu chính, giữ vững khung, bộ phận cốt yếu. Trước dịch, công ty này có 64 văn phòng đại diện trên toàn quốc, sau dịch chỉ còn lại 29. Bộ máy nhân sự được tinh gọn, một số vị trí nhân sự lãnh đạo phải thay đổi.
 
“Thật sự đó là những sự hy sinh. Vietravel phải giải tán, đóng cửa, thậm chí phải cắt bớt ‘chân, tay’ để tập trung nguồn lực cho sự thay đổi”, ông Kỳ nhấn mạnh.
 
Ông Kỳ cho biết công ty cần “cắt rất sâu” để giảm bớt chi phí, dùng nguồn lực đó chuyển về để phục vụ tái cấu trúc. Công ty theo đó phân loại, tính toán hoạt động kinh doanh theo một số nguyên tắc, ví dụ như quy luật 80/20, sau đó quyết định giữ lại thị trường nguồn, còn thị trường điểm đến thì phát triển chậm lại hoặc có thể tạm đóng lại.
 
Tuy nhiên, đó là cả quá trình phân loại, đánh giá, sắp xếp mà không thể cắt bừa. Ông Kỳ cho biết đôi lúc phải “động” để giữ “tĩnh”, tức là phải xông vào thay vì né tránh để hiểu vấn đề, từng bước kiên nhẫn gỡ rối.
 
Từ đó, Vietravel xác định chiến lược 4 giai đoạn của công ty cho việc thay đổi gồm: ngủ đông, rã đông, hồi phục và phát triển. Trong giai đoạn ngủ đông, ông Kỳ cho biết dù là một công ty du lịch nhưng tập đoàn tập trung vào việc truyền thông đến khách hàng với những thông điệp tích cực.
 
“Chúng tôi có kinh nghiệm sau khủng hoảng là không có doanh nghiệp lớn, nhỏ, không có khách hàng trung thành, tất cả đều ở một vạch xuất phát, thị trường là chân không. Vì thế, chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ để phải xuất phát nhanh ngay sau dịch, nếu không sẽ mất thị trường”, ông Kỳ nói.
 
 
Vietravel Airlines được đưa vào vận hành vào đầu năm 2021
 
“Rã đông tích cực”
 
Trước dịch, Vietravel chỉ được biết đến là một công ty du lịch, các hệ sinh thái cũng chưa rõ ràng. Sau đại dịch, Vietravel được định vị như một hệ sinh thái đa dạng với 3 lĩnh vực lớn: lữ hành; vận tải - hàng không; thương mại - dịch vụ. Công ty liên kết với rất nhiều tập đoàn, đơn vị từ khách sạn, vận chuyển, dịch vụ tư vấn visa, hướng dẫn viên du lịch, khu vui chơi, ẩm thực... cùng “rã đông nhanh” và hồi phục trở lại.
 
Nói về sự thay đổi quan trọng và táo bạo nhất, ông CEO Vietravel nhấn mạnh sự thay đổi về nhận thức.
 
“Chúng tôi quan niệm trước và sau dịch khác nhau ở ‘change’ (thay đổi) và ‘cooperate’ (hợp tác), phải liên kết, phải chia sẻ hệ kinh doanh của mình, liên kết với nhiều bộ phận, đơn vị trong hệ tuần hoàn kinh doanh du lịch”, ông Kỳ nói.
 
Từ sự thay đổi tư duy, cấu trúc bên trong, sản phẩm mới được tạo ra với cách tiếp cận mới đến khách hàng. Từ năm 2021, Vietravel Airlines là hãng hàng không đầu tiên có hướng dẫn viên du lịch chịu trách nhiệm thông báo các thông tin du lịch như thời tiết, địa danh, ẩm thực của điểm đến.
 
Nếu ngành du lịch “mỗi người một kiểu” trước đại dịch thì khi chịu ảnh hưởng, họ sẽ kết nối lại để hồi phục nhanh hơn. Chẳng hạn trước đây Vietravel tập trung mạnh phân khúc du khách nước ngoài mà chưa quan tâm mảng nội địa thì nay khai thác toàn bộ sản phẩm, cảnh đẹp, giá trị mà trước dịch chưa được quan tâm. Việc này theo đó đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ ngành công nghiệp du lịch và tạo thành hệ sinh thái tuần hoàn trong kinh doanh.
 
Bên cạnh đó, công ty này cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong kinh doanh. Vietravel đã bán vé trên cả hệ thống trực tuyến và trực tiếp từ lâu, nhưng sau dịch, công ty đóng bớt hệ thống trực tiếp và đẩy mạnh kênh trực tuyến, không chỉ trên web mà còn trên ứng dụng điện thoại cũng như trên 3 sàn thương mại điện tử: Tiki, Shopee, Lazada.
 
Sự đổi mới phải có mục tiêu và mục tiêu phải đủ lớn để người ta theo.
 
Ông NGUYỄN QUỐC KỲ - Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Vietravel
 
Tất cả những thay đổi trên được ông Kỳ và ban lãnh đạo thực hiện dựa trên đánh giá rằng phải đến từ động lực tự thân của mỗi người trong tập đoàn. Có ý tưởng thay đổi nhưng phải nói được cho mọi người cùng hiểu vì nó ảnh hưởng đến nhịp điệu sống, vị trí công việc, thậm chí quyền lợi của những cán bộ, con người, bộ máy đã được định vị trước dịch.
 
“Cái điểm tựa vững chắc để mình bước tới trước đây dần bị lung lay, phải thay. Sự đổi mới phải có mục tiêu và mục tiêu phải đủ lớn để người ta theo”, ông Kỳ nói.
 
“Ngành du lịch phải được tái cấu trúc”
 
Báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá Việt Nam tăng lên 8 bậc trong xếp hạng Chỉ số Phát triển du lịch và lữ hành năm 2021, mức tăng điểm cao nhất trong 117 nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên với gần 40 năm lăn lộn trong ngành, ông Kỳ cho rằng du lịch Việt Nam hiện vẫn chưa chuyên nghiệp, vẫn còn “khá nắng mưa”, “theo ý thích và theo khẩu hiệu”, cũng như chưa được đầu tư xứng đáng dù được đưa vào là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn cùng với nông nghiệp và công nghệ thông tin.
 
“Bản chất chúng ta nhìn thấy cũng chưa phải là căn cơ, bền vững, chúng ta vẫn ăn xổi ở thì, vẫn chưa coi nó là ngành công nghiệp không khói mà chỉ đụng đâu là làm đấy thôi”, ông Kỳ chia sẻ.
 
Ông Kỳ dẫn chứng vụ việc toàn bộ nền san hô ở Hòn Mun - Nha Trang bị khai thác quá mức dẫn đến bị tàn phá dù đã được nói đến nhiều trong hàng chục năm qua.
 
Ông cho rằng, bản chất là du lịch chưa được đánh giá đúng. Du lịch cần phải thực chất, phục vụ nhu cầu con người. Du lịch thể hiện độ văn minh của một xã hội, sự phát triển của một nền kinh tế và sự ưu việt của một nền văn hóa dân tộc.
 
“Ngành du lịch phải tái cấu trúc”, CEO Vietravel khẳng định.
 
 
CEO Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định, ngành du lịch phải tái cấu trúc
 
Việc tái cấu trúc này cần được gắn trong một xã hội sau dịch với các hoạt động trở nên nhanh, ít chạm, an toàn. Công nghệ theo đó phải được thay đổi để theo kịp yêu cầu, đặc biệt là để đáp ứng đối tượng giới trẻ dùng công nghệ rất nhiều.
 
Ông Kỳ dự báo, thời kỳ “bình thường mới” của ngành du lịch chỉ trở lại vào năm 2024 - 2025 do thời gian chữa lành phải mất 2 - 3 năm. Hầu hết các quốc gia sẽ mở cửa du lịch vào khoảng cuối năm 2022, đầu năm 2023 và đặc biệt là ba thị trường khách lớn nhất vào Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Năm 2023-2025 là giai đoạn nền kinh tế Việt Nam được định hình trở lại, tâm lý xã hội và yêu cầu xã hội theo đó cũng được cải thiện hoàn toàn và “khi đó, chúng ta sẽ thấy một thế giới phẳng như năm 2019”.
 
“Nếu không thay đổi nhanh, biến hình nhanh mà còn lưu luyến thì sẽ bị bỏ lại. Chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ để khi sau dịch có thể xuất phát nhanh, nếu không sẽ mất thị trường”, lãnh đạo Vietravel cho biết.
 

Cổ phiếu liên quan

Công ty
Giá
Tin tức