Nỗi lo suy thoái kinh tế Mỹ đã xuất hiện trong giới đầu tư tài chính, có thể sẽ tác động tích cực đến giá vàng. Sự lo ngại lạm phát nhường chỗ cho sự lo lắng về suy thoái kinh tế. Do đó, các nhà đầu tư đang chọn tiền mặt thay vì những nơi trú ẩn an toàn như vàng.
Hiện nay thị trường vàng giao dịch thoải mái với mức giá dao động trong khoảng 1.800 - 1.900 USD/ounce (1 ounce bằng 28,3g). Ngày 23/6, hợp đồng vàng tương lai trên sàn Comex tháng 8 được giao dịch ở mức 1.826,60 USD/ounce, giảm 0,64% trong ngày.
Theo trang tin chuyên về vàng Kitco, bà Nicky Shiels, chiến lược gia về vàng của MKS PAMP - tập đoàn công nghiệp và dịch vụ thương mại chuyên về lĩnh vực kinh doanh kim loại quý, cho biết đang có một sự thay đổi trên thị trường vàng.
Cho rằng nỗi lo suy thoái đã khiến sự biến động của vàng thấp so với các tài sản khác, theo bà Shiels, đừng mong đợi một đợt tăng giá vàng cho đến khi niềm tin quay trở lại thị trường.
Ảnh minh họa
Đợt bán tháo chứng khoán SPX - cổ phiếu của 500 công ty lớn tại Mỹ - vào tuần trước phù hợp với sự điều chỉnh trong các cuộc suy thoái sau Thế chiến thứ II, làm dấy lên nỗi lo về suy thoái kinh tế sắp tới.
Sự "tàn sát" vừa qua trên thị trường chứng khoán và các loại tài sản khác đã khiến nhà đầu tư không khỏi lo lắng. Và có thể nói thế giới đang ở trong một thị trường suy thoái kinh tế.
Trong phiên điều trần vừa qua trước Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện Mỹ, Chủ tịch FED Jerome Powell thừa nhận rằng FED đã đánh giá thấp lạm phát và các công cụ của FED sẽ không giải quyết được phần lớn vấn đề lạm phát hiện nay. Bởi vì, lạm phát của Mỹ tăng mạnh chủ yếu do chi phí đẩy, đến từ giá dầu và lương thực tăng mạnh do chiến sự Nga- Trung.
Trong khi đó, FED tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối tài sản sẽ chỉ làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa lâu bền, đẩy giá hàng hóa xuống và không khuyến khích chi tiêu tiêu dùng.
"FED dự định đưa tỷ lệ lạm phát xuống 2% mà không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường lao động, nhưng điều đó đã trở nên thách thức hơn do các yếu tố bên ngoài như chiến sự Nga- Ukraine vốn đang khiến giá lương thực và năng lượng tăng cao" - Chủ tịch FED nhấn mạnh.
Bởi vậy, nếu FED tiếp tục tăng nhanh và mạnh lãi suất, thì cũng sẽ không thể kéo giảm mạnh lạm phát xuống mức mục tiêu một khi chiến sự Nga- Ukraine vẫn còn kéo dài và ngày càng diễn biến phức tạp. Trái lại, động thái nói trên của FED có thể sẽ đẩy kinh tế Mỹ lún sâu vào suy thoái.
Trong khi đó, GDP quý 1 của Mỹ đã giảm 1,5%. Nếu GDP quý 2 tiếp tục tăng trưởng âm, thì có thể khẳng định kinh tế Mỹ đã bước vào suy thoái thực sự. Trên thực tế, doanh số bán lẻ của Mỹ liên tục giảm, người tiêu dùng kỳ vọng lạm phát Mỹ tiếp tục tăng mạnh, theo khảo sát của Đại học Michigan, cho thấy họ có thể sẽ tiếp tục thắt chặt chi tiêu.
Khi nỗi lo suy thoái kinh tế gia tăng, các nhà đầu tư sẽ có xu hướng tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn như vàng… Điều này có thể sẽ tác động tích cực đến giá vàng trong dài hạn dù rằng trong ngắn hạn, giá kim loại quý này có thể sẽ vẫn tiếp tục điều chỉnh, tích lũy do tình hình suy thoái kinh tế Mỹ chưa thực sự rõ ràng.
Ông Everett Millman, Chuyên gia phân tích cao cấp của Gainesville Coins, cũng cho rằng nếu GDP quý 2 của Mỹ tiếp tục tăng trưởng âm, thì sẽ tác động tích cực đối với giá vàng, vì khi đó, tín hiệu suy thoái kinh tế Mỹ đã rõ ràng. Theo đó, giá vàng sẽ dễ dàng phá vỡ 1.900USD/oz để tiến tới 2.000USD/oz. Tuy nhiên trong ngắn hạn, giá vàng vẫn có xu hướng điều chỉnh, tích lũy.
"1.800 USD/oz vẫn đang là mức hỗ trợ quan trọng đối với giá vàng tuần tới. Trong khi 1.850 USD/oz đang là mức kháng cự đầu tiên đối với giá vàng tuần tới; nếu vượt qua mức này, thì giá vàng tuần tới sẽ lên 1.870USD/oz", ông Everett Millman nhận định.