Nhìn về dài hạn, tăng trưởng của cổ phiếu ngành xây dựng vẫn được kỳ vọng tích cực khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản dân cư tại Việt Nam vẫn rất lớn. Đặc biệt là tiến độ đầu tư công đạt kế hoạch và các nút thắt của thị trường bất động sản được tháo gỡ, dư địa cho tăng trưởng của các công ty ngành xây dựng sẽ được rộng mở...
Trong báo cáo mới nhất về ngành xây dựng, Chứng khoán Mirae Asset thống kê, 5 tháng đầu năm 2022, tình hình giải ngân đầu tư công gặp nhiều trở ngại, chưa đạt kế hoạch và kỳ vọng từ Chính phủ. Cụ thể, tính đến hết 30/4, giải ngân đầu tư công đạt 85.712 tỷ đồng, đạt 14,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn đầu tư trong nước là 83.234 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 2.177 tỷ đồng, lần lượt đạt 21,63% và 6,26% kế hoạch. Ước tính đến 31/05, giải ngân vốn đầu tư công đạt 117.937 tỷ đồng, đạt 20,45% kế hoạch.
Cổ phiếu ngành xây dựng vẫn được kỳ vọng khi đi "đường trường"
Nhìn lại những năm trước, tỷ lệ giải ngân đầu tư công 6 tháng đầu năm khoảng 22%–26%. Như vậy, tỷ lệ hiện tại đang ở mức như mọi năm, nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng trước đó.
Mặc dù vậy, Mirae Asset đánh giá, điểm sáng cho ngành xây dựng là Quốc hội đã chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án hạ tầng mới là Cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột GĐ1, Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng GĐ1, Cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu GĐ1, Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 TP.Hà Nội.
"Tiến độ giải ngân chưa đạt kỳ vọng, chỉ ở mức thông thường so với các năm, tuy nhiên Việt Nam đang dành nguồn lực rất lớn cho đầu tư cơ sở hạ tầng khi với 5 dự án mới được chấp thuận, tổng số dự án cao tốc–hạ tầng cấp trọng điểm quốc gia được Quốc hội phê duyệt theo hình thức đầu tư công trong năm nay đã tăng lên 17 dự án", Mirae Asset nhận xét.
Cũng theo Mirae Asset, trong ngắn hạn, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xây dựng đang chịu nhiều áp lực khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào đã tăng cao trước đó và lượng cung bất động sản trên thị trường nhà ở suy giảm, cũng như tác động lan tỏa từ đầu tư công chưa đạt kỳ vọng.
Song, nhìn về dài hạn, tăng trưởng của cổ phiếu ngành xây dựng vẫn được kỳ vọng tích cực khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản dân cư tại Việt Nam vẫn rất lớn. Đặc biệt là tiến độ đầu tư công đạt kế hoạch và các nút thắt của thị trường bất động sản được tháo gỡ, dư địa cho tăng trưởng của các công ty ngành xây dựng sẽ được rộng mở.
Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của nhóm cổ phiếu xây dựng có độ phân hóa lớn và diễn biến trái chiều.
Một số doanh nghiệp ghi nhận tốc độ tăng trưởng đột biến. Chẳng hạn, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (
CII) ghi nhận khoản thoái vốn tại công ty con, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (
VCG) báo lãi lớn từ giao dịch mua rẻ. Trong khi đó, một số doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng âm (
LCG,
CTD) hoặc báo cáo lỗ (
FCN).
Vì vậy, nhà đầu tư cần chú ý đến tốc độ tăng trưởng đột biến của lợi nhuận đến từ các giao dịch tài chính (thoái vốn, mua rẻ), không từ hoạt động kinh doanh chính. Bên cạnh đó, lợi nhuận quý I/2021 ở mức thấp so với chu kỳ thông thường do Việt Nam thời điểm đó vẫn đang trong quá trình phòng chống Covid-19.
“Những cổ phiếu đáp ứng tiêu chí vốn hóa, thanh khoản, mang tính đặc trưng và đại diện cho từng phân khúc xây dựng sẽ có cơ hội hưởng lợi lớn”, Mirae Asset khuyến nghị.