Với những bất cập hiện hữu nguy cơ gây thiệt hại không nhỏ cho nhà đầu tư, nhiều chuyên gia kiến nghị nên bỏ hai phiên giao dịch khớp lệnh định kỳ ATO và ATC.
Với sự xuất hiện các hiện tượng thao túng giá cổ phiếu ngày càng tinh vi, ngày 5/6, Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe và giám sát các hoạt động trên thị trường.
Trước đó, UBCKNN và các Sở cũng đã liên tục có những thay đổi như: Công bố công khai, miễn phí số liệu giao dịch tự doanh chứng khoán; điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai VN30; doanh nghiệp phải công bố thông tin nếu cổ phiếu tăng trần/giảm sàn 5 phiên liên tiếp…
Những bất thường trong ATC của nhóm VN30 ở các phiên đáo hạn hợp đồng tương lai luôn là chủ đề được nhà đầu tư bàn luận sôi nổi. Ảnh Trọng Hiếu.
Những thông điệp và hành động quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ cùng các bộ ngành trong thời gian gần đây được đánh giá sẽ có những tác động tích cực với TTCK trong trung, dài hạn. Tuy nhiên, vẫn còn đó những quy định về giao dịch chứng khoán hiện đã bộc lộ rất nhiều bất cập và gây thiệt hại không hề nhỏ cho nhà đầu tư, điển hình là phiên giao dịch ATO và ATC.
Theo quy định sàn trên HoSE, giao dịch khớp lệnh gồm khớp lệnh định kỳ mở cửa (ATO) với thời gian từ 9h00 đến 9h15, khớp lệnh liên tục (9h15 - 11h30 và 13h00 - 14h30), khớp lệnh định kỳ đóng cửa (ATC, 14h30 - 14h45).
ATC, ATO bản chất là các phiên đấu giá, được thực hiện trên cơ sở so khớp các lệnh mua và lệnh bán chứng khoán tại một thời điểm xác định. Nguyên tắc xác định giá trong hai phiên trên là mức giá thực hiện đạt khối lượng giao dịch lớn nhất. Nếu có nhiều mức giá thỏa mãn điều kiện trên thì mức giá trùng hoặc gần nhất với giá trị thực của lần khớp lệnh gần nhất sẽ được lựa chọn.
Có thể thấy, nếu được thực hiện theo thị trường thì hai phiên này sẽ phản ảnh cung cầu khách quan, tuy nhiên trên thực tế, nhà đầu tư cá nhân rất ngại tham gia vào các phiên này, vì lo sợ bị thao túng và không chủ động về giá mua/bán.
Trong lịch sử giao dịch của TTCK Việt Nam, rất nhiều cổ phiếu, đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 đã bất ngờ giảm sàn sau thời điểm 14h30 phút với khối lượng đặt bán tăng đột biến, diễn biến này tạo ra những “cú sập” của thị trường chỉ sau ít phút trước sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư. Hướng ngược lại, cũng không ít nhóm cổ phiếu được “kéo” từ giá sàn lên trần, cũng trong vài giây của phiên ATC. Bất thường trong phiên ATC của nhóm VN30 ở các phiên đáo hạn hợp đồng tương lai cũng là chủ đề được bàn luận sôi nổi trên khắp các diễn đàn, hội nhóm về đầu tư chứng khoán.
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập FIDT cho biết, vào phiên ATO và ATC, thường lực cầu của nhà đầu tư cá nhân rất dè dặt vì đặc tính thích mua bán phiên liên tục để xác định đúng nhu cầu về giá của mình, các lực lượng khác cũng tương đồng. Hướng ngược lại, chỉ có nhóm quỹ ETF phụ thuộc phần lớn vào phiên ATC để đồng bộ hoá giữa giá chứng chỉ quỹ và chỉ số VN30. Vì vậy, sự ”chủ động” của nhà tạo lập khi tận dụng điểm yếu của phiên ATC để thuận nước đẩy thuyền là rất rõ, đây là điều rất nhiều nhà đầu tư cá nhân lo ngại.
“Lịch sử 22 năm thị trường đã chứng tỏ sự trưởng thành song đi kèm vẫn có những điểm nghẽn và kẽ hở để một lực lượng tham dự có thể tận dụng tạo ra sự bất công bằng cho nhóm nhà đầu tư còn lại. Điều này cần phải được nâng cấp và khắc phục. Do vậy, tôi cho rằng, phiên đấu giá nên là phiên ATO và nên bỏ phiên ATC”, ông Huỳnh Minh Tuấn nêu quan điểm.
Cùng chung quan điểm, theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nếu xét về mặt logic, nhà đầu tư hoàn toàn bị động và các hoạt động thao túng, làm giá rất dễ phát sinh trong phiên ATO và ATC.
"Ngoài ra, ATC, ATO cũng gây ra sự bất hợp lý khi không phản ánh đúng bản chất cung cầu và làm thanh khoản thị trường bị ảnh hưởng. Theo tôi có thể bỏ ATC và giữ lại ATO hoặc bỏ cả 2", ông Nguyễn Thế Minh cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Hồng Điệp, Tổng giám đốc CTCP Tư vấn Đầu tư S-Talk cũng cho rằng với mục tiêu nâng hạng và chống thao túng, có thể bỏ phiên ATO, ATC.
Theo chuyên gia này, những thời kỳ đầu khi thanh khoản thị trường thấp, chứng khoán còn chưa phổ biến rộng khắp, phiên ATO, ATC là cần thiết. Nhưng khi thị trường đã phát triển lên rất nhiều, bỏ ATO rõ ràng không ảnh hưởng đến định hướng giá cho nhà đầu tư. Trong khi đó, phiên ATC có phần khó hơn khi bắt buộc phải xác định giá đóng cửa (là giá tham chiếu cho ngày hôm sau).
“Có thể áp dụng biện pháp lấy giá trung bình vào 30 phút cuối phiên, tuy nhiên không có gì là hoàn hảo, nhưng giải pháp này ít nhất cũng tốt hơn. Trên thế giới thời gian đầu cũng có ATO, ATC nhưng sau này đều bỏ”, ông Nguyễn Hồng Điệp nhấn mạnh.