Nửa đầu năm 2022, thị trường bảo hiểm tiếp tục phát triển ấn tượng với mức tăng trưởng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2021.
Bộ Tài chính đã tếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về lĩnh vực bảo hiểm. Ảnh: Internet.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm đạt 117,8 nghìn tỷ đồng, tăng 14,25% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, tổng tài sản ước đạt 757,8 nghìn tỷ đồng, tăng 21,17%. Mức đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 636,2 nghìn tỷ đồng, tăng 23,24%.
Cũng trong 6 tháng, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 27,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,32% so với cùng kỳ năm 2021.
Thời gian qua, để phát triển thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính đã tếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về lĩnh vực bảo hiểm. Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2022/NĐ-CP ngày 10/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 9/5/2022 về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp và dự thảo Đề án chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030.
Đặc biệt, mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022). Trong đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có nhiều điểm mới được bổ sung để phù hợp với thực tiễn.
Bộ Tài chính cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có 7 Chương, 157 Điều. Trong đó, để thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, Luật đã bổ sung quy định về việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm (theo cam kết của Việt Nam tại WTO và các hiệp định thương mại khác trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm, Việt Nam không hạn chế về tỷ lệ vốn góp của bên nước ngoài).
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến việc thực hiện cam kết của Việt Nam về thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài; về tỉ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp bảo hiểm.
Cùng với đó là những sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan. Sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vướng mắc trong thời gian vừa qua về bảo hiểm bắt buộc, doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tái bảo hiểm, bảo hiểm vi mô.
Đáng chú ý, Luật bổ sung quy định về an toàn tài chính trong trường hợp tỷ lệ an toàn vốn ở mức phải áp dụng biện pháp can thiệp, biện pháp cải thiện sớm, biện pháp kiểm soát; quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, hội đồng quản trị, ban kiểm soát; bổ sung yêu cầu công khai thông tin định kỳ, công khai thông tin thường xuyên, công khai thông tin bất thường để đảm bảo thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm rõ ràng, minh bạch.
Đặc biệt, Luật đã bổ sung quy định về sản phẩm, tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển bảo hiểm vi mô.
Ngoài ra, Luật có các sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao yêu cầu quản lý nhà nước như bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Về quy định lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm, đây là cách tiếp cận mới của Luật lần này. Luật trước đây quy định doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư lĩnh vực gì, còn Luật năm 2022 quy định các lĩnh vực doanh nghiệp không được làm, còn lại doanh nghiệp được chủ động thực hiện. Trong các lĩnh vực không được làm có kinh doanh bất động sản bởi đây là lĩnh vực rủi ro rất cao. Việc quy định như vậy để đảm bảo doanh nghiệp bảo hiểm có đủ khả năng chi trả, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.