Giá heo hơi hôm nay tiếp đà tăng mạnh tại ba miền và điều chỉnh tăng từ 1.000 - 5.000 đồng/kg. Giá thu mua heo hơi tại miền Bắc cao nhất là 72.000 đồng/kg. Nhìn chung, giá heo hơi hôm nay thu mua dao động trong khoảng trong khoảng 59.000 - 72.000 đồng/kg.
Thị trường heo hơi miền Bắc hôm nay ghi nhận tăng từ 1.000 - 4.000 đồng/kg ở nhiều nơi trong khu vực. Theo đó, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang điều chỉnh tăng lần lượt là 2.000 đồng/kg và 4.000 đồng/kg, đưa giá heo hơi lên mốc 72.000 đồng/kg.
Tương tự, sau khi tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg, Ninh Bình, Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ và TP Hà Nội ghi nhận mức giao dịch trong khoảng 69.000 - 71.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại chững lại, giá giao dịch phổ biến là 70.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 69.000 - 72.000 đồng/kg.
Giá heo hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên nhìn chung nhích nhẹ ở một vài nơi trong hôm nay. Bình Thuận tăng 2.000 đồng/kg lên mức 67.000 đồng/kg, cao nhất khu vực.
Ảnh minh họa
Cùng tăng 1.000 đồng/kg, thương lái hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Lâm Đồng đang thu mua heo hơi với giá là 62.000 đồng/kg và 65.000 đồng/kg. Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa và Ninh Thuận đi ngang trong hôm nay, hiện giao dịch tại mức 61.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 61.000 - 67.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá heo hơi đồng loạt tăng từ 1.000 đồng/kg đến 5.000 đồng/kg. Kiên Giang và Đồng Tháp điều chỉnh tăng 5.000 đồng/kg, lần lượt có giá là 59.000 đồng/kg và 64.000 đồng/kg.
Sau khi tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg, Hậu Giang và Trà Vinh đang thu mua heo hơi trong khoảng 62.000 - 65.000 đồng/kg. Long An, Vĩnh Long và Bạc Liêu tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg, thương lái đang giao dịch với giá 59.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng 59.000 - 66.000 đồng/kg.
Ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai có sự chuyển dịch rõ rệt so với trước; trong đó, chăn nuôi heo giảm mạnh ở khu vực chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi gia cầm tăng trưởng mạnh. Huyện định hướng phát triển chăn nuôi trang trại theo quy mô hàng hóa lớn gắn với xây dựng chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ.
Tính đến cuối tháng 6, tổng đàn heo của huyện Thống Nhất đạt hơn 169 ngàn con, giảm gần 7% so với cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm đạt gần 1,5 triệu con, tăng 33,4% so với cùng kỳ, theo báo Đồng Nai.
Toàn huyện có 405 trang trại chăn nuôi. Trong đó, có 32 trang trại được cấp chứng nhận VietGAHP. Có 93 trang trại chăn nuôi cho các tập đoàn, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài theo chuỗi liên kết khép kín.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao: Áp lực đè nặng người nông dân
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán, tính từ đầu năm 2022 đến nay đã có 4 đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi, trung bình hơn một tháng lại có một đợt điều chỉnh tăng giá mới, mỗi lần tăng từ 300 - 400 đồng/kg. Đáng chú ý, các loại thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh tăng 300 đồng/kg lại là loại ít sử dụng hơn các sản phẩm được điều chỉnh tăng 400 đồng/kg.
Cũng theo ông Đoán, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, người chăn nuôi tạm thời không nên mở rộng quy mô chuồng trại, theo báo Khoa Học và Đời Sống.
"Chăn nuôi quy mô nhỏ vài con thì còn có thể chủ động sử dụng thức ăn như ngô, khoai... Với quy mô từ 50 con trở lên, thì bắt buộc người chăn nuôi phải mua cám. Hơn nữa, trước giờ nhiều ý kiến cũng cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay là tiết giảm chi phí. Song việc triển khai trên thực tế không dễ như vậy, bởi khẩu phần ăn một con heo là 2,5kg cám/ngày, nếu bớt xuống 2kg sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe vật nuôi, dịch bệnh…", ông Đoán chia sẻ.
Hơn một năm qua, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng "phi mã", nhiều giải pháp cũng đã được các cơ quan tính đến, song vẫn không thể "hạ nhiệt" được mặt hàng này. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết nguyên nhân lớn nhất là nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn phụ thuộc nhập khẩu từ bên ngoài.