Tâm điểm chú ý của thị trường trong tuần tới sẽ là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (20/7), duy trì đà tăng của hai phiên đầu tuần, trong bối cảnh nhà đầu tư đón nhận loạt báo cáo kết quả kinh doanh khả quan từ các công ty niêm yết. Giá dầu thô quay đầu đi xuống vì tín hiệu bất ổn về nhu cầu tiêu thụ dầu ở Mỹ trong mùa hè.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,15%, đạt 31.874,84 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,59%, đạt 3.959,9 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,58%, đạt 11.897,65 điểm.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: NYSE/CNBC.
Đây là mức điểm đóng cửa cao nhất của cả ba chỉ số trong hơn 1 tháng trở lại đây, là phiên tăng thứ tư trong vòng 5 phiên của Nasdaq, và là phiên tăng thư 3 trong vòng 4 phiên của Dow Jones và S&P 500. Tính từ đầu tuần, Nasdaq đã tăng 3,9%; Dow Jones tăng gần 1,9%; và S&P 500 tăng 2,5%.
“Những chú bỏ có vẻ như đã quay trở lại với thị trường. Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của các cổ phiếu công nghệ, tiền ảo và các tài sản rủi ro khác trong vòng mấy ngày trở lại đây”, nhà phân tích Callie Cox thuộc eToro nhận định. “Trong một nền kinh tế đang xuất hiện vài điểm yếu đáng kể như hiện nay, điều đáng chú ý là một số bộ phận của thị trường đang khởi sắc. Tuy nhiên, tâm lý bầy đàn đã quay trở lại, ít nhất vào lúc này”.
“Trong thời gian đầu của mùa báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo từ doanh nghiệp đến thời điểm này đều ổn, giúp xoa dịu mối lo về một cuộc suy thoái kinh tế có thể sắp xảy đến”.
Tâm điểm chú ý của thị trường trong tuần tới sẽ là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến diễn ra vào ngày thứ Ba và thứ Tư (26-27/7). Ở thời điểm hiện tại, thị trường đang nghiêng về khả năng Fed nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong lần họp này.
Giá dầu thô Brent giao tháng 9 tại thị trường London giảm 0,43 USD/thùng, còn 106,92 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao tháng 8 tại Mỹ giảm 1,88%, còn 102,26 USD/thùng.
Dầu giảm giá sau khi dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy nhu cầu tiêu thụ xăng vào giai đoạn cao điểm của mùa hè này yếu đi. Ngoài ra, áp lực giảm giá dầu còn đến từ việc các ngân hàng trung ương nâng nâng lãi suất để chống lạm phát, đặt ra rủi ro giảm tốc nền kinh tế kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Báo cáo hàng tuần từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho xăng tăng 3,5 triệu thùng/ngày trong tuần trước, lớn hơn nhiều so với mức dự báo tăng 71.000 thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó. Cũng theo báo cáo này, tiêu thụ xăng ở Mỹ trong kỳ báo cáo là khoảng 8,5 triệu thùng/ngày, giảm khoảng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Nhu cầu xăng đang yếu, ít nhất là như vậy. Chắc chắn, giá xăng cao đã khiến người tiêu dùng mất niềm tin”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital LLC nhận định.
Hồi tháng 6, người Mỹ sốc khi giá xăng trung bình toàn quốc lập kỷ lục ở mức trên 5 USD/gallon. Hiện, giá xăng ở nước này đã giảm về dưới mức 4,5 USD/gallon, theo dữ liệu từ AAA.
Giá dầu gần đây biến động mạnh do ảnh hưởng của các yếu tố trái chiều, bao gồm mối lo nguồn cung dầu sẽ thắt chặt do ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine, và mặt khác là nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu vì việc các ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát. Nhiều nhà phân tích cho rằng giá dầu khó giảm sâu vì OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) với một số nước ngoài khối gồm Nga, không còn nhiều dư địa để tăng sản lượng.