Theo ông Trương Hiền Phương, Chuyên gia cấp cao, CTCK KIS Việt Nam, trên thị trường Vingroup, Nam Long vẫn đang huy động qua kênh trái phiếu, rõ ràng nói siết chặt trái phiếu doanh nghiệp là không đúng.
Vị chuyên gia này cho rằng, Chính phủ đang muốn lành mạnh thị trường trái phiếu, có hành động quyết liệt để đảm bảo các doanh nghiệp sử dụng công cụ trái phiếu phải đúng mục đích, bảo vệ nhà đầu tư…
Chứng khoán sau vài phiên tăng điểm đã chững lại trước ngưỡng 1.200 điểm ở cuối tuần rồi và tiếp tục giảm trong phiên đầu tuần này. Ông có bình luận gì về diễn biến hiện nay của VN-Index?
Thị trường có vài phiên tích lũy tăng dần dù tốc độ tăng không cao, biên độ tăng cổ phiếu không nhiều, nhưng việc tăng giá lan tỏa nhiều cổ phiếu, nhiều ngành. Nhưng thị trường chưa tăng mạnh do bối cảnh thị trường hiện không quá nhiều thông tin tích cực, đâu đó còn nỗi quan ngại của nhà đầu tư về lạm phát kiểm soát ra sao.
Thông tin ECB nâng lãi suất 0,5% sau thời gian dài duy trì lãi suất âm làm cho nhà đầu tư thận trọng, e dè, dẫn tới phiên cuối tuần thiên về chốt lời ngắn hạn.
Thị trường cũng đang ở vùng trũng thông tin. Về báo cáo kết quả kinh doanh, hiện chỉ một số ngành, doanh nghiệp công bố.
Nhà đầu tư chưa mạnh dạn mua vào, giải thích vì sao thanh khoản sụt giảm, do nhà đầu tư chưa đủ thông tin tích cực thúc đẩy họ giải ngân.
Ông Trương Hiền Phương
Bức tranh kinh doanh quý 2 đang dần lộ diện. Đánh giá của ông ra sao?
Tôi đánh giá kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp vẫn là khả quan. Về cơ bản các doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận, chỉ có một vài doanh nghiệp tốc độ tăng trưởng bị âm so với cùng kỳ.
Tôi nhấn mạnh doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng âm nhưng vẫn có lãi. Vì 2021 so với 2020 tăng trưởng tốt nên 2022 so với 2021 tốc độ tăng trưởng không bằng.
Đây là góc nhìn chứ không thực sự phản ánh doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả hay quá khó khăn. Năm trước tăng trưởng quá mạnh, năm nay không vượt được nên nhìn vào thấy doanh nghiệp bị tăng trưởng âm.
Nhiều khi nhà đầu tư bị yếu tố tâm lý khi nhìn vào các thông tin đăng tải trên truyền thông, kể cả xem trực tiếp BCTC, báo cáo phân tích ghi nhận doanh nghiệp tăng trưởng bị âm, bị giảm, có động thái e ngại, thận trọng, lo lắng.
Tôi nghĩ điều này sớm qua vì không phải doanh nghiệp nào cũng bị như vậy. Có thể kể đến các ngành gặp vấn đề này như ngành chứng khoán, trong 2021 thị trường thanh khoản tăng mạnh nên lợi nhuận tăng cao; hay ngành thép trong 2021 tăng trưởng bùng nổ…
Tuy nhiên, sẽ có những yếu tố khác bù vào quan ngại nêu trên. Cụ thể, qua tháng 8 nếu không có thay đổi quy trình thanh toán rút xuống T+2, làm cho thị trường sôi động hơn, nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro khi không phải nắm giữ cổ phiếu qua thêm 1 ngày, có thể đẩy mạnh vòng quay vốn…
Một thông tin nữa, trong thời gian tới NHNN có thể cân nhắc mở room tín dụng cho ngân hàng, một số dự báo có thể trong tháng 8…
Đó là những thông tin tích cực điều tiết lại những thông tin chưa được tích cực. Nhà đầu tư có thể phản ứng nhất thời, sẽ sớm gia tăng đầu tư vào thị trường trong thời gian tới.
Những quan điểm của NHNN mới đây khẳng định không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. Ông có chia sẻ thêm gì về vấn đề này, đặc biệt là tác động tới nhóm bất động sản?
Về việc room tín dụng 14%, có ngân hàng đã gần chạm ngưỡng chỉ tiêu tăng trưởng cả năm, một số chưa dùng hết room.
Những ngân hàng nào chưa dùng hết room không gặp vấn đề gì. Với ngân hàng gần tới hoặc vừa chạm chỉ tiêu, họ sẽ tạm dừng cho vay mới, tập trung những khoản vay cũ, xử lý dư nợ nhóm nợ xấu, tạo khoảng trống room cho mình.
Như vậy, sẽ có một số doanh nghiệp bất động sản vay ở ngân hàng gần chạm room thì gặp khó khăn. Một là họ phối hợp với ngân hàng xử lý khoản vay đến hạn, hai là đi tìm ngân hàng còn room.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể huy động vốn qua kênh trái phiếu. Vấn đề trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ, Bộ Tài chính có hành động chấn chỉnh quyết liệt làm cho minh bạch, tuân thủ chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, hoạt động phát hành trái phiếu vẫn là hợp pháp, thực sự là công cụ giúp cho doanh nghiệp bất động sản huy động vốn. Điều quan trọng là doanh nghiệp sử dụng vốn đúng mục đích, đủ dòng tiền trả nợ cho trái chủ.
Tôi nghĩ trong tình huống này, các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, có chiến lược kinh doanh phát triển đúng, các cơ chế quản trị dòng vốn tuân thủ chặt chẽ sẽ cân nhắc thêm sử dụng công cụ trái phiếu, bên cạnh đi vay ngân hàng.
Khó thì gặp khó ở một số doanh nghiệp chứ không phải toàn ngành gặp khó. Trong cái khó doanh nghiệp tìm hướng đi mới, như đề cập ở trên.
Tựu chung lại vẫn có khó khăn nhất định nhưng không phải quá nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới ngành bất động sản.
Ông vừa đề cập tới việc doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu. Nhưng thị trường này được nhận được đang bị kiểm soát chặt chẽ. Ông đánh giá ra sao về điều này?
Thật ra, Chính phủ, Bộ Tài chính không thắt chặt vấn đề trái phiếu. Ai đang nghĩ thắt chặt là chưa đúng. Tôi cho rằng, Chính phủ đang muốn lành mạnh thị trường trái phiếu, có hành động quyết liệt để đảm bảo các doanh nghiệp sử dụng công cụ trái phiếu phải đúng mục đích, có năng lực thực sự đảm bảo thanh toán tiền cho nhà đầu tư mua trái phiếu khi đến hạn và trả lãi suất trái phiếu đầy đủ.
Trước đây khi chưa có vấn đề nổ ra như vụ Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu vận hành khá cởi mở, phát triển nhanh dẫn tới một số vụ việc sử dụng vốn của trái chủ không đúng mục đích, không như cam kết ban đầu khi phát hành trái phiếu.
Khi sự việc vỡ lở, cơ quan quản lý nhận thấy thị trường bùng nổ nhanh quá, một số doanh nghiệp có thể cố tình lách luật, hoặc bỏ qua cam kết ban đầu dựa trên yếu tố luật pháp, nên bây giờ các cơ quan quản lý phải làm mạnh hơn, triệt để hơn, khiến nhiều người ngộ nhận thắt chặt hơn.
Bản thân KIS là một trong những đơn vị làm cầu nối cho bên phát hành lẫn người mua trái phiếu thì thấy doanh nghiệp vẫn được phát hành. Có thể thấy trên thị trường Vingroup, Nam Long vẫn đang huy động qua kênh trái phiếu, rõ ràng nói siết chặt trái phiếu doanh nghiệp là không đúng.
Thứ hai việc kiểm soát phát hành trái phiếu thực ra đang bảo vệ nhà đầu tư. Đầu tiên tôi ủng hộ việc này. Vụ việc Tân Hoàng Minh nổ ra tới nay chưa nhà đầu tư nào nhận được tiền. Nếu không phát hiện, xử lý thì liệu có bao nhiêu trường hợp tương tự? Tôi nghĩ việc lành mạnh hóa thị trường trái phiếu tốt hơn trong tương lai.
Theo ông cần những giải pháp nào để phát triển bền vững thị trường trái phiếu?
Bộ Tài chính cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn thay thế cho văn bản cũ, định hướng các đơn vị phát hành trái phiếu tốt hơn, tăng tính trách nhiệm, uốn nắn dòng vốn phát hành trái phiếu đi đúng mục đích.
Sau này trái phiếu tập trung trên Sở GDCK Hà Nội được quản lý tốt hơn. Đây là những giải pháp căn cơ, nền tảng giúp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động sôi nổi, là kênh dẫn vốn từ nhà đầu tư cho các doanh nghiệp.
Thông qua các phương tiện truyền thông, cơ quan quản lý cũng nên có những hướng dẫn, thông tin về các loại hình trái phiếu cho nhà đầu tư, các quy định, cơ chế nhà đầu tư cần được biết, nắm rõ hơn khi tham gia thị trường trái phiếu.
Nhà đầu tư nhận diện được đâu là trái phiếu của doanh nghiệp tốt, hạn chế được ngộ nhận, nghe theo những lời mời gọi thiếu căn cứ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, có hình thức chiếm dụng vốn không đúng mục đích.
Thật ra trái phiếu doanh nghiệp không nằm ở thị trường vốn, mà nằm ở thị trường tiền tệ. Trái phiếu doanh nghiệp thường có kỳ hạn 1 năm, lâu hơn là 2,3 năm, hoặc là dạng trái phiếu chuyển đổi qua cổ phiếu. Khi chuyển đổi mới nằm ở thị trường vốn còn lại vẫn nằm ở thị trường tiền tệ vì ngắn hạn. Hiện trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang là công cụ lai, giống như công cụ nợ.
Hiện nay doanh nghiệp đang dựa vào huy động vốn để kinh doanh, sản xuất, đầu tư trung dài hạn nhưng cũng có lúc doanh nghiệp cần vốn lưu động ngắn hạn. Như vậy chỉ có tiếp cận bên thị trường tiền tệ.
Có những dự án, thương vụ doanh nghiệp chỉ thấy thu lợi nhuận trong 1-2 năm, sau đó không còn hiệu quả nữa. Họ không thể tăng vốn qua phát hành thêm cổ phiếu, vì sau 2,3 năm họ không có nhu cầu sử dụng vốn thì lại chịu áp lực cổ tức cho cổ đông.
Cho nên họ hướng qua thị trường tiền tệ với khoản vay ngắn hạn. Nhưng khi họ dùng vốn ngân hàng lại đụng tới thủ tục thế chấp tài sản, nên công cụ trái phiếu là nhanh gọn hơn. Để thấy nhu cầu doanh nghiệp luôn còn cần dùng công cụ trái phiếu ngắn hạn này.
Theo đó rõ ràng, Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN hiểu rõ điều này, đang hướng tới tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường trái phiếu phát triển trong khuôn khổ luật pháp, trong quy định chuẩn mực hơn nhằm bảo vệ những nhà đầu tư trên thị trường này. Nên tôi nghĩ thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn sẽ phát triển dựa trên sự quản lý ngày càng tốt hơn chứ không xấu hơn.
Xin cảm ơn ông!