Các báo cáo lợi nhuận quý 2 trái chiều giữa các “ông lớn” khiến giá cổ phiếu trụ tăng giảm triệt tiêu nhau giữa bối cảnh dòng tiền gần như “đóng băng”. Thanh khoản tụt xuống mức thấp kỷ lục mới khi nhà đầu tư chờ đợi quyết định của FED...
Các báo cáo lợi nhuận quý 2 trái chiều giữa các “ông lớn” khiến giá cổ phiếu trụ tăng giảm triệt tiêu nhau giữa bối cảnh dòng tiền gần như “đóng băng”. Thanh khoản tụt xuống mức thấp kỷ lục mới khi nhà đầu tư chờ đợi quyết định của FED.
Cả hai sàn niêm yết sáng nay giao dịch chỉ đạt 4.214 tỷ đồng, giảm 23% so với sáng hôm qua và vượt qua mức thấp kỷ lục ngày 23/6 vừa qua (4.955 tỷ đồng).
Mặc dù tổng thanh khoản thị trường rất thấp, nhưng một số cổ phiếu thu hút dòng tiền vẫn tăng khá ấn tượng. Xếp theo thứ tự giá trị giao dịch cho thấy rõ điều đó.
Mức thanh khoản khô kiệt này thực ra không hẳn là xấu. Đơn giản là nhà đầu tư dừng giao dịch. FED bắt đầu cuộc họp 2 ngày giữa tuần này (giờ Mỹ) để quyết định sẽ tăng lãi suất bao nhiêu và phát đi thông điệp gì về lạm phát. Cả thế giới sẽ “dừng hình” để chờ đợi, không riêng gì các nhà đầu tư trong nước.
Điều quan trọng là thị trường vẫn chuyển động bình thường với mức thanh khoản rất mỏng này. Độ rộng của VN-Index ghi nhận 169 mã tăng/243 mã giảm. Phân bổ chiều tăng chỉ có 72 mã tăng trên 1%, chiều giảm có 69 mã giảm trên 1%. Phân bổ vốn, 45% giá trị khớp lệnh của HoSE sáng nay tập trung ở nhóm cổ phiếu tăng giá và 43,6% phân bổ ở nhóm giảm giá.
Như vậy cả thanh khoản, biên độ dao động và độ rộng đều thể hiện thị trường trong trạng thái nghỉ. Trong điều kiện đó, cổ phiếu tăng giảm đều không có độ tin cậy cao vì tình thế có thể thay đổi rất nhanh.
VN-Index chốt phiên sáng tăng nhẹ 1,74 điểm tương đương 0,15%. Có một nhịp đỏ nhưng mức giảm không đáng kể. Biên độ tăng cao nhất của chỉ số này cũng chỉ +0,48% so với tham chiếu. VCB đang là cổ phiếu trụ mạnh bất ngờ sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 2/2022 tăng 50% cùng kỳ. Giá VCB tăng vọt ngay nửa đầu phiên sáng và duy trì độ cao rất tốt, trên tham chiếu 1,65%. Ngược lại, HPG báo lãi giảm 59% cùng kỳ và giá giảm 0,46%. Trụ giảm ảnh hưởng nhất là VHM giảm 0,68%. Nhóm blue-chips VN30 vẫn cân bằng với 12 mã tăng/11 mã giảm và chỉ số đại diện tăng 0,04%.
Chỉ số VN-Index đang dao động rất hẹp.
Nhìn chung với hiện tượng phân hóa vẫn đang diễn ra và biên độ của nhóm trụ đảm bảo một mức dao động cân bằng. Nhóm blue-chips VN30 giao dịch rất nhỏ 1.245 tỷ đồng với HPG, VPB và SSI là 3 mã duy nhất khớp thành công trên 100 tỷ. DXG là cổ phiếu ngoài rổ VN30 duy nhất thanh khoản đáng chú ý khi đạt trên 126 tỷ đồng và giá tăng 2,74%.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ nhiều mã vẫn đang đi ngược dòng thị trường mạnh mẽ nhưng thanh khoản dĩ nhiên là động lực chính. Giao dịch quá ít thì giá dễ tăng ngay cả với những lực mua nhỏ. 9 cổ phiếu đang kịch trần ở HoSE thì chỉ 3 mã giao dịch trên 1 tỷ đồng, nhiều nhất là ST8 với 15,2 tỷ. Số ít mã khác có động lực tăng đáng tin hơn có thể điểm ra như VCG tăng 3,84% giao dịch 75,5 tỷ; DCM tăng 3,19% giao dịch 45,9 tỷ; DPM tăng 3,18% giao dịch 37,5 tỷ; HHV tăng 3,13% giao dịch 32,7 tỷ; FCN tăng 2,97% giao dịch 38,5 tỷ...
Dòng tiền về tổng thể là rất yếu, không muốn chủ động giao dịch và bên bán cũng rất thụ động. Tuy vậy vẫn có sự nhiệt tình hơn ở số ít cổ phiếu. Điều này không đủ để thay đổi trạng thái thị trường, nhưng ít nhất vẫn “giữ chân” nhà đầu tư.
Giao dịch của khối ngoại sáng nay cũng “đóng băng”, thể hiện lối suy nghĩ chung chờ đợi thông tin. Tổng giá trị mua vào trên HoSE mới đạt 194,9 tỷ đồng, chiếm 4,5% giá trị sàn. Giá trị bán ra đạt 167,6 tỷ, chiếm 3,9%. Mức mua ròng tương ứng 27,3 tỷ. DGC đang bị xả ròng 28,1 tỷ và cũng là mã duy nhất bị bán ròng trên 10 tỷ. Cổ phiếu thứ hai là VNM chỉ -9,2 tỷ ròng. Phía mua có MWG +22 tỷ, FPT +14,5 tỷ, VCB +10,9 tỷ, LPB +10,5 tỷ.