Với phương châm “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, Quảng Ninh kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển để thu hút nhà đầu tư...
Đồng bộ kết cấu hạ tầng là một trong những ưu tiên giúp Quảng Ninh thu hút làn sóng đầu tư mới.
Chiều 26/7 tại thành phố Hạ Long, hơn 150 đại biểu đại diện cho các tổ chức, doanh nghiệp FDI đã tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ninh năm 2022 do tỉnh Quảng Ninh phối hợp với VCCI tổ chức.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Kỳ họp III Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC đang diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh và là hội nghị xúc tiến đầu tư đầu tiên trong năm 2022 của địa phương này.
Tại Hội nghị, bên cạnh những thông điệp của tỉnh Quảng Ninh đưa ra nhằm quảng bá về tiềm năng, lợi thế của tỉnh, các đại biểu còn tập trung phân tích, đánh giá về những cơ hội và thách thức của các nhà đầu tư khi đầu tư nguồn lực vào Quảng Ninh.
Toàn cảnh hội nghị.
Theo ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI, Quảng Ninh là địa phương có vị tría địa kinh tế, địa chính trị và là địa phương duy nhất có đường biên giới cả trên bộ và trên biển với Trung Quốc, do vậy Quảng Ninh được ví như cây cầu nối khối Acean với thị trường trên 1 tỷ dân, thuận lợi cho các hoạt động giao thương, phát triển kinh tế biên mậu phát triển.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh Quảng Ninh đang được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu cả về tốc độ tăng trưởng kinh tế đến phát triển kết cấu hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, và là địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thân thiện được cộng đồng doanh nghiệp tín nhiệm đánh giá 5 năm liền đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 4 năm, liên tục dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính(PAR Index) và 3 năm liền dẫn đầu về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS)…
Cũng chính nhờ những nỗ lực cải cách đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh giai đoạn 2016-2021 luôn đạt mức tăng trưởng trên hai con số, năm 2021 quy mô GRDP (giá hiện hành) đạt trên 238 ngàn tỷ đồng, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, tốc dộ tăng trưởng kinh tế GRDP của Quảng Ninh đạt 10,66%, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 28671 tỷ đồng, tổng vốn cho đầu tư phát triển ước đạt 42310 tỷ đồng, và đã thu hút được trên 5, 5 triệu lượt du khách đến với tỉnh.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh nói, Quảng Ninh kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, để bổ sung, phát huy tối đa sức mạnh cùng phát triển bền vững.
Theo thông tin từ Hội nghị, trong thời gian tới, Quảng Ninh có chủ trương đưa chuỗi các khu kinh tế trọng điểm là Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái trở thành vai trò dẫn dắt động lực trong tăng trưởng, do vậy tỉnh sẽ tập trung nguồn lực để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào 3 khu kinh tế này, đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư vào 15 khu công nghiệp trên địa bàn.
Để hiện thực hóa chủ trương này, bên cạnh duy trì, đấy mạnh đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng “cứng”, hệ thống hạ tầng mềm. Quảng Ninh sẽ sớm hoàn thiện quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan, công khai, tạo sự minh bạch và điều kiện tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI đến từ các quốc gia, các nền kinh tế thành viên APEC, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút, đào tạo và “níu” chân lực lượng lao động trẻ có trình độ tay nghề cao.
Tại Hội nghị, một số nhà đầu tư đưa ra những băn khoăn về nhu cầu nguồn cung nhân lực lao động để đáp ứng nhu cầu trong sản xuất kinh doanh. Để giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Tường Văn – Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, lực lượng lao động có độ tuổi từ 15 – 39 chiếm 51% dân số Quảng Ninh, trong đó có 38,3% có bằng đại học và sau đại học, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Năng suất lao động xã hội năm 2021 đạt 351,2 triệu đồng/người, gấp 1,8 lần bình quân chung cả vùng (198,5 triệu đồng/lao động), là địa phương có năng suất lao động (GRDP/lao động) cao nhất so với các địa phương khác trong vùng và so với cả nước. Bên cạnh đó, sự liên kết giao thông đồng bộ , sự đãi ngộ trong cơ chế chính sách phúc lợi, cùng với tiện ích công cộng sẽ là điểm cộng trong việc thu hút lực lượng lao động đến từ các địa phương khác trong vùng.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh, các nhà đầu tư đến với Quảng Ninh sẽ được lan tỏa lợi ích từ chính quyền địa phương với nền quản trị hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả, đến với một nền cải cách hành chính quản lý - quản trị - kiến tạo, một môi trường giảm tối đa rủi ro pháp lý và chi phí hành chính.
“Quảng Ninh là nơi hội tụ tinh hoa và là nơi lan tỏa lợi ích, 1 điểm đến an ninh, an toàn và thân thiện của người dân và cộng đồng doanh nghiệp” – Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh khẳng định.