Khi Mỹ báo cáo sản lượng kinh tế giảm trong quý thứ hai liên tiếp, Microsoft, Alphabet, Amazon và Apple đã công bố doanh số và lợi nhuận vẫn cao bất chấp.
Không có sự bùng nổ nào có thể tồn tại mãi mãi, ngay cả đối với các công ty giàu có nhất trong ngành công nghệ. Lĩnh vực công nghệ đã không có khởi đầu suôn sẻ trong năm nay khi các nhà đầu tư rút vốn, “xóa sổ” 2 nghìn tỉ USD giá trị thị trường do lo ngại ngành sẽ chững lại, khi đối mặt với lạm phát gia tăng và nền kinh tế tăng trưởng chậm.
Nhưng trong tuần này, khi Mỹ báo cáo rằng sản lượng kinh tế giảm trong quý thứ hai liên tiếp, Microsoft, Alphabet, Amazon và Apple đã công bố doanh số và lợi nhuận cho thấy các doanh nghiệp của họ vẫn thống trị, bất chấp những tai ương kinh tế đang làm tổn thương các công ty nhỏ hơn.
Microsoft và Amazon đã chứng minh rằng các mảng kinh doanh điện toán đám mây sinh lợi đang tiếp tục mở rộng ngay cả khi nền kinh tế nguội đi. Công ty con của Alphabet, Google, đã chứng minh rằng các hình thức quảng cáo đi kèm kết quả tìm kiếm (Search Ads) vẫn được các công ty du lịch và nhà bán lẻ ưa chuộng. Còn doanh số bán ứng dụng và dịch vụ đăng ký trả phí của Apple thì tăng cao.
Kết quả kinh doanh khá khẩm đã nâng giá cổ phiếu của các công ty này và tạo ra một cú sốc cho thị trường chứng khoán, ngay cả khi Alphabet và Microsoft không đạt được kỳ vọng của Phố Wall.
Trong các hội nghị báo cáo tài chính, giám đốc điều hành của công ty đã cảnh báo các nhà đầu tư về những tháng sắp tới, đề cập đến những thách thức và sự bất ổn định. Những lo ngại về nền kinh tế đang khiến một số người trong số họ, bao gồm cả Alphabet, giảm tốc độ tuyển dụng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác, nhưng chưa có dấu hiệu của việc sa thải.
Microsoft cho biết họ kỳ vọng tăng trưởng doanh thu hai con số trong năm tới và Amazon cho biết họ dự kiến doanh số bán hàng sẽ tăng ít nhất 13% trong quý hiện tại.
Ông Satya Nadella, Giám đốc điều hành của Microsoft, cho biết công ty sẽ đầu tư cổ phần trong năm và xây dựng doanh nghiệp, trong khi ông Brian Olsavsky, giám đốc tài chính của Amazon, cho biết họ sẽ nâng quy mô kho hàng và cải thiện tốc độ giao hàng nhanh hơn.
Ông Satya Nadella, giám đốc điều hành của Microsoft. Ảnh: NY Times.
Mặc dù Apple và Alphabet không đưa ra đường bước cụ thể, họ đã mua lại hàng chục tỉ USD cổ phiếu trong giai đoạn này. Việc Apple mua 21,7 tỉ USD và Alphabet mua 15,2 tỉ USD đã làm chứng cho niềm tin của các công ty rằng hoạt động kinh doanh của họ sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới.
Meta, một trong số các công ty công nghệ lớn nhất, đã báo cáo sự sụt giảm doanh thu hàng quý đầu tiên kể từ khi niêm yết cách đây một thập kỷ, nguyên nhân đến từ sự cạnh tranh ngày càng tăng từ TikTok, cũng như những thách thức từ những thay đổi về quyền riêng tư trên iPhone do Apple thực hiện.
Theo GroupM, một công ty nghiên cứu thị trường, thị trường quảng cáo được dự báo sẽ tăng 8,4% trong năm nay và 6,4% vào năm 2023. Ông Brian Wieser, chủ tịch mảng kinh doanh của GroupM, cho biết: Tăng trưởng doanh số bán hàng của Facebook vào năm ngoái, khi doanh số bán hàng quý tăng 56%, khiến việc tiếp tục tăng trưởng là điều “không hợp lý”.
Những thách thức tương tự đã ập đến thị trường thương mại điện tử. Với niềm tin rằng sự gia tăng đơn đặt hàng trực tuyến trong thời kỳ đại dịch thể hiện sự thay đổi trong cách người tiêu dùng mua sắm, Amazon đã tiến hành một kế hoạch đầy tham vọng để mở hàng chục nhà kho mới. Nhưng khi doanh số bán hàng hạ nhiệt - với số lượng mặt hàng được bán chỉ tăng 1% trong quý gần đây nhất - công ty đã đảo ngược hướng đi và quyết định đóng cửa, trì hoãn hoặc hủy bỏ ít nhất 35 kho mới mở.
Trở ngại lớn nhất của Apple đến từ việc họ phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất hầu hết các thiết bị của mình. Vào tháng 4, công ty cho biết họ sẽ mất khoảng 4 tỉ USD doanh thu do nhà máy đóng cửa ở Thượng Hải, nơi sản xuất iPad và Mac. Nhưng họ vẫn cố gắng tăng doanh số bán iPhone trong kỳ lên 3% và lập kỷ lục hàng quý về số lượng người đổi điện thoại Android lấy iPhone.
Ông Tim Cook, giám đốc điều hành của Apple, nói rằng Apple đã nhìn thấy “một cơn lốc xoáy”, bao gồm các hạn chế về nguồn cung, USD mạnh lên làm tăng giá thiết bị ở nước ngoài và nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại.