Nomura nhấn mạnh đến khả năng suy thoái của một số nền kinh tế quy mô trung bình bao gồm Australia, Canada và Hàn Quốc vốn đã chứng kiến tình trạng thị trường bất động sản tăng trưởng quá nóng.
Nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ suy thoái trong 12 tháng tới khi mà ngân hàng trung ương các nước đẩy mạnh siết chặt chính sách tiền tệ nhằm xử lý vấn đề lạm phát, theo chuyên gia kinh tế trưởng tại tập đoàn Nomura.
Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu các thị trường toàn cầu khu vực châu Á không tính Nhật, ông Rob Subbaraman, nhận xét: “Hiện nay, ngân hàng trung ương các nước, rất nhiều trong số đó, chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất là giảm tỷ lệ lạm phát. Sự tín nhiệm về chính sách tiền tệ là một tài sản vô cùng quý giá không thể bị để mất. Chính vì vậy họ sẽ hành động vô cùng cứng rắn”.
Cũng theo ông Subbaraman, điều đó cũng đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều đợt nâng lãi suất, ngày một nhiều chuyên gia kinh tế nói về khả năng suy thoái, thực tế đó đã diễn ra. Khá nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã suy thoái.
Không chỉ Mỹ, Nomura dự báo về khả năng suy thoái kinh tế tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, Anh, Nhật, Hàn Quốc, Australia và Canada trong năm tới.
Ông Subbaraman phân tích rằng khi nhiều nền kinh tế yếu đi, họ không thể dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng kinh tế, chính vì vậy rủi ro suy thoái kinh tế là rất thực và nhiều khả năng sẽ xảy ra.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong thời gian dài với hy vọng lạm phát sẽ chỉ mang tính chuyển giao. Giờ đây, chính phủ các nước sẽ cần phải chơi trò “đuổi bắt” và cố gắng giành được sự kiểm soát, ông Subbaraman nói với CNBC.
Nomura tin rằng kinh tế Mỹ sẽ suy thoái, mức độ suy thoái nông nhưng nhiều khả năng sẽ suy thoái lâu bắt đầu từ quý cuối cùng của năm 2022.
“Kinh tế Mỹ sẽ suy thoái, tăng trưởng GDP quý sẽ âm từ quý 4/2022. Suy thoái kinh tế sẽ không quá tồi tệ nhưng kéo dài và nhiều khả năng đến 5 quý”, ông Subbaraman khẳng định.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thuộc nhóm các ngân hàng trung ương đang cố gắng kiềm chế lạm phát bằng các đợt nâng lãi suất cơ bản đồng USD.
Fed đã nâng lãi suất chuẩn 75 điểm cơ bản lên ngưỡng từ 1,5% đến 1,75% trong tháng 6/2022, chủ tịch Fed Jerome Powell đã phát thông điệp về khả năng sẽ có thêm đợt nâng lãi suất từ 50 đến 75 điểm cơ bản trong tháng 7/2022.
“Fed chắc chắn sẽ siết chặt chính sách ngay cả khi mà kinh tế Mỹ suy thoái bởi lạm phát dai dẳng, hoàn toàn không dễ để hạ được tỷ lệ lạm phát”, ông Subbraman dự báo.
Trong báo cáo nghiên cứu của mình, Nomura nhấn mạnh đến khả năng suy thoái của một số nền kinh tế quy mô trung bình bao gồm Australia, Canada và Hàn Quốc vốn đã chứng kiến tình trạng thị trường bất động sản tăng trưởng quá nóng. Nhóm các nền kinh tế này có thể suy thoái sâu hơn nếu lãi suất tăng cao khiến cho bong bóng nhà đất xì hơi và bất động sản bị bán tháo.
Cũng theo ông Subbaraman, ngoại lệ duy nhất là kinh tế Trung Quốc hiện đang hồi phục từ suy thoái kinh tế khi mà các biện pháp phong tỏa được gỡ bỏ dù rằng hiện vẫn có những rủi ro các biện pháp phong tỏa được tái áp dụng trở lại bởi Bắc Kinh vẫn giữ chính sách không COVID-19.
Thế nhưng cũng theo ông Subbaraman, nếu ngân hàng trung ương các nước không siết chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát, tác động từ lạm phát cao thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn.