Bối cảnh thị trường nhiều biến động, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp đang trên đà lao dốc bỗng đảo chiều tăng mạnh nhờ việc lãnh đạo mua gom số lượng lớn...
Sau khi cổ phiếu
DIG (Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng - DIC Group) có 5 phiên giảm sàn liên tiếp, từ 15/5 - 21/6, người nội bộ doanh nghiệp đã công bố mua vào với khối lượng lớn. Cụ thể, bà Lê Thị Thành, vợ ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị DIC Corp đã đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu
DIG, thời gian giao dịch từ ngày 28/6- 27/7/2022.
Trước đó, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị DIC Corp đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu
DIG. Thời gian giao dịch từ 30/6 - 29/7, nếu giao dịch thành công, ông Cường sẽ nâng tỷ lệ sở hữu từ 10,28% lên 12,28%.
Khi các lãnh đạo vào vai "người hùng"
Cổ phiếu
DIG đã có nhịp giảm sâu kể từ vùng đỉnh gần 120.000 đồng/cổ phiếu xác lập vào ngày 11/1/2022, khi đóng cửa phiên 21/6 ở mức 31.500 đồng/cổ phiếu.
Ngay sau khi thông tin lãnh đạo Công ty và người có liên quan công bố mua vào với khối lượng lớn, cổ phiếu
DIG đã chấm dứt chuỗi ngày giảm sàn và tăng mạnh trở lại. Trong 5 phiên giao dịch từ 23/6 - 28/6, cổ phiếu này có tới 3 phiên tăng trần. Khi thị trường biến động trong hai phiên giao dịch 29/6 và 30/6, mã này có nhịp giảm nhẹ nhưng đã bật lên trong các phiên sau đó.
Phiên 1/7,
DIG đạt thị giá 36.500 đồng/cổ phiếu, tăng gần 16% so với hôm 21/6. Có thể nói, động thái của lãnh đạo doanh nghiệp đã “đỡ giá” thành công cho cổ phiếu
DIG ở thời điểm này.
Câu chuyện cũng diễn ra tương tự với cổ phiếu
HBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã
HBC). Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị
HBC đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu
HBC trong thời gian từ 23/6 - 22/7, “nhằm bình ổn giá cổ phiếu trên thị trường”. Nếu giao dịch được thực hiện, tỷ lệ sở hữu của ông Hải tại
HBC sẽ được nâng từ 15,84% lên 19,91% (48,9 triệu cổ phiếu).
Thời điểm Chủ tịch
HBC đăng ký mua vào là sau khi cổ phiếu này có 8 phiên giảm liên tiếp, rơi về 15.450 đồng/cổ phiếu.
Việc cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành xây dựng đã rơi về vùng giá được đánh giá là khá rẻ so với tiềm lực của doanh nghiệp, cộng với động thái “đỡ giá” của lãnh đạo đã giúp cổ phiếu
HBC tăng trần trong phiên 21/6 và các phiên sau đó nối dài sắc xanh.
Phiên giao dịch cuối tuần qua (1/7),
HBC tăng kịch trần, đóng cửa ở mức 17.800 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng hơn 15% so với phiên 20/6 - phiên trước khi Chủ tịch
HBC công bố mua vào.
Trước đó, tại doanh nghiệp cùng ngành là Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Mã:
CTD), ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Hội đồng quản trị công bố gom 730.000 cổ phiếu của doanh nghiệp trong thời gian từ 3/6 - 2/7 theo hình thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.
Thời điểm ông Bolat công bố mua vào là lúc cổ phiếu
CTD chạm đáy 42.950 đồng/cổ phiếu. Kể từ phiên giao dịch 21/6 tới nay,
CTD đã có 6 phiên tăng liên tiếp.
Mỗi khi giá cổ phiếu lao dốc mạnh, việc doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp công bố mua vào cổ phiếu thường tạo cho nhà đầu tư tâm lý tin tưởng rằng cổ phiếu đó đã về vùng giá rẻ so với giá trị thực của doanh nghiệp, bởi lãnh đạo doanh nghiệp là người hiểu rõ hơn ai hết về giá trị của doanh nghiệp. Nhờ vậy, các cổ phiếu thường sẽ có phản ứng tích cực ngắn hạn với thông tin cổ đông lớn, người nội bộ mua vào.
Cổ phiếu
ADG (của Công ty cổ phần Clever Group) cũng có 4 phiên tăng mạnh liên tiếp kể từ ngày 22/6/2022, sau khi ông Nguyễn Khánh Trình, Chủ tịch Hội đồng quản trị đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu trong thời gian từ ngày 28/6 - 27/7/2022 với lý do “giá rẻ nên mua thêm”.