Theo chuyên gia BSC, năm nay GDP Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng rất mạnh sau đại dịch và từ 2023 trở đi, kể cả khi suy thoái thì tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn sẽ duy trì ở mức cao trên 5%, cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.
Chu kỳ kinh tế luôn diễn ra và có tác động mạnh mẽ đến thị trường chứng khoán. Tại Talkshow Phố Tài Chính (The Finance Street) trên VTV8, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (BSC) đã có chia sẻ về các giai đoạn chu kỳ kinh tế cũng như hành động của nhà đầu tư trước những biến động này.
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (BSC)
BTV Mùi Khánh Ly: Theo ông, một chu kỳ kinh tế thường diễn ra như thế nào và ảnh hưởng ra sao đến thị trường chứng khoán?
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, CTCK BIDV (BSC): Một chu kỳ sẽ được chia ra làm những giai đoạn khác nhau và thông thường có thể chia thành ba hoặc năm giai đoạn. Nếu chia làm 3 sẽ có giai đoạn suy giảm, giai đoạn phục hồi và giai đoạn tăng trưởng trở lại. Còn nếu chia thành 5 sẽ có giai đoạn suy thoái, phục hồi và khi tăng trưởng thì chia thành giai đoạn tiền tăng trưởng, giai đoạn hậu tăng trưởng và suy giảm.
Trong suốt quá trình lịch sử kinh tế của những quốc gia, như Hoa Kỳ trong hơn 100 năm qua đã trải qua khoảng 15 chu kỳ kinh tế khác nhau và thời gian trung bình của một chu kỳ sẽ kéo dài khoảng 6 năm. Thời gian gần đây thường kéo dài khoảng 10 năm, trong đó phần suy thoái của kinh tế kéo chỉ kéo dài khoảng dưới 1 năm, phần còn lại là thời gian phục hồi và tăng trưởng của thị trường.
Thị trường chứng khoán cũng có phần tương tự như chu kỳ kinh tế. Nhưng về mặt thời gian có những độ trễ khác nhau, chẳng hạn định nghĩa của một kỳ suy thoái được chấp nhận rộng rãi nhất là hai quý tăng trưởng sản lượng GDP âm thì độ trễ kéo dài đến cả quý. Do vậy khi đã xác nhận được một nền kinh tế nào đó bắt đầu rơi vào suy thoái thì vấn đề suy thoái đã diễn ra cách đây ít nhất một quý, và thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế. Do vậy thị trường chứng khoán thường sẽ phản ánh sớm hơn những rủi ro của nền kinh tế. Thông thường việc giảm điểm của thị trường chứng khoán sẽ diễn ra trước khi suy thoái chính thức xảy ra.
Ông có thể chia sẻ thêm về các chu kỳ kinh tế và sự thăng trầm của thị trường chứng khoán trong giai đoạn gần nhất không?
Trong giai đoạn gần đây nhất, nhiều nhà đầu tư sẽ nhớ đến những đợt khủng hoảng kinh tế lớn, chẳng hạn như khủng hoảng Dotcom năm 2000, khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khủng hoảng nợ công ở châu Âu năm 2010-2012 và gần đây nhất chính là đợt khủng hoảng suy thoái do dịch Covid 19 nổ ra vào năm 2020.
Ngoại trừ đợt suy thoái do Covid diễn ra rất nhanh, sau đó các Chính phủ và các Ngân hàng Trung ương đều hành động rất nhanh để đưa các quốc gia thoát khỏi tình trạng suy thoái thì 3 đợt còn lại đều diễn ra trong khoảng thời gian dài hơn và mức độ suy giảm của thị trường chứng khoán cũng mạnh hơn. Mức độ suy giảm trung bình của các thị trường vào thời điểm đấy sẽ vào khoảng 25%.
Thông thường tính chu kỳ của thị trường chứng khoán rất cao, mọi thứ đều lạc quan, thị trường tăng lên rất nhanh, mức độ định giá tăng cao. Đến một thời điểm khi nổ ra những đợt suy thoái và có những thông tin không tích cực, chẳng hạn những công ty lớn phá sản vào năm 2008, lập tức thị trường sẽ giảm điểm nhanh chóng và thông thường kéo dài ít nhất trong vòng khoảng 6 tháng cho đến khoảng 12 tháng.
Kinh tế toàn cầu và Việt Nam hiện đang đứng ở vị trí nào của một chu kỳ kinh tế?
Nền kinh tế thế giới có ba đầu tàu rất lớn, bao gồm Hoa Kỳ, Châu Âu và Trung Quốc. Ba đầu tàu này chiếm phần lớn lượng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây, trong giai đoạn vừa qua cả ba khu vực này đều có những dấu hiệu của việc suy thoái hoặc là đang tới gần hơn so với trước đây. Các quốc gia này đều có quan hệ kinh tế rất chặt chẽ với Việt Nam, là những khách hàng rất lớn trong các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Do vậy, trong giai đoạn tiếp theo sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và gián tiếp ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá lo lắng vì hiện nay, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn đang ở trạng thái khá tốt.
Đặc biệt năm nay chúng ta sẽ có một mức độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với bình thường do năm ngoái, thời điểm quý 3 và một phần của quý 4, Việt Nam ở trong giai đoạn rất khó khăn. Do vậy tăng trưởng kinh tế khó giảm so với giai đoạn trước và nhiều khả năng là mức độ phục hồi của Việt Nam cũng sẽ rất tốt.
Việt Nam hiện mới đang bước vào giai đoạn phục hồi, trong khi các nước lại đang lo vấn đề suy thoái, liệu Việt Nam sẽ phải trải qua giai đoạn tương tự như các nước trong thời gian tới không?
Trước hết tôi phải khẳng định tính chu kỳ của nền kinh tế là một điều hiển nhiên. Chúng ta không lẩn tránh chu kỳ đấy mà vấn đề là trong giai đoạn đó chúng ta nhận thức rõ đang ở trong một chu kỳ như thế nào, để từ đó có những chính sách phù hợp và tôi nghĩ rằng với những điều kiện hiện tại, Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ vượt qua chu kỳ này tốt nhất.
Ngoài vấn đề độ trễ về chính sách, tăng trưởng GDP hai quý đầu năm so với hai quý năm trước đã là 6,4%. Thêm vào đó, thành phần của GDP Việt Nam với tỷ lệ GDP đến từ dịch vụ và sản xuất công nghiệp, xây dựng khoảng 70%, cho thấy mức độ bền vững cao hơn so với cả giai đoạn trước đây. Các yếu tố khác liên quan đến đầu tư vào sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, đầu tư FDI cũng đều khá khả quan so với khu vực chung cũng như so với thế giới. Lạm phát Việt Nam cũng ở mức độ vừa phải so với các quốc gia khác.
Một điểm cũng rất quan trọng là Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ và năng động, đảm bảo cho quá trình tăng trưởng của tiêu dùng trong nước. Ngoại trừ thời gian dịch bệnh nổ ra thì tiêu dùng luôn luôn tăng trưởng ở mức trên 12-13% một năm, một động lực rất quan trọng để giúp cho Việt Nam tăng trưởng tốt, kể cả trong trường hợp các quốc gia khác bắt đầu đi vào vùng suy thoái.
Chúng tôi đánh giá năm nay có thể là một năm GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng rất mạnh sau đại dịch và từ 2023 trở đi kể cả khi suy thoái thì tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn sẽ duy trì ở mức cao trên 5%, cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.
Bên cạnh các yếu tố vĩ mô thì năm nay kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo cũng tăng trưởng khá tốt với mức trung bình tăng trưởng lợi nhuận rơi vào khoảng trên 20%, mức khá so với trung bình của nhiều năm cũng như so với các quốc gia khác trong khu vực.
Mặc dù từ “khủng hoảng” hay “suy thoái” là từ mà rất nhiều người đang nhắc nhưng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn diễn ra đều đặn và sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gần như vẫn không thay đổi. Theo như nhà đầu tư nước ngoài mà chúng tôi tiếp xúc đều cho rằng Việt Nam là điểm đến quan trọng của dòng vốn đầu tư của họ, kể cả khi suy thoái có nổ ra ở các quốc gia khác thì Việt Nam chưa chắc đã rơi vào suy thoái và tin tưởng rằng ngay cả khi mà nền kinh tế có trải qua một giai đoạn khó khăn thì Việt Nam sẽ rất nhanh chóng vượt qua giai đoạn đó.
Từ phía BSC, bên cạnh những hoạt động kinh doanh của chúng tôi trên thị trường thì vẫn diễn ra đều đặn, chúng tôi sắp tới sẽ có những đợt ký kết rất là quan trọng với đối tác chiến lược là HFI - đơn vị thành viên của HANA, là một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất của Hàn Quốc đầu tư vào BSC và chúng tôi cho rằng điều đấy thể hiện sự tin tưởng dài hạn của nhà đầu tư nước ngoài không chỉ đối với tiềm năng phát triển của công ty, mà còn là sự tin tưởng đối với tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung.
Vậy thị trường chứng khoán sẽ đi theo hướng nào sau những diễn biến của nền kinh tế kể trên?
Khi các nền kinh tế khác bước vào chu kỳ suy thoái và thị trường chứng khoán của các quốc gia khác đã phản ứng khá nhanh với diễn biến này, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có cùng một nhịp giảm gần như đồng pha với các thị trường chứng khoán khác. Điều này sẽ tạo cơ hội khi kinh tế bắt đầu hồi trở lại. Đó là thời điểm mà kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng bắt đầu phục hồi và kỳ vọng về thị trường chứng khoán tăng trưởng sẽ diễn ra nhanh hơn so với các nền kinh tế tạo đáy.
Các nhà đầu tư cần phải làm gì vào lúc này?
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, nhà đầu tư nên hạn chế việc dự báo thị trường trong ngắn hạn, thay vào đó chúng ta xác định rằng là đây là một giai đoạn thị trường ở vùng sát đáy nhưng nó không dễ dàng xác định và nó có thể kéo dài thêm một thời gian.
Thay vì chúng ta cố gắng để dự báo mức độ đáy đó thì chúng ta sẽ chia những phần tiền giải ngân ra thành nhiều phần khác nhau, giải ngân trước một phần để tránh tình trạng, nếu thị trường có phục hồi trở lại sớm hơn bình thường lại không có sẵn những cổ phiếu ở trong tài khoản, còn những phần giải ngân sau sẵn sàng giải ngân khi thị trường đã phục hồi trở lại.
Giai đoạn này những ngành thiên về phòng thủ, chẳng hạn như liên quan đến năng lượng, điện, hóa chất là những ngành đang chiếm ưu thế và đang thu hút dòng tiền. Ngoài ra, bất cứ một đợt suy giảm nào cũng sẽ có những đợt phục hồi đi kèm với nó, quy mô phục hồi tùy vào sức mạnh của thị trường. Nhưng nếu nhà đầu tư quan tâm đến yếu tố ngắn hạn thì có thể chú ý vào những ngành suy giảm nhiều nhất trong giai đoạn trước đó.