Ngay sau khi thu hồi hàng nghìn tỷ đồng cho vay FLC, Sacombank đã nhận thế chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa FLC và BEDA T&C - một doanh nghiệp có nhiều liên hệ tới Alphanam Group. Cùng thời điểm, BEDA T&C đã "đập" lại 2.277 tỷ đồng cho FLC với nội dung hợp tác đầu tư.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank từng chia sẻ rằng: "Khoản vay của FLC thực tế rất tốt, song vì sức ép dư luận nên Sacombank phải thu hồi sớm". Ảnh FLC.
CTCP Tập đoàn
FLC (HoSE:
FLC) vừa công bố BCTC quý 2/2022 với doanh thu thuần 576 tỷ đồng, giảm gần 66% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ giá vốn bán hàng giảm mạnh, lợi nhuận gộp của
FLC đạt mức 104 tỷ đồng, cải thiện so với khoản lỗ 148 tỷ đồng tại quý II/2021.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí,
FLC báo lỗ sau thuế 640,2 tỷ đồng trong quý 2, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 20,9 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận sau thuế của
FLC ở mức âm 1.105,6 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía công ty, lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 giảm mạnh và đảo chiều từ lãi sang lỗ là do ảnh hưởng của khoản tăng lỗ 311,6 tỷ đồng từ mảng đầu tư hàng không.
Tại ngày 30/6/2022, khoản đầu tư của
FLC tại CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) ghi nhận giá gốc đạt 4.015 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 21,7% vốn cổ phần. Đáng chú ý,
FLC đang chịu khoản lỗ lũy kế lên tới 958,3 tỷ đồng từ khoản đầu tư vào hãng bay này, tăng 453,4 tỷ đồng so với đầu năm và tăng 303,4 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý 1/2022. Ngoài ra,
FLC còn phải trích lập dự phòng 134,4 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào các mã cổ phiếu AMD, HAI và KLF (giá gốc là 174,1 tỷ đồng; giá trị hợp lý là 39,7 tỷ đồng).
Tại thời điểm cuối quý 2/2022, nợ phải trả của
FLC ở mức 27.569,9 tỷ đồng, tăng 14,5% so với đầu năm. Trong đó, phải trả dài hạn khác ở mức 5.972 tỷ đồng.
Riêng trong quý 2, khoản nhận hợp tác đầu tư với CTCP BEDA T&C đã là 2.277 tỷ đồng. Đây là khoản đặt cọc liên quan đến dự án nhà ở có tổng vốn đầu tư 2.169 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất hơn 38,6 ha, quy mô dân số khoảng 4.500 người, dự kiến hoàn thành vào quý III/2024 tại xã Hiệp Thành - Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu. Tại đây, BEDA T&C đảm trách vai trò phát triển dự án.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, BEDA T&C được thành lập vào tháng 3/2018, hoạt động chính trong lĩnh vực hoàn thiện công trình xây dựng với vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn ở mức 200 triệu đồng, góp bởi bà Đỗ Thị Loan (30%), Nguyễn Trọng Bình (40%) và Nguyễn Phương Anh (30%). Hơn 2 năm sau đó (15/12/2020), số vốn điều lệ tăng lên mức 400 tỷ đồng, Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật là bà Hoàng Thị Thu Trang (SN 1988).
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, BEDA T&C có nhiều liên hệ tới Alphanam Group của doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải.
BEDA T&C hiện đặt trụ sở tại số 108 đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, nơi đồng thời cũng là trụ sở của nhóm doanh nghiệp thuộc Alphanam Group là CTCP Alphanam E&C (Mã:
AME) và CTCP Bất động sản Hoa Anh Đào. Ngoài ra, tại ngày 31/12/2021, Alphanam E&C có khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng trị giá gần 62 tỷ đồng từ BEDA T&C. Về phần mình, bà Hoàng Thị Thu Trang vào tháng 5/2020 đã thế chấp 3 căn hộ thuộc dự án King Palace (do CTCP Bất động sản Hoa Anh Đào làm chủ đầu tư), tại SHB chi nhánh Sài Gòn, song đến tháng 3-4/2022, 2 căn trong số này đã được rút thế chấp.
Ở một chi tiết khác, tại ngày 31/12/2020, CTCP Đầu tư Alphanam - pháp nhân lõi trong hệ sinh thái Alphanam cũng ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn trị giá gần 43 tỷ đồng từ BEDA T&C, đồng thời có khoản phải thu dài hạn 1,9 tỷ đồng từ cá nhân bà Hoàng Thị Thu Trang.
Về Alphanam Group, tập đoàn này được doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải thành lập năm 1995, ban đầu hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thiết bị điện, rồi dần mở rộng ra các mảng thiết bị vệ sinh, lương thực, thang máy...
Trải qua 27 năm hình thành và phát triển dưới sự chèo lái của Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải (SN 1965), hiện Alphanam Group đã trở thành một tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành, hoạt động chính trong 3 lĩnh vực gồm bất động sản, sản xuất & dịch vụ và quản lý khách sạn.
Một "động tác" đảo nợ của Sacombank?
Sau sự kiện vụ án thao túng giá chứng khoán tại Tập đoàn FLC bị khởi tố vào cuối tháng 3/2022, tại ĐHĐCĐ thường niên ngày 22/4/2022 của Sacombank, TGĐ Nguyễn Đức Thạch Diễm công bố đã thu nợ được 2.600 tỷ đồng và sẽ sớm hoàn tất thu hồi số còn lại trong tổng cộng 5.000 tỷ đồng cho vay Tập đoàn FLC và Bamboo Airways.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank từng chia sẻ rằng: "Khoản vay của FLC thực tế rất tốt, song vì sức ép dư luận nên Sacombank phải thu hồi sớm".
Báo cáo tài chính của FLC thể hiện trong quý II, Sacombank đã thu hồi 2 khoản vay dài hạn với FLC, có tổng giá trị 1.840 tỷ đồng. 2 hợp đồng vay được ký vào nửa đầu năm 2021, có thời hạn 60 tháng (HĐ đã giải ngân 1.240 tỷ đồng) và thời hạn 120 tháng (HĐ đã giải ngân 600 tỷ đồng).
Đáng chú ý, song song với việc thu hồi nợ của FLC Group, Sacombank Hà Nội trong ngày 20/4/2022 đã nhận thế chấp hợp đồng phát triển dự án Vĩnh Trạch Đông (Bạc Liêu) giữa BEDA T&C và FLC.
Như đã biết, cùng thời điểm, BEDA T&C đã "đập" lại 2.277 tỷ đồng cho FLC với nội dung hợp tác đầu tư.