Hiện nay, diện tích trồng lúa ở Cần Thơ khoảng 77.000 ha; trong đó, khoảng 35.000 ha lúa cánh đồng lớn, 20% diện tích cánh đồng lớn được liên kết với doanh nghiệp.
Gần hai năm giá vật tư nông nghiệp tăng cao, cộng với giá nhiên liệu tăng trong thời gian gần đây kéo theo chi phí sản xuất lúa của người dân tăng theo. Trong khi đó, giá lúa tăng không nhiều đồng nghĩa với việc trồng lúa không còn thu được lợi nhuận nhiều như trước kia.
Khó khăn là vậy nhưng người nông dân ở Cần Thơ vẫn bám trụ với cánh đồng, hạt lúa với những kinh nghiệm, áp dụng cơ giới hóa, liên kết sản xuất các bên cùng có lợi.
*Nông dân không bỏ ruộng
Hiện nay, diện tích trồng lúa ở Cần Thơ khoảng 77.000 ha; trong đó, khoảng 35.000 ha lúa cánh đồng lớn, 20% diện tích cánh đồng lớn được liên kết với doanh nghiệp. Với người nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng không lo đầu ra bởi nếu bán không được cho doanh nghiệp vẫn có thể bán cho thương lái. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là lợi nhuận trong trồng lúa.
Hiện nay, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật so với cùng kỳ năm trước mức độ tăng không nhiều (khoảng 10%), nhưng so với năm 2020, giá phân bón tăng gấp đôi. Giá xăng dầu cũng tăng, công lao động tăng. Giá vật tư nông nghiệp đang ở mức cao. Nông dân trồng lúa, lợi nhuận không bằng lúc trước.
Mặc dù giá lúa vụ Hè Thu cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 700 đồng/kg (giống lúa OM18), cộng với việc liên kết với công ty nên giá lúa bán cao hơn 100 đồng – 200 đồng/kg so với nông dân bên ngoài nhưng theo ông Nguyễn Phước Nam, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp An Phú (huyện Cờ Đỏ) với giá bán 6.300 đồng/kg lúa, thành viên hợp tác xã chỉ lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/ha, thấp hơn so với những năm trước vì giá vật tư nông nghiệp quá cao. Giá vật tư nông nghiệp đầu vào quá cao nên lợi nhuận của người trồng lúa vì thế bị giảm.
“Phân ure, trước đây chỉ có giá 360- 400.000 đồng/bao (50kg) nhưng hiện nay giá tăng lên 800- 900.000 đồng/bao, các loại phân khác giá cũng cao gấp đôi; thuốc bảo vệ thực vật tăng 30%”, ông Nam cho biết.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, nếu trước đây vụ Đông Xuân, nhờ thời tiết thuận lợi, lúa đạt năng suất cao, nông dân có thể lời 40 triệu đồng/ha nhưng vụ Đông Xuân 2021 – 2022, nông dân chỉ còn lời khoảng 20 triệu đồng/ha (giảm 50%).
Vụ Hè Thu, giá thành sản xuất khoảng 3.800 đồng/kg, trong khi đó, giá bán mỗi ký lúa khoảng 5.900 đồng – 6.000 đồng. Như vậy, nông dân lời trên 2.000 đồng/kg lúa, con số này mặc dù vẫn đảm bảo lợi nhuận nhưng về mặt thu lợi nhuận không bằng vụ lúa Hè Thu 2021. Năm 2021, giá vật tư nông nghiệp cao nhưng công lao động không cao như hiện nay.
Mặc dù, trước “cơn bão giá” tăng cao kéo dài, gây nên nhiều bất lợi cho người trồng lúa ở Cần Thơ nhưng theo nông dân và ngành nông nghiệp Cần Thơ, người trồng lúa không bỏ ruộng.
Với 500 ha diện tích trồng lúa (theo hợp tác với Hợp tác xã có trên 500ha sản xuất lúa, liên kết với công ty Trung An) đã được các thành viên hợp tác xã An Phú xuống giống vụ Thu Đông, ông Nguyễn Phước Nam chia sẻ không thành viên nào bỏ ruộng mặc dù vụ Thu Đông thời tiết không được thuận lợi. Hiện tại, hợp tác xã đang liên kết sản xuất giống lúa OM5451 cho công ty.
“Đối với nông dân có diện tích lúa ít mới bỏ ruộng vì không có thu nhập nhiều từ trồng lúa nhưng những gia đình có diện tích lúa nhiều từ 1 ha trở lên sẽ không bỏ ruộng”, ông Nguyễn Phước Nam nhấn mạnh.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ, vụ Hè Thu ở Cần Thơ xuống giống 73.506ha. Do thời tiết vụ Thu Đông không thuận lợi, rủi ro cao, cộng với giá vật tư nông nghiệp, nhân công cao nên nông dân Cần Thơ xuống giống khoảng 59.000 ha lúa, diện tích còn lại chủ yếu chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như đậu, mè, giúp bổ sung dinh dưỡng cho đất. Nông dân chỉ có thể bỏ vụ để tăng dinh dưỡng cho đất, luân canh sang loại cây trồng khác.
Thu hoạch lúa bằng máy. Ảnh: Bùi Giang- TTXVN
* Giảm chi phí đầu vào
Từ thực tế người trồng lúa, để “ứng phó” với giá chi phí đầu vào nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao hơn trong trồng lúa, giải pháp được lựa chọn hiện nay là liên kết với doanh nghiệp, công ty và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa.
Hợp tác xã nông nghiệp Khiết Tâm (huyện Vĩnh Thạnh) là một trong những hợp tác xã thành công với mô hình làm kinh tế tập thể. Ngoài thế mạnh là sản xuất lúa giống, hợp tác xã còn sản xuất lúa hàng hóa. Với diện tích gieo trồng cả năm là 1.067ha; trong đó, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao là 967 ha (100 ha sản xuất lúa giống), sản lượng lúa của hợp tác xã gần 24.000 tấn lúa/năm.
Để đứng vững và tiếp tục phát triển, Hợp tác xã nông nghiệp Khiết Tâm vừa phát huy nội lực vừa tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ xây nhà kho lưu trữ quy mô 1.000 tấn, lò sấy lúa 50 tấn/mẻ, máy tách hạt lúa giống; xây dựng 4 trạm bơm điện, có công tưới tiêu cho hơn 2.500 ha; đồng thời, hợp tác xã còn đầu tư máy gặt đập liên hợp, máy san ủi đất bằng tia laser, máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật,…phục vụ tối ưu hóa nhu cầu của thành viên và nông dân có nhu cầu.
Theo ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Khiết Tâm, nhờ ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất lúa cho nên bản thân Hợp tác tự tiết kiệm được chi phí đầu vào.
Chẳng hạn như phun thuốc bằng máy bay không người lái, lượng thuốc không nhiều; cấy bằng máy tiết kiệm được giống, tiết kiệm được phân bón; quản lý nước bằng IoT (thiết bị thông minh điều kiển tự động) sẽ không cần tốn tiền bơm nước nhiều;… Từ đó, hoạch toán kinh tế trong sản xuất lúa sẽ tiết kiệm được chi phí đầu vào nên dù giá lúa không cao, giá phân bón cao nhưng hợp tác xã vẫn có lợi nhuận.
Hiện nay, nông dân tự tiết kiệm bằng nhiều cách trong khâu sản xuất, trong đó nổi bật là áp dụng cơ giới hóa ở các khâu như: làm đất, thu hoạch (đạt 100%); các khâu gieo sạ, phun thuốc,... Dựa vào máy móc (máy phun hạt, máy cấy giống, máy bay không người lái phun thuốc, máy gặt đập liên hợp,...), các khâu sản xuất được cơ giới hóa thay cho phương pháp thủ công như trước đây vừa giảm chi phí nhân công, giảm lượng giống…
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ cho hay, nếu gieo sạ bằng tay sẽ tốn khoảng 150 – 170kg giống/ha nhưng sử dụng máy phun hạt sẽ giảm lượng giống còn 100 – 120kg/ha, nếu sử dụng máy cấy thì lượng giống còn khoảng 40 – 50kg/ha.
“Khi áp dụng cơ giới hóa giúp giảm lượng giống, sẽ giúp cây lúa khỏe hơn, dịch bệnh tấn công, cây lúa có khả năng chống chọi, nên nông dân giảm được lượng phân, thuốc và khâu chăm sóc; giảm lượng giống cũng sẽ giúp giảm được lượng nước. Như vậy, chỉ cần cơ giới hóa ở khâu gieo sạ sẽ giảm được rất nhiều chi phí về vật tư đầu vào”, bà Minh Hiếu phân tích.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu cũng cho biết, sản xuất lúa ở Cần Thơ hiện nay chủ yếu áp dụng phương pháp “1 phải 5 giảm” (“1 phải”- sử dụng giống xác nhận đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; “5 giảm”: giảm giống, giảm phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm nước hợp lý, giảm thất thoát sau thu hoạch) để giảm chi phí sản xuất, an toàn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đây là cơ sở giúp người đối phó với tình hình giá vật tư tăng cao, nếu người dân áp dụng sẽ giúp tiết giảm chi phí vật tư đầu vào.
Đồng hành cùng nông dân trong việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa, hàng năm, ngành nông nghiệp Cần Thơ đều tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật trồng lúa.
Cụ thể như hướng dẫn người dân quy trình sản xuất kỹ thuật tiến bộ mới; các biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây lúa để người dân sử dụng thuốc, phân bón vừa đủ; kết hợp Đại học Cần Thơ ứng dụng máy cảm biến (IoT) quản lý dịch hại của cây lúa, dự đoán được năng suất lúa.
Ngoài ra, còn có dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, tập trung hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa, hỗ trợ cho các hợp tác xã máy cấy, máy phun hạt, máy cuộn rơm,…cho các vùng sản xuất lúa tập trung./.