Tỉnh Đồng Tháp thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và điều hành ngành hàng cá tra về quản lý quy hoạch, cấp mã nhận diện, thông tin sản xuất, thị trường và môi trường nuôi.
Nông dân thu hoạch cá tra. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Ngày 18/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất và tăng cường kiểm soát chất lượng giống cá tra.”
Hội nghị nhằm đóng góp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp, việc nhân giống cá tra chất lượng để sản xuất cá tra tiếp tục duy trì vị thế trên thị trường, đáp ứng nhu cầu về chất lượng, số lượng con giống trong thời gian tới.
Theo số liệu báo cáo của Chi cục Quản lý nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố sản xuất, ương dưỡng cá tra, cả nước hiện có có 103 cơ sở sản xuất giống tập trung tại 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp; có 1.913 cơ sở ương dưỡng giống cá tra đang hoạt động, tập trung tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An.
Tính đến ngày 30/7, diện tích thu hoạch giống cá tra đạt 1.953,7ha, sản lượng cá tra bột, cá tra giống sản xuất ước đạt khoảng 15,9 tỷ con cá tra bột và trên 2,2 tỷ con cá tra giống, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Để có giải pháp thúc đẩy sản xuất và tăng cường kiểm soát chất lượng giống cá tra, ông Trần Hữu Phúc, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II có một số giải pháp trong sinh sản nhân tạo cá tra.
Giải pháp này đạt 100% và quan trọng hơn là giá thành rẻ. Vừa qua, Viện Nghiên nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II cải thiện chất lượng di truyền con giống và chuyển giao đàn cá tra bố mẹ cho các địa phương.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Hùng Cá (Thanh Bình, Đồng Tháp). (Ảnh: Văn Trí/TTXVN)
Thực hiện dự án sản xuất cá tra giống chất lượng cao, Viện đã sản xuất và cung cấp cho các đơn vị tiếp nhận cá tra hậu bị có tốc độ tăng trưởng nhanh với số lượng 60.000 con.
Đến năm 2022, 100% cá sẽ đến tuổi khai thác, ương lên cá giống ước tính đạt trên 1,3 tỷ con giống/năm.
Giai đoạn 2023-2025, thông qua đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu chọn giống hệ gen nâng cao sinh trưởng cá tra,” Viện tiếp tục chọn tạo đàn cá tra sinh trưởng nhanh hế hệ G5.
Chia sẻ về giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cá tra, ông Tiềm Ngọc Tiên - Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng VII - cho rằng trước hết kiểm dịch cá tra giống.
Hiện nay, các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống, khi có nhu cầu vận chuyển cá tra các tỉnh đều có đăng ký kiểm dịch với chi cục quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh.
Về cơ bản, chất lượng cá giống qua kiểm dịch đều đạt yêu cầu và được lấy mẫu xét nghiệm âm tính đối với bệnh gan thận mủ, xuất huyết.
Theo ông Tiềm Ngọc Tiên, các cơ sở sản xuất cá tra giống cần xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh chủ động, xem xét việc sử dụng vaccine phòng bệnh cho cá tra, gắn với xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh để xuất khẩu.
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các quy định về việc khai báo dịch bệnh; sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm; chỉ sử dụng con giống đã qua kiểm dịch và có chất lượng tốt; quan tâm xử lý đối với nước cấp, nước thải để tiêu diệt mầm bệnh, giảm thiểu nguy cơ gây bệnh hoặc phát tán mầm bệnh cho cá tra.
Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết toàn tỉnh có khoảng 76 cơ sở sinh sản sản xuất và trên 1.104 cơ sở ương dưỡng cá tra giống với diện tích khoảng 800ha.
Dự kiến trong năm 2022, các cơ sở sản xuất được 1,8 tỷ con cá tra bột chọn giống, tăng cường chất lượng cá tra giống.
Tỉnh Đồng Tháp thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và điều hành ngành hàng cá tra về quản lý quy hoạch, cấp mã nhận diện, thông tin sản xuất, thị trường và môi trường nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Tỉnh tổ chức lại sản xuất theo hướng “hợp tác - liên kết - thị trường” để giảm rủi ro; khuyến khích các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi thương phẩm nhỏ lẻ liên kết lại với nhau hình thành các hội quán, tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tạo ra sản phẩm số lượng lớn, đồng nhất về chất lượng.
Ngoài ra, tăng cường chuỗi liên kết, sản xuất tiêu thụ sản phẩm giữa các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi thương phẩm với các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp sản xuất thức ăn.
Tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến ghi nhận các giải pháp, đề xuất tại hội nghị và đề nghị các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long bố trí nguồn lực thực hiện quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống cá tra; tiếp tục triển khai đề án giống cá tra 3 cấp.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo Tổng cục Thủy sản rà soát, tổng hợp nhu cầu cá tra hậu bị, chọn giống và phối hợp với các viện, trường để kịp thời cung cấp giống, phục vụ nhu cầu sản xuất; khẩn trương triển khai các dự án phát triển giống.
Đồng thời, tham mưu cho bộ các nhiệm vụ khoa học về chọn giống cá tra chất lượng cao; nghiên cứu thuốc, vaccine phòng bệnh trên cá tra và sớm triển khai các nghiên cứu vào sản xuất./.