Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số, nhiều lĩnh vực thuộc khối nhà nước và tư nhân đã áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất và tối ưu quy trình làm việc.
Ngành công nghệ thông tin (CNTT) toàn cầu được IDC dự báo đang trên đà vượt mức 5.300 tỷ USD vào năm 2022, mức tăng trưởng trung bình hàng năm 5% - 6%. Trong đó, Mỹ là thị trường công nghệ lớn nhất, chiếm 33% tổng chi tiêu, tương đương 1.800 tỷ USD cho năm 2022.
Chi tiêu dành cho chuyển đổi số - một trụ cột quan trọng trong sự phát triển của lĩnh vực CNTT được dự báo sẽ tăng trưởng 17,6% trong năm 2022, đạt 1.800 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng bền vững ở mức 16,6% CAGR trong ba năm tới.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, hiện ngành CNTT của Việt Nam đang sỡ hữu những lợi thế cạnh tranh về con người khi tham gia thị trường toàn cầu.
Nguồn nhân lực trẻ có khả năng thích nghi nhanh với công nghệ mới, khi thống kê của HSBC chỉ ra, độ tuổi từ 20 - 29 chiếm tỷ trọng lên tới 51% số lập trình viên tại Việt Nam.
Việt Nam có lợi thế về con người trong lĩnh vực công nghệ thông tin
Chi phí phát triển phần mềm của lập trình viên tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác, chỉ khoảng 18 USD/giờ, bằng 64% tại các quốc gia Châu Á và 10% tại Mỹ.
Do đó, khách hàng tới từ các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU và APAC đã chọn Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho sự hợp tác phát triển công nghệ thông tin.
Hiện tại, hai tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam là
FPT và CMC đã và đang khai phá những thị trường đầy tiềm năng trên thế giới, như: Nhật Bản, Mỹ, EU, APAC...
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, những biến động từ kinh tế vĩ mô thế giới có thể tác động tiêu cực tới triển vọng kết quả kinh doanh của các công ty công nghệ Việt Nam.
Nhật Bản là thị trường lớn đối với nhiều doanh nghiệp gia công phần mềm của Việt Nam. Do vậy, đồng Yên giảm giá sẽ có tác động tiêu cực khi chuyển doanh thu về Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá JPY/VND đã giảm 12,5%.
Lạm phát tại Mỹ tăng nhanh kể từ tháng 2/2022, chỉ số CPI duy trì ở mức cao là 8,5% vào tháng 7/2022. Báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt lo ngại, yếu tố lạm phát sẽ ảnh hưởng tới mức chi tiêu dành cho CNTT tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên đồng USD mạnh hơn có thể bù đắp lại ảnh hưởng này.
Việt Nam đang trong giai đoạn đầu chuyển đổi số
Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số, nhiều lĩnh vực thuộc khối nhà nước và tư nhân đã áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất và tối ưu quy trình làm việc.
Chuyển đổi số đã đạt được những kết quả khả quan trong nửa đầu năm 2022, khi đã có 52/63 địa phương công bố lựa chọn nền tảng số triển khai trong năm 2022. Nhiệm vụ của Chính phủ đặt ra 63/63 địa phương phải có ít nhất một nền tảng số trong năm 2022.
Mục tiêu tới cuối năm Việt Nam sẽ có 70.000 doanh nghiệp chuyển đổi số. Số lượng các doanh nghiệp tham gia chuyển đổi số tại Việt Nam lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 67.300 doanh nghiệp, tăng 3.300 so với thời điểm đầu năm và hoàn thành 55% kế hoạch năm.
Theo công bố của Bộ kế hoạch và đầu tư vào tháng 3/2022, tổng số vốn đầu tư công thuộc NSNN cho lĩnh vực công nghệ giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 10.157 tỷ đổng, trong đó 8.312 tỷ đồng dành cho trung ương và 1.845 tỷ đồng dành cho địa phương.
Những tập đoàn lớn đang dẫn đầu thị trường công nghệ thông tin tại Việt Nam về tiềm lực tài chính và nguồn nhân lực dồi dào như Viettel, VNPT,
FPT, CMC sẽ có được nhiều dự địa để tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Dựa vào nhu cầu và tốc độ chuyển đổi số Việt Nam, Fitch Solutions dự báo quy mô thị trường CNTT Việt Nam (bao gồm các hạng mục về thiết bị phần cứng và giải pháp phần mềm) sẽ đạt 208 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và 370 nghìn tỷ đồng vào năm 2026, tương đương với mức tăng trưởng kép 15%.