• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,56 -7,19/-0,57%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,56   -7,19/-0,57%  |   HNX-INDEX   226,88   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   92,15   -0,17/-0,18%  |   VN30   1.317,34   -9,31/-0,70%  |   HNX30   488,57   -1,41/-0,29%
08 Tháng Mười Một 2024 9:17:03 CH - Mở cửa
Xuất khẩu hóa chất của Trung Quốc giảm mạnh và ảnh hưởng đối với công nghiệp hóa chất toàn cầu
Nguồn tin: Vinachem | 25/08/2022 7:20:00 SA
Hiện tại, xuất khẩu hóa chất của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp phong tỏa chống dịch chưa từng có tiền lệ, chủ yếu do hậu quả của chính sách Zero-Covid chặt chẽ. Tuy nhiên, dịch COVID-19 không phải là yếu tố duy nhất cản trở xuất khẩu hóa chất của nước này.
 
Ảnh hưởng của dịch COVID-19
 
Trên thực tế, những đứt gãy hiện nay của xuất khẩu hóa chất Trung Quốc chủ yếu là do các biện pháp phong tỏa chống dịch COVID-19. Những biện pháp như vậy ảnh hưởng đến xuất khẩu hóa chất theo nhiều cách khác nhau:
 
- Lực lượng lao động: Phần lớn lực lượng lao động trong các khu vực bị phong tỏa đều bị bắt buộc phải ở nhà và không thể đi làm ở các nhà máy hóa chất. Một số nhà máy khác nhận được giấy phép đặc biệt để hoạt động trong điều kiện “chu trình khép kín”, tức là công nhân phải sống cách ly trong nhà máy. Nhưng hệ thống như vậy không bảo đảm sản xuất không bị ngắt quãng khi các nhà cung ứng nằm trong khu vực bị phong tỏa hoặc khi xảy ra các vấn đề về hậu cần.
 
- Công suất cảng: Tháng 5/2022, chính phủ Trung Quốc thông báo lưu lượng côngtenơ qua cảng Thượng Hải đã hồi phục, mặc dù chỉ đạt 82% so với năm trước. Điều này cho thấy tình hình đã xấu đi như thế nào. Ở các nơi khác trên đất nước, đầu tháng 5/2022 thời gian hàng chờ đợi ở cảng để được xuất khẩu thậm chí đã tăng 22% so với tháng 3/2022.
 
- Công suất xe tải: Từ cuối tháng 3/2022 đến đầu tháng 6/2022, Thượng Hải đã mất khoảng 45% công suất xe tải, một phần do những người lái xe từ các vùng có rủi ro lây nhiễm COVID-19 không được phép đi vào thành phố. Vì vậy, khâu vận chuyển hóa chất từ các nhà sản xuất đến cảng thường là điểm nút thắt cổ chai lớn nhất.
 
- Sản xuất hóa chất tập trung ở một số khu vực: Khu “Thượng Hải lớn” - bao gồm cả các tỉnh láng giềng Giang Tô và Chiết Giang - là một trong ba khu vực sản xuất hóa chất xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc. Bên cạnh Thượng Hải, sản xuất hóa chất cũng thường tập trung ở một số khu vực đặc biệt, khiến cho những khu vực này rất dễ bị tổn thương trước các biện pháp phong tỏa của chính quyền địa phương. Vì vậy, không phải các công ty hóa chất quốc gia lớn như Sinopec, Sinochem, PetroChina,... mà các doanh nghiệp tư nhân và các công ty địa phương mới là nguyên nhân chính gây ra phần lớn các đứt gãy trong chuỗi cung ứng hóa chất ở Trung Quốc.   
 
Xu hướng giảm xuất khẩu hóa chất
 
Tại Trung Quốc, những quy định về bảo vệ môi trường đã liên tục thắt chặt trong vài năm qua, hiệu quả về môi trường đã trở thành tiêu chí quan trọng để đánh giá các quan chức địa phương. Kết quả là, nếu có mâu thuẫn với tăng trưởng kinh tế thì các vấn đề môi trường sẽ được ưu tiên hơn. Tình hình này đã ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến nhiều công ty hóa chất nhỏ chuyên sản xuất hóa chất tinh khiết. Ví dụ, trong 4 năm qua số các nhà sản xuất chất thơm halogen hóa tại Trung Quốc đã giảm từ 10 xuống còn 4. Khoảng một nửa trong số khoảng 200 công ty hóa chất tại tỉnh Giang Tô - tỉnh có ngành sản xuất hóa chất lớn thứ hai Trung Quốc - đã phải giải thể trong những năm qua.  
 
Những yếu tố khác có thể khiến cho các công ty hóa chất Trung Quốc giảm định hướng xuất khẩu là chính sách của chính phủ khuyến khích các công ty tập trung vào thị trường trong nước, giảm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, đồng thời chính phủ ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất hóa chất giá trị cao so với phát triển công suất sản xuất hóa chất khối lượng lớn (một phần hiện đang được xuất khẩu). 
 
Vai trò của Trung Quốc trên thị trường hóa chất toàn cầu
 
Tác động của dịch COVID-19 và các biện pháp phong tỏa tại Trung Quốc đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hóa chất toàn cầu do tầm quan trọng của quốc gia này trong công nghiệp hóa chất thế giới. Hiện Trung Quốc chiếm khoảng 45% thị phần trên thị trường hóa chất toàn cầu, tăng gấn gấp đôi từ mức 26% năm 2010. Đây là thị phần cao hơn nhiều so với tỷ lệ 26% của Trung Quốc trong GDP toàn cầu, điều đó càng cho thấy tầm quan trọng của sản xuất hóa chất đối với quốc gia này. 
 
Ngoài quy mô lớn, công nghiệp hóa chất Trung Quốc còn đang đạt tốc độ tăng trưởng cao, trung bình 8,1%/năm trong thời gian 2010-2020 so với mức tăng trưởng trung bình 3,4%/năm trên toàn cầu. Hơn nữa, tầm quan trọng của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng do nước này đã tăng tỷ lệ đầu tư vào hóa chất. Vì vậy, Hội đồng công nghiệp hóa chất châu âu (CEFIC) dự báo thị phần của Trung Quốc trên thị trường hóa chất toàn cầu sẽ tăng đến 49% vào năm 2030.
 
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia xuất khẩu hóa chất lớn nhất thế giới vì chỉ chiếm 8% thị trường xuất khẩu hóa chất toàn cầu, thấp hơn Mỹ và Đức. Hơn nữa, do nhập khẩu nhiều hóa chất, đặc biệt là hóa chất chuyên dụng, nên trên thực tế Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu ròng đối với hóa chất. 
 
đối với một số hóa chất, Trung Quốc có sản lượng lớn nhất nhưng đồng thời cũng là quốc gia tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Một trong những ví dụ là PVC, Trung Quốc chiếm 42% công suất sản xuất nhưng chiếm 43% lượng tiêu thụ PVC toàn cầu. Tương tự đối với acid adipic, Trung Quốc chiếm khoảng 50% công suất, lớn hơn không nhiều thị phần trên thị trường tiêu thụ toàn cầu.
 
Nhưng đối với một số ít hóa chất, Trung Quốc là quốc gia sản xuất lớn nhất và sản xuất chủ yếu để xuất khẩu. Ví dụ, đây là quốc gia sản xuất vitamin C lớn nhất thế giới, chiếm hơn 80% sản lượng toàn cầu.
 
Giá trị xuất khẩu thuốc kháng sinh của Trung Quốc trong năm 2020 đạt 3,98 tỉ USD, cao hơn tổng giá trị xuất khẩu 3,68 tỉ USD của 4 quốc gia có sản lượng lớn tiếp theo là Thụy Sĩ, Italia, Ấn Độ và Bỉ. Bên cạnh đó, ước tính các nhà sản xuất Trung Quốc chiếm 40% toàn bộ các dược chất được sử dụng trên toàn thế giới, vượt xa thị phần của quốc gia này trong tiêu thụ toàn cầu, điều đó cho thấy lượng xuất khẩu khá cao. 
 
Tương tự ở một số sản phẩm cuối dòng như găng tay PVC, Trung Quốc chiếm 90% công suất toàn cầu và 90% sản lượng loại găng tay này ở Trung Quốc được dành cho thị trường xuất khẩu.
 
Tìm kiếm nguồn cung thay thế
 
Trên thực tế, sự phụ thuộc của thị trường hóa chất toàn cầu vào nguồn cung một số hóa chất tinh khiết và hóa chất chuyên dụng từ Trung Quốc còn lớn hơn so với những hóa chất khối lượng lớn. 
 
Trong bối cảnh nhiều nhà máy hóa chất của Trung Quốc phải tạm dừng hoặc hạn chế sản xuất vì các biện pháp phong tỏa chống dịch COVID-19, các nhà sản xuất ở các nơi khác trên thế giới đã phải vất vả tìm kiếm nguồn cung thay thế cho hóa chất nhập khẩu từ Trung Quốc.
 
Vì vậy, các công ty hóa chất trên thế giới dựa vào nhập khẩu hóa chất từ Trung Quốc đang phải tìm những cách khác để giảm thiểu tác động của sự đứt gãy nguồn cung này. Một số công ty đã phải chuyển hướng khỏi khu vực Thượng Hải, sử dụng đường sắt thay cho xe tải và đặt hàng sớm hơn. 
 
Về dài hạn, các doanh nghiệp nước ngoài đang xem xét lại kế hoạch đầu tư ở Trung Quốc. Không chỉ các công ty hóa chất mà nhiều ngành sản xuất cũng đang dự tính kế hoạch chuyển đổi như vậy. Mới đây, Công ty Apple đã dự thảo kế hoạch tăng cường sản xuất ở Ấn Độ và Việt Nam nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc - nơi mà hiện nay hơn 90% sản phẩm của Apple đang được sản xuất. Chắc chắn một số công ty hóa chất sẽ đi theo cách tiếp cận này. Đã có nhiều công ty Ấn Độ và một số nhà sản xuất hóa chất chuyên dụng của phương Tây tỏ ra phấn khích khi nhìn thấy cơ hội thay thế các nhà cung ứng của Trung Quốc. 
 
Trong bối cảnh Trung Quốc sẽ ít có khả năng từ bỏ chính sách Zero-Covid trước khi diễn ra Đại hội Đảng vào mùa thu năm nay, rủi ro đóng cửa nhà máy hoặc tạm dừng sản xuất một cách đột ngột cũng như các đứt gãy khác của chuỗi cung ứng có khả năng sẽ còn kéo dài trong thời gian tới. Vì vậy, các công ty nhập khẩu hóa chất từ Trung Quốc sẽ luôn phải chuẩn bị các kế hoạch dự phòng cho những trường hợp xấu nhất