Phiên hôm nay là đủ vòng quay cuối cùng T+3 cho lượng hàng bắt đáy tuần này chốt được giá tốt. Từ tuần tới nhà đầu tư đã có thể bán ngay T+2, nghĩa là buổi chiều sẽ có một lượng hàng lớn về. Hiệu ứng tăng bán có thể sẽ đậm nét hơn...
VN-Index thể hiện xu hướng chốt lời tăng dần về cuối phiên.
Phiên hôm nay là đủ vòng quay cuối cùng T+3 cho lượng hàng bắt đáy tuần này chốt được giá tốt. Từ tuần tới nhà đầu tư đã có thể bán ngay T+2, nghĩa là buổi chiều sẽ có một lượng hàng lớn về. Hiệu ứng tăng bán có thể sẽ đậm nét hơn.
Với giao dịch T+3, lượng hàng trong một vòng quay về sẽ phải giữ lại đến sáng hôm sau. Nhà đầu tư có một quãng thời gian nghỉ qua đêm để suy nghĩ, thậm chí là có thể chờ chứng khoán thế giới diễn biến thế nào trong đêm để có kế hoạch hành động.
Khi áp dụng T+2, lượng hàng sẽ về trước 1h chiều, nghĩa là phiên chiều sẽ phải đón một lượng hàng mới. Do đó xu hướng của phiên sáng sẽ có ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định của nhà đầu tư. Áp lực tâm lý có thể lớn hơn trong xu hướng giảm.
Hôm nay thị trường chịu áp lực bán nhất định từ lượng hàng ngắn hạn bắt đáy thành công ở nhịp điều chỉnh tuần trước. Hôm qua và hôm nay chốt lời đạt lợi nhuận tốt hơn cả vì ít nhất lực cầu vẫn còn ở vùng giá cao trong buổi sáng. Chỉ đến chiều lực bán hạ giá mới rõ hơn. VN-Index không thể duy trì sắc xanh, đảo chiều giảm 6,31 điểm, tương đương 0,49% so với tham chiếu.
Thực ra tín hiệu rõ hơn so với chỉ số là độ rộng: Ngay từ sau 10h sáng, số cổ phiếu giảm giá đã bắt đầu nhỉnh hơn số tăng. Chốt phiên sáng HoSE ghi nhận 153 mã tăng/271 mã giảm và kết phiên còn 131 mã tăng/321 mã giảm. Số mã giảm giá nhiều hơn đã xác nhận VN-Index chịu áp lực giảm từ số lớn cổ phiếu, không chỉ đơn thuần là ép trụ.
Dĩ nhiên VN30 vẫn là nhóm gây ảnh hưởng nhất. VIC giảm 1,37%, VHM giảm 1,15%, GAS giảm 1,12%, VNM giảm 1,28%, HPG giảm 1,47%, VPB giảm 1,1%... Toàn các cổ phiếu nằm trong Top 10 vốn hóa của chỉ số giảm nhiều nhất, sức ép gần như chắc chắn đảm bảo VN-Index sẽ đỏ. Cả rổ Vn30 chỉ có 7 mã tăng/22 mã giảm, trong đó 11 mã giảm hơn 1%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng giảm rất nhiều.
Lực bán xuất hiện rõ nhất trong nhóm blue-chips khi hầu hết cổ phiếu trong rổ VN30 đều có đỉnh sớm đầu phiên sáng và đóng cửa gần đáy hoặc tại đáy của phiên. Thống kê cho thấy tới 24/30 mã lao dốc trên 1% trong phiên, một số trượt giảm rất mạnh như VPB rớt tới 3,07% so với giá đỉnh đầu phiên; BVH rơi 2,4%, HPG giảm 2,08%, STB giảm 2,71%, SSI giảm 3,31%. Mạnh như POW, MWG hay vẫn còn “xanh” như FPT, VCB cũng vẫn bị lực xả ép giá xuống. MWG là trụ mạnh nhất của VN-Index khi tăng 5,56% lúc đóng cửa, nhưng lúc đỉnh điểm, cổ phiếu này còn tăng kịch trần 6,87%. Thanh khoản của MWG thậm chí lập kỷ lục lịch sử với 10,85 triệu cổ tương ứng 778,2 tỷ đồng. Kể từ đầu tháng 8 tới nay 1,8,4%.
Nhìn chung với hơn 130 mã còn xanh ở HoSE, cơ hội vẫn xuất hiện. Tuy nhiên số tăng có sự đảm bảo về thanh khoản thì không nhiều. Ngoài MWG, có thể kể tới EIB, SKG, TLG, CKG, BAF, SCR, NLG tăng từ 2% trở lên với thanh khoản tối thiểu 20 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu hấp dẫn hôm qua như phân bón cũng thoái trào khá nhanh. DPM từ tăng 3,72% đầu phiên co lại nhanh chóng, còn 0,78%. DCM hết ngày mất sạch mức tăng 3,95%, BFC cũng mất hết mức tăng 3,48%. Nhóm này thể hiện khá rõ áp lực chốt lời tranh thủ, vì biên độ tăng T+3 hay T+4 ở các mã này cũng đủ tốt.
Tổng thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE hôm nay tăng nhẹ 7% so với hôm qua, đạt 14.681 tỷ đồng. Tính cả thỏa thuận, tổng giao dịch tăng 4% với 16.075 tỷ đồng. Thanh khoản không đột biến nhưng cổ phiếu diễn biến kiểu tăng trước giảm sau trên diện rộng tại HoSE, cho thấy lực cầu bắt đầu suy yếu ở vùng giá cao. Trong khi đó tâm lý chốt lời T+ lại lớn hơn, ngay cả ở những cổ phiếu mạnh nhất.