Ngân hàng Commerzbank khẳng định Saudi Arabia đang hướng đến mục tiêu không để giá dầu hạ quá sâu xuống dưới ngưỡng 90USD/thùng.
Ảnh: GettyImages
Giá dầu tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu nhờ những dấu hiệu từ Saudi Arabia cho thấy rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên giao dịch có nhiều biến động khi mà nhà đầu tư đón nhận thông điệp từ chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về những kế hoạch kinh tế sắp tới.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tăng 1,65USD/thùng lên 100,99USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai tăng 54 cent lên 93,06USD/thùng. Cả hai loại giá dầu đều tăng và giảm hơn 1USD trong phiên.
Các tiểu vương quốc Arab thống nhất trở thành thành viên mới nhất trong OPEC+ tuyên bố sẽ liên minh với Saudi Arabia trên thị trường dầu, theo những nguồn tin có hiểu biết về vụ việc chia sẻ.
Vào ngày thứ Hai, Saudi Arabia đã nói đến khả năng sẽ giảm quy mô sản xuất nhằm bù lại cho việc dầu thô của Iran lại được bán ra thị trường nếu Tehran có được thỏa thuận hạt nhân với phương Tây.
“Nhìn chung, thị trường nhìn nhận rằng Saudi Arabia sẽ không chấp thuận để cho giá dầu xuống dưới 90USD/thùng. Nhà đầu tư trên thị trường có thể coi đây như dấu hiệu cho thấy giá dầu sẽ vẫn vững vàng mà không cần phải lo sợ về bất kỳ đợt giảm giá sâu nào”, ngân hàng Commerzbank nhấn mạnh trong nghiên cứu mới đây.
Giá dầu trong phiên hôm qua đã có lúc hạ sau khi chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định sẽ vẫn duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ thêm khoảng thời gian nữa nhằm kiềm chế lạm phát, dù rằng tăng trưởng kinh tế đi xuống, thị trường việc làm yếu đi, các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ có thể chịu hậu quả đau đớn.
Số liệu mới nhất cho thấy lạm phát phần nào hạ nhiệt, chỉ số chi tiêu tiêu dùng của Fed trong tháng 7/2022 tăng 6,3%, thấp hơn so với mức 6,8% của tháng 6/2022. Chỉ số lạm phát kỳ vọng dựa trên tính toán của đại học Michigan cũng hạ nhiệt trong tháng 7/2022.
Tuy nhiên theo khẳng định của ông Powell, việc lạm phát thấp hơn kỳ vọng trong chỉ 1 tháng không phải thứ mà Fed muốn thấy.
“Thị trường lo ngại rằng Fed sẽ trở nên cứng rắn hơn nếu nói đến lạm phát”, chuyên gia phân tích tại quỹ Price Futures ở Chicago – ông Phil Flynn phân tích.
Trong khi đó, một số các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang muốn tính đến khả năng nâng lãi suất 75 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách vào ngày 8/9/2022 dù rằng rủi ro suy thoái kinh tế tăng lên, triển vọng lạm phát xấu đi.
Tại Mỹ, số lượng các giàn khoan dầu đang hoạt động, chỉ báo quan trọng về hoạt động sản xuất năng lượng trong tương lai, tăng thêm 4 lên 605 giàn khoan trong tuần kết thúc ngày 26/8/2022.
Thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh trong phiên ngày thứ Sáu sau khi chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp tại Jackson Hole khẳng định rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ không chùn bước trong cuộc chiến chống lại lạm phát cao.
Theo CNBC, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hạ 1.008,38 điểm tương đương 3,03% xuống 32.283,4 điểm, chỉ số mất điểm mạnh hơn khi khoảng thời gian cuối phiên dần đến. Chỉ số S&P 500 mất 3,37% xuống 4.057,66 điểm còn chỉ số Nasdaq hạ 3,94% xuống còn 12.141,71 điểm.
Các chỉ số chính trên thị trường giảm điểm đến tuần thứ 2 liên tiếp. Tính cả tuần, chỉ số Dow Jones sụt 4,2%; chỉ số S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 4% và 4,4%.
Ông Powell tái khẳng định lại quan điểm chống lạm phát, nhiều nhà đầu tư như vậy tính đến khả năng lãi suất sẽ được duy trì ở mức cao trong thời gian dài.