Ngày 26/8, Bộ Kinh tế Peru đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm nay xuống còn 3,3%, so với mức 3,6% đưa ra trước đó.
Trong Báo cáo về kinh tế vĩ mô giai đoạn 2023-2026, Bộ trên nhấn mạnh nền kinh tế Peru đã chịu tác động mạnh từ "cú sốc nguồn cung tạm thời" trong nửa đầu năm nay.
Ngoài ra, nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng bởi các điều kiện không thuận lợi như nhu cầu và giá nguyên liệu thô trên thị trường thế giới sụt giảm, cùng với đó là áp lực lạm phát.
Trong giai đoạn từ tháng 4-6, căng thẳng xã hội liên quan đến mỏ Las Bambas, một trong những mỏ đồng lớn nhất thế giới và đóng góp lớn cho ngân sách chính phủ Peru, đã buộc cơ sở này phải tạm thời đóng cửa. Tình trạng gián đoạn sản xuất tại mỏ Las Bambas đã tác động không nhỏ tới triển vọng của ngành khai khoáng vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia Nam Mỹ này.
Cùng với đó, giá nhiên liệu và lương thực tại Peru tăng vọt do hậu quả của cuộc xung đột tại Ukraine khiến lạm phát lên mức cao nhất trong 25 năm qua.
Bộ Kinh tế Peru dự báo lạm phát tại nước này sẽ tăng 7,7% trong năm nay và 4,9% trong năm 2023. Trong khi đó, thâm hụt tài khóa sẽ ở mức tương đương 2,5% GDP trong năm nay và ở mức 2,4% GDP trong năm tới.
Người đứng đầu Bộ Kinh tế Peru, ông Kurt Burneo khẳng định, chính phủ nước này sẽ tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu những tác động kinh tế tiêu cực trong năm nay, đồng thời đảm bảo duy trì tăng trưởng GDP vào năm 2023.
Ông Burneo nêu rõ các biện pháp này bao gồm giải tỏa xung đột xã hội liên quan đến lĩnh vực khai thác khoáng sản, thúc đẩy tiêu dùng cá nhân và chi tiêu công, cũng như hỗ trợ các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong một báo cáo công bố gần đây, Viện Thống kê và tin học quốc gia Peru (INEI) cho biết nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 3,54% trong nửa đầu năm nay.