Lời mời gọi kiếm 10.000 USD/tháng chỉ với một chiếc điện thoại, không cần chuyên môn đang thu hút nhiều người trẻ bỏ cả công việc chính để tham gia.
Chắc hẳn nhiều người sẽ vội đồng ý bỏ công việc giờ hành chính khi kiếm được 10.000 USD/tháng từ nghề tay trái, Business Insider nhận định. Do đó, không ít bạn trẻ đang bị thu hút bởi cơn sốt làm giàu đang rộ lên trên TikTok có tên UGC.
UGC (User Generated Content) là nội dung do người dùng - những khách hàng trực tiếp mua, sử dụng và đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp - tạo ra.
Nó đã thống trị nền tảng suốt nhiều tháng và hashtag #UGC hiện có gần 200 triệu lượt xem. Dường như không có ai mở ứng dụng mà không bắt gặp ít nhất một TikToker đang nỗ lực tạo video UGC.
Sự gia tăng trong loại hình sáng tạo nội dung này đã dẫn đến cơn sốt làm giàu đối với người trẻ. Một số nhà sáng tạo UGC tự hào khoe rằng họ kiếm được hàng nghìn USD mỗi tháng bằng cách sản xuất clip ngắn cho các thương hiệu.
Nhiều người trẻ khao khát có nguồn thu nhập trong mơ từ công việc sáng tạo nội dung. Ảnh: Ivan Samkov/Pexels.
Các tài khoản như UGCang hay SocialCheatSheet nhận được hàng triệu lượt xem cùng hàng nghìn bình luận từ những người trẻ khao khát có nguồn thu nhập trong mơ.
Tuy nhiên, các chuyên gia marketing cho rằng cơn sốt làm giàu này sẽ không kéo dài.
Họ cũng cảnh báo về việc các TikToker quá tâng bốc về công việc, từ đó khuyến khích Gen Z đưa ra lựa chọn mạo hiểm trong cuộc sống, chẳng hạn từ bỏ công việc ổn định của mình chỉ để theo đuổi con đường sao mạng không dễ sinh lợi như tưởng tượng.
Thiếu minh bạch
Đúng như tên gọi của mình, UGC là nội dung do người dùng tạo ra nhằm quảng bá thương hiệu và sản phẩm. Tuy nhiên, thay vì đăng lên trang cá nhân của các sao mạng, những clip này được chia sẻ trên các kênh truyền thông của thương hiệu đó.
UGC từng được sử dụng để chỉ những nhà sáng tạo nội dung hoạt động độc lập, chia sẻ về những sản phẩm mà họ thực sự yêu thích và sử dụng. Thế nhưng, thuật ngữ này dần thay đổi trong vài năm trở lại đây. Hiện ngày càng nhiều chiến dịch UGC được tạo ra bởi chính các nhãn hàng.
Đáng chú ý, loại hình sáng tạo nội dung không quá mới mẻ này dường như lại trở thành xu hướng trong vài tháng gần đây, trong bối cảnh các thương hiệu không còn mặn mà với việc kết hợp quảng cáo với những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Họ muốn tìm kiếm những phản hồi “chân thực” hơn.
Các thương hiệu có xu hướng tìm kiếm loại nội dung quảng cáo chân thực giúp tăng tính tin cậy cho sản phẩm. Ảnh: Liza Summer/Pexels.
Louisa Warwick, người sáng lập công ty tiếp thị truyền thông xã hội Social Acceleration Group, nói với Business Insider rằng UGC tăng trưởng nhanh chóng trong 12 tháng qua.
“UGC giúp tạo tính chân thực cho nhãn hàng, tăng mức độ tin cậy đối với sản phẩm hoặc dịch vụ, cảm giác trung thành của cộng đồng. Thông thường, các thương hiệu trước đây sẽ kết hợp với influencer, nhưng hiện số lượng yêu cầu nội dung UGC vượt lên ở mức cao nhất chưa từng thấy”, cô nói.
Khác với mô hình trước, UGC không yêu cầu nhà sáng tạo nội dung phải sở hữu lượng người theo dõi lớn bởi các nhãn hàng thuê họ vì nội dung hấp dẫn, không phải danh tiếng của họ.
Annalyse Cordon, nhà quản lý truyền thông, nói rằng việc một nhà sáng tạo UGC có mức thu nhập 5 con số một tháng không phải chuyện hiếm.
Tuy nhiên, những cá nhân thành công này thường đã dành thời gian dài để xây dựng kỹ năng cũng như mối quan hệ với các thương hiệu. Hơn nữa, họ sẽ có lượng khách quen ổn định.
Không phải hợp đồng làm clip UGC nào cũng đem lại thu nhập cao. Ảnh: cottonbro/Pexels.
Mặt khác, trên website thị trường làm việc tự do Upwork, Insider nhận thấy phần lớn công việc dành cho nhà sáng tạo UGC được trả 10-100 USD. Rất ít hợp đồng có giá từ 1.000 USD trở lên.
“Tôi có chút lo ngại đối với những bạn trẻ bị tiêm nhiễm vào đầu rằng họ có thể kiếm tới 10.000 USD/tháng dù chưa từng thực hiện nội dung nào trước đây. Đương nhiên, không gì là không thể nhưng rất khó để đạt được ước mơ này tức thời”, Cordon nói.
Courtney Park, nhân viên công nghệ kiêm quản lý truyền thông tự do, bày tỏ lo ngại về việc một số nhà sáng tạo nội dung đang vẽ viễn cảnh trong mơ cho khán giả trẻ, rằng công việc làm UGC không cần yêu cầu bất kỳ chuyên môn nào, chỉ cần có laptop hoặc điện thoại là đủ.
Cô cũng khẳng định hầu hết người này chưa từng thực sự đưa ra dữ liệu và bằng chứng về kiến thức chuyên môn hay sự thành công của mình.
“Những video đó không minh bạch”, cô thẳng thắn chia sẻ.
Mánh khóe kiếm tiền
Trong khi nhiều người cố gắng kiếm tiền bằng cách sản xuất nội dung UGC, một số khác lại làm giàu bằng cách bán các khóa đào tạo hoặc bộ tài liệu hướng dẫn cách sản xuất nội dung UGC.
Tuy nhiên, Misty Lam, CEO và nhà sáng lập công ty tiếp thị aestheticreative, cho biết cô không rõ liệu những “bậc thầy tự xưng” này chủ yếu kiếm tiền từ việc sáng tạo nội dung hay chủ yếu từ việc bán các khóa học.
“Nhiều học viên cho biết những khóa đào tạo này không cung cấp kiến thức gì họ, hoặc họ cảm thấy như bị lừa đảo”, cô nói.
Taylor Loren, cựu giám đốc tiếp thị của Later.com và Girlboss, cũng nhận định tương tự. Cô giải thích rằng đây là lĩnh vực khá mới và không có nhiều kiến thức chuyên môn cho nó nên cũng khó để xác định ai là người thực sự có thể tin tưởng.
Bán tài liệu hay khóa học là cách kiếm tiền nhanh và hiệu quả hơn của những người tự xưng là "bậc thầy" trong ngành sáng tạo nội dung. Ảnh: Karolina/Pexels.
TikToker có tên Crystal Harris gần đây tiết lộ cách một "nhà sáng tạo UGC" thực sự đã kiếm tiền như thế nào.
“Họ khoe rằng kiếm được 6.000 USD từ UGC nhưng đồng thời rao bán tài liệu ‘hỗ trợ’ sáng tạo nội dung với giá 150 USD. Điều này đồng nghĩa rằng trong số trung bình 20.000 lượt xem mỗi ngày, họ chỉ cần phải thu hút 40 người mua tài liệu để có thu nhập 6.000 USD”, cô nói.
Harris khuyên các khán giả chỉ nên mua khóa học trực tuyến hay tài liệu từ những chuyên gia thực sự đáng tin cậy. Thay vì chỉ xem qua vài đoạn clip, khán giả nên tìm hiểu thêm về kinh nghiệm làm việc của họ, danh sách khách hàng họ từng làm việc cùng nếu có ý định mua khóa học hoặc bỏ việc để theo đuổi nghề sáng tạo.
Song song với đó, cựu giám đốc marketing Loren cho rằng những đoạn clip ngụ ý khuyến khích người trẻ bỏ việc để trở thành nhà sáng tạo nội dung là rất nguy hiểm.
“Tôi muốn cảnh báo mọi người không nên ‘tất tay’ vào nó. Chỉ cần nhìn ngay trong ngành marketing thôi, rất nhiều ngân sách dành cho influencer đang bị các thương hiệu cắt giảm”, cô nói.
Thay vào đó, Loren khuyến nghị nên bắt đầu với việc thử làm clip sáng tạo nội dung vào ngày nghỉ, coi nó là nghề tay trái.
“Nó vẫn cần những kỹ năng nhất định như bất kỳ công việc nào. Không phải ai mới bắt tay làm cũng có thể tạo ra ngay nội dung đẹp và lôi cuốn. Nếu mọi người đều có thể tạo ra nội dung hấp dẫn như vậy, ai cũng sẽ có hàng triệu lượt theo dõi”, cô nói thêm.