So với cuối năm 2021, khối nợ của Nam Long Group tăng 19,3% đạt mốc hơn 12.070 tỷ đồng, tăng gần 19,3%. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này lại giảm 824 tỷ đồng, tương đương 6%. Cũng trong thời gian này, Nam Long Group chào bán rầm rộ và thu tiền khách hàng tại dự án Izumi City.
Bức tranh tài chính nhiều rủi ro
Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 2/2022, hiện Công ty CP Đầu tư Nam Long (Nam Long Group, HOSE:
NLG) đang phải đối mặt với nhiều rủi ro tài chính như: dòng tiền hoạt động kinh doanh âm nặng, hàng tồn kho mức lớn. Và đặc biệt là nguồn vốn ngày càng “teo tóp” trong khi khối nợ càng “phình to”.
Khối nợ Nam Long Group “phình to” nhưng vốn chủ sở hữu lại “teo tóp”.
Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2022, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Nam Long Group ghi nhận âm 143,6 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm gần 50 tỷ đồng.
Do đó, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm Nam Long Group vay 1.554,5 tỷ đồng để bù đắp lại khoản thâm hụt từ hoạt động kinh doanh chính và phục vụ thêm cho hoạt động đầu tư.
Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay của Nam Long Group hiện nay chính là vốn chủ sở hữu suy giảm từ cuối năm 2021. Cuối quý 2/2022, vốn của doanh nghiệp giảm tới gần 824 tỷ đồng xuống mức 12.771,5 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 6%.
Phối cảnh dự án “ma” Izumi City do Nam Long Group làm chủ đầu tư.
Trong khi đó nợ phải trả của Nam Long Group tăng 19,3% so với cuối năm 2021 lên mức 12.070,6 tỷ đồng, tương đương tăng gần 2.000 tỷ đồng. Cụ thể, nợ ngắn hạn của Nam Long Group đạt gần 7.294 tỷ đồng, tăng 16,5%; Nợ dài hạn tăng 23,7% lên mức gần 4.777 tỷ đồng.
Tổng nợ vay của Nam Long Group tăng đến 23,1%, đạt 4.441 tỷ đồng, chiếm 36,8% nợ phải trả. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn của Nam Long Group tăng gần 42% lên mức gần 3.287 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.153 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tính đến 30/6/2022, Nam Long Group đang sở hữu khoản nợ 2.521 tỷ đồng trái phiếu, tăng hơn 500 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 25% so với cuối năm 2021. Nợ trái phiếu của Nam Long Group chiếm tới 57% tổng nợ vay.
Bấp chất bán dự án “ma” Izumi City?
Cũng theo BCTC, hiện hàng tồn kho của Nam Long Group đang ở mức cao với 16.083 tỷ đồng, tăng 14,8% so với hồi đầu năm, chiếm tới 64,4% tổng tài sản. Tập trung chủ yếu tại các dự án bất động sản dở dang như: Dự án Izumi City (7.314,6 tỷ đồng), Southgate (3.864,8 tỷ đồng); Paragon Đại Phước (1.975,3 tỷ đồng); Waterpoint (1.401 tỷ đồng).
Tuy nhiên, quyền sử dụng đất thuộc dự án Izumi City đã được Nam Long Group thế chấp tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) để vay dài hạn 553,2 tỷ đồng..
Trong bối cảnh “nợ tăng, vốn giảm” Nam Long Group bắt tay với các sàn phân phối chào bán rầm rộ và thu hàng trăm triệu đồng tiền cọc từ khách hàng dù tại dự án Izumi City đã thế chấp ngân hàng.
Nam Long Group tự giới thiệu là chủ đầu tư dự án Izumi City, tọa lạc tại đường Hương Lộ 2, xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Dự án Izumi City đơn vị này quảng cáo có quy mô rộng khoảng 170ha, với nhiều loại hình sản phẩm như căn hộ, nhà phố vườn, shophouse, biệt thự song lập, biệt thự đơn lập và dinh thự ven sông.
Từ cuối năm 2021, Nam Long Group ra thông báo nhận đặt cọc dự án Izumi City.
Cụ thể, theo Thông báo số 01/Izumi/2021 ngày 8/11/2021 của Công ty TNHH MTV Sàn giao dịch Bất động sản Nam Long (công ty thành viên thuộc Nam Long Group): Từ 9 giờ sáng ngày 10/11/2021, Sàn giao dịch Bất động sản Nam Long đã cho đăng ký nhận giữ chỗ giai đoạn 1A1 - dự án Izumi City (căn cứ Thông báo số 193/2021/TB-
NLG ngày 9/11/2021 của Nam Long Group). Số tiền đặt cọc từ 108 – 200 triệu đồng/ suất tùy sản phẩm.
Giai đoạn 1A1 có tổng 275 căn; Trong đó, mẫu TH1 có 78 căn, mẫu TH2 có 139 căn và mẫu TH3 có 34 căn, ngoài ra Shophouse có 24 căn. Mỗi khách được đăng ký tối đa 3 suất giữ chỗ.
Thông qua Công ty con, Nam Long Group thu tiền hàng trăm triệu của khách hàng tại dự án “ma” Izumi City.
Rao bán rầm rộ là vậy nhưng Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai khẳng định trên địa bàn tỉnh không có dự án nào mang tên Izumi City do Công ty CP Đầu tư Nam Long làm chủ đầu tư.
Cụ thể, trong công văn trả lời báo chí, UBND TP Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết: “Sau khi xem xét báo cáo của Phòng Quản lý đô thị thành phố tại Văn bản số 2716/PQLĐT.XD ngày 7/12/2021 về nội dung nêu trên, UBND thành phố Biên Hòa thông tin đến quý phóng viên của báo Tuổi trẻ Thủ đô như sau: Qua rà soát các dự án trên địa bàn xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa hiện nay không có dự án tên Izumi City…”
Như vậy, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã xác nhận không có tên dự án Izumi City trên địa bàn nhưng Nam Long Group và các sàn “vượt mặt” quảng cáo, thu tiền của khách hàng. Phải chăng vì “nợ tăng, vốn giảm” mà Nam Long Group bất chấp bán dự án Izumi City để huy động vốn? Doanh nghiệp đang vì giải quyết khó khăn của mình mà đẩy rủi ro về phía khách hàng?