KBSV dự phóng NIM của Vietcombank năm 2022 đạt 3,2% với kỳ vọng CASA vẫn duy trì ở mức cao, có thể bù đắp cho việc thanh khoản hệ thống không còn dồi dào như năm 2021 khiến chi phí đầu vào của Vietcombank sẽ tăng nhẹ. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 dự báo đạt 29.663 tỷ đồng, tăng 35,2% so với năm 2021.
VCB: KBSV khuyến nghị mua VCB với giá mục tiêu 98.000 đồng/cổ phiếu
Luỹ kế 2 quý đầu năm 2022, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE:
VCB) đạt 12.797 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 5.942 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 49,9%, nhờ tăng trưởng tín dụng đạt 18% (so với cùng kỳ) và NIM đạt ổn định ở mức 3,34%. So với thời điểm đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đạt 14,4%.
Tỷ lệ nợ xấu tính tới quý II/2022 là 0,61%, giảm 21 điểm cơ bản so với quý I và giảm 14 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm 2021. Trích lập tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank ở mức cao, đạt 506%.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Vietcombank đáp ứng đầy đủ điều kiện để được xem xét nới room tín dụng lên 18%.
Được biết, ngân hàng này đã sử dụng gần hết mức tăng trưởng tín dụng 15% được Ngân hàng Nhà Nước cấp cho vào đầu năm. KBSV kỳ vọng Vietcombank sẽ được Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao, và xem xét nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 15% lên 18%, nhờ chất lượng tài sản tốt cùng với việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở mức thấp (chỉ chiếm 1% tổng tín dụng).
KBSV dự phóng NIM của Vietcombank năm 2022 đạt 3,2% với kỳ vọng CASA vẫn duy trì ở mức cao, có thể bù đắp cho việc thanh khoản hệ thống không còn dồi dào như năm 2021 khiến chi phí đầu vào của Vietcombank sẽ tăng nhẹ.
Thu nhập ngoài lãi năm 2022 theo dự phóng của KBSV chỉ tăng nhẹ 4,4% so với năm 2021 nhờ động lực từ tăng trưởng doanh thu bancasurance cùng với duy trì lợi thế ở mảng giao dịch ngoại hối.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng dự kiến ở mức thấp hơn so với năm 2021, đạt hơn 8.407 tỷ đồng do trong năm 2021 Vietcombank đã đẩy mạnh trích lập dự phòng trong khi chất lượng tài sản vẫn duy trì ở mức tốt.
KBSV dự báo lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 đạt 29.663 tỷ đồng, tăng 35,2% so với năm 2021, đồng thời khuyến nghị mua đối với cổ phiếu
VCB của Vietcombank với giá mục tiêu là 98.000 đồng/cổ phiếu.
NTP: Agriseco khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu NTP với giá mục tiêu là 55.000 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (HNX:
NTP) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các loại ống nhựa (PVC, HDPE và PPR) dùng trong xây dựng với công suất 150.000 tấn ống nhựa/năm. Thị phần của
NTP tại miền Bắc là khoảng 57% và thị phần cả nước là khoảng 26%.
Doanh thu quý II của
NTP đạt 1.769 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế quý II đạt 177 tỷ đồng, tăng 26,5%. Luỹ kế 6 tháng, doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 2.892 tỷ đồng và 327 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng ở mức 20,8% và 20,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Kết quả khả quan này của
NTP chủ yếu đến từ việc giá nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là hạt nhựa PVC giảm mạnh, giúp cải thiện biên lợi nhuận.
Cụ thể, từ đầu năm 2022 tới nay, giá hạt nhựa PVC đã trở nên ổn định hơn và thậm chí suy giảm trong thời gian gần đây xuống còn khoảng 960 USD/tấn, giảm từ mức trung bình 1.400 USD/tấn trong những tháng đầu năm và giảm từ mức đỉnh 1.850 USD/tấn vào tháng 10 năm ngoái.
Điều này giúp
NTP có thể cải thiện biên lợi nhuận gộp sau khi giảm mạnh xuống còn 24% trong năm 2021 so với mức 31% của năm 2020. Trong quý II/2022, biên lợi nhuận gộp đã cải thiện lên lại mức 29,4% và tiếp tục được kỳ vọng cải thiện trong các quý sau đó.
Được biết,
NTP là một trong các doanh nghiệp nằm trong danh sách thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Hiện SCIC đang sở hữu 37,11% cổ phần
NTP.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) kỳ vọng
NTP có thể được thoái vốn với giá cao hơn giá hiện tại.
Theo Agriseco, hiện nay
NTP đang sở hữu 1 khu đất có tổng diện tích khoảng 9,3ha tại An Đà, Hải Phòng đã có quy hoạch xây chung cư; giá thị trường của mảnh đất này cao gấp nhiều lần so với giá trị sổ sách.
Thêm vào đó, Agriseco cho rằng
NTP có cơ cấu tài chính lành mạnh khi hầu như không có nợ vay dài hạn. Nợ vay của
NTP chủ yếu là ngắn hạn, dùng để tài trợ vốn lưu động trong khi dòng tiền kinh doanh ổn định.
Doanh nghiệp luôn duy trì tỷ lệ trả cổ tức cao và đều đặn hàng năm. Agriseco dự báo tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt các năm tới của
NTP có thể tiếp tục duy trì khi doanh nghiệp chưa có kế hoạch đầu tư nào mới với công suất vẫn được đảm bảo.
Công ty chứng khoán này đánhh giá khả quan và khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu
NTP với giá mục tiêu là 55.000 đồng/cổ phiếu.
VTP: VNDirect khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 93.300 đồng/cổ phiếu
Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (UPCoM:
VTP) ghi nhận doanh thu quý II tăng 5,2% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ tăng trưởng ở mảng chuyển phát (tăng 31%). Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp chuyển phát thu hẹp 2,15 điểm % so với cùng kỳ do chi phí đầu vào tăng cao, khiến lợi nhuận gộp quý II/2022 chỉ tăng 6,6%. Do chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 31,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận ròng quý II/2022 của
VTP giảm 9,1% xuống 97 tỷ. Lợi nhuận ròng luỹ kế 6 tháng giảm 6,9% so với cùng kỳ.
Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect kỳ vọng doanh thu chuyển phát nửa cuối năm 2022 của
VTP sẽ tăng 37,9% so với cùng kỳ, theo đà tăng trưởng từ nửa đầu năm cùng mức nền thấp của nửa sau 2021.
Theo VNDirect, đối với biên lãi gộp,
VTP sẽ không phải chịu chi phí phòng dịch Covid-19, yếu tố khiến biên lãi gộp nửa sau 2021 chạm đáy đạt 5,1%. Hơn nữa, việc giá dầu diesel đã đạt đỉnh và bắt đầu giảm kể từ tháng 7/2022 cũng có lợi cho biên lãi gộp của
VTP trong nửa sau 2022.
VNDirect kỳ vọng biên lãi gộp chuyển phát của
VTP trong nửa sau 2022 sẽ tăng lên 9,9%, giúp lợi nhuận gộp tăng 170,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng tăng 259%. Mặc dù lợi nhuận ròng nửa đầu năm của
VTP giảm 6,9% so với cùng kỳ, VNDirect cho rằng kết quả vượt trội trong nửa sau sẽ giúp lợi nhuận ròng 2022 tăng trưởng ở mức 66,5%.
Công ty chứng khoán này kỳ vọng với sự đóng góp cao hơn từ doanh thu chuyển phát, biên lãi gộp của
VTP trong năm 2023 có thể tăng 4,8% từ mức 4% trong năm 2022. Doanh thu năm 2023 ước tính có thể tăng trưởng 9,5% so với năm 2022, lợi nhuận ròng kỳ vọng tăng trưởng ở mức 4%.
Giá cổ phiếu
VTP đã giảm 23,5% kể từ tháng 4/2022 do chi phí nhiên liệu tăng, ảnh hưởng tiêu cực tới biên lãi gộp của
VTP. Tuy nhiên, VNDirect cho rằng yếu tố này đã được phản ánh vào giá và hoạt động của
VTP sẽ được cải thiện trong các quý tới nhờ 3 yếu tố.
Thứ nhất là sản lượng chuyển phát của công ty này có thể tăng trung bình 20%/năm trong giai đoạn 2022-2023 nhờ sự sôi động của thị trường e-commerce. Thứ hai là giá trung bình dịch vụ chuyển phát có thể tăng 13,6% so với cùng kỳ trong năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2023 do
VTP đã áp dụng biểu phí mới kể từ tháng 2/2022. Thứ ba là giá dầu diesel bắt đầu giảm kể từ nửa sau 2022 và có thể giảm 20% so với cùng kỳ trong 2023, yếu tố sẽ giúp biên lãi gộp chuyển phát bắt đầu phục hồi từ nửa sau 2022.
Một yếu tố khác hỗ trợ trong ngắn hạn đối với cổ phiếu
VTP là kế hoạch niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE). Theo đó,
VTP đang thực hiện những thủ tục cần thiết để có thể niêm yết trên HSX trong thời gian còn lại của 2022.
VNDirect khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu
VTP với giá mục tiêu là 93.300 đồng/cổ phiếu.