• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
21 Tháng Mười Một 2024 9:23:33 CH - Mở cửa
Phát triển bảo hiểm vi mô tại Việt Nam
Nguồn tin: Tạp Chí Tài Chính | 31/08/2022 10:15:00 CH
Để bảo hiểm vi mô thực sự trở thành lưới đỡ an sinh cho các đối tượng yếu thế như người nghèo, người dân ở vùng khó khăn, người dân tộc thiểu số, người nông dân, cần ban hành khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, rõ ràng; nâng cao nhận thức của dân cư; thiết kế các sản phẩm cũng như xây dựng các kênh phân phối sản phẩm phù hợp.
 
 
1. Đặt vấn đề
 
Bảo hiểm vi mô (Microinsurance) là hình thức bảo hiểm dành cho người có thu nhập thấp đang được mở rộng tại các quốc gia nghèo và đang phát triển, trong đó, người thu nhập thấp đóng phí cho tổ chức cung cấp bảo hiểm để nhận được khoản hỗ trợ tài chính khi xảy ra rủi ro.
 
Với đặc trưng là phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, đơn giản về các thủ tục tham gia cũng như yêu cầu chi trả quyền lợi, bảo hiểm vi mô đang cung cấp các sản phẩm bảo hiểm nhằm bảo vệ những người nghèo có thu nhập thấp trong xã hội trước những rủi ro về thương tật, tử vong và tài sản. 
 
Theo Báo cáo triển vọng việc làm và xã hội châu Á – Thái Bình Dương năm 2020 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), có khoảng 22 đến 25 triệu người trong khu vực có thể rơi vào tình trạng nghèo đói do tác động của đại dịch COVID-19. Đây là các chủ thể yếu thế trong xã hội, nhạy cảm trước những rủi ro rất cần được bảo hiểm nhưng lại không có điều kiện tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường.
 
Bên cạnh đó, tại các quốc gia đang phát triển, tỷ lệ dân cư thu nhập thấp chiếm tỷ trọng cao, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong trường hợp này, bảo hiểm vi mô sẽ là cứu cánh hữu hiệu cho công tác an sinh, góp phần xoá đói, giảm nghèo và ổn định xã hội.
 
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tại các nước khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm vi mô chiếm bình quân hơn 10% dân số và đang có xu hướng tăng lên.
 
Mô hình bảo hiểm vi mô đã được triển khai thí điểm hơn 10 năm nay tại Việt Nam, nhưng số lượng tham gia loại hình bảo hiểm này còn rất hạn chế mặc dù tiềm năng phát triển là rất lớn, với hơn 6,4% dân số là hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như nhiều chủ thể yếu thế khác trong xã hội.
 
Bài viết sẽ phân tích những vấn đề đặt ra cần giải quyết để bảo hiểm vi mô thực sự trở thành lưới đỡ an sinh cho các đối tượng yếu thế như người nghèo, người dân ở vùng khó khăn, người dân tộc thiểu số, người nông dân trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo bền vững tại Việt Nam.
 
2. Bảo hiểm vi mô
 
Bảo hiểm vi mô là các sản phẩm bảo hiểm có đặc điểm: phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu được thiết kế cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Là một bộ phận của tài chính vi mô (Microfinance), bảo hiểm vi mô cung cấp dịch vụ bảo vệ và tiết kiệm cho các gia đình có thu nhập thấp bằng cách cung cấp các gói bảo hiểm phù hợp với thu nhập và nhu cầu của họ.
 
Khách hàng mà bảo hiểm vi mô hướng tới phục vụ gồm các cá nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình, cá nhân có thu nhập thấp có nhu cầu tiết kiệm và bảo vệ trước những rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống dựa trên nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi về bảo hiểm.
 
Cũng như những bảo hiểm thông thường, bảo hiểm vi mô bảo vệ người tham gia bảo hiểm trước những rủi ro có thể xảy ra liên quan đến tính mạng, sức khỏe và tài sản nhưng giá trị bảo hiểm thấp hơn những loại bảo hiểm thông thường, vì vậy những người tham gia loại bảo hiểm này chỉ cần đóng số tiền bảo hiểm nhỏ phù hợp với thu nhập của họ.
 
Các sản phẩm bảo hiểm vi mô bao gồm: bảo hiểm con người (bảo hiểm về y tế, chăm sóc sức khỏe; bảo hiểm tai nạn; bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn; bảo hiểm tiết kiệm tuổi già)…; bảo hiểm tài sản (bảo hiểm thiệt hại máy móc, thiết bị sản xuất, cây trồng, vật nuôi).
 
Không chỉ là công cụ bảo vệ cho những hộ gia đình nghèo, bảo hiểm vi mô còn góp phần nâng cao kiến thức về tài chính bảo hiểm hay giúp người nghèo hình thành thói quen xây dựng kế hoạch tích lũy tài chính cho tương lai.
 
3. Bảo hiểm vi mô tại Việt Nam
 
Tại Việt Nam, 3 doanh nghiệp bảo hiểm được thí điểm cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô gồm Manulife, Dai-ichi và Prudential với nhóm đối tượng khách hàng từ 18 đến 55 tuổi, có thu nhập thấp, không ổn định, tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và lao động tại các khu công nghiệp, đây là các đối tượng khó tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thông thường.
 
Trong đó, Manulife phân phối sản phẩm cho các hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có độ tuổi từ 20 đến 50. Dai-ichi dự kiến triển khai bảo hiểm vi mô qua kênh phân phối là Hội Nông dân Việt Nam dành cho các hội viên của Hội có thu nhập thấp và đối tượng công nhân với độ tuổi từ 18 đến 55 tại các khu công nghiệp.
 
Prudential cũng dự kiến triển khai sản phẩm này cho người có thu nhập thấp, độ tuổi từ 18 đến 55. Tuy nhiên, do Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa có quy định riêng cho bảo hiểm vi mô, nên các doanh nghiệp khi triển khai loại hình bảo hiểm này vẫn phải thực hiện các yêu cầu như các sản phẩm bảo hiểm thương mại khác, dẫn tới gặp khó khăn trong việc phát triển các sản phẩm.
 
Vì vậy, Dai-ichi và Prudential đã dừng triển khai các sản phẩm bảo hiểm vi mô, hiện chỉ Manulife còn triển khai bảo hiểm vi mô từ năm 2009 tại 2 tỉnh Hải Phòng và Tiền Giang, đến cuối năm 2020, Manulife đã mở rộng ra 19 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng doanh thu phí bảo hiểm không cao.
 
Bên cạnh các doanh nghiệp bảo hiểm, Chính phủ còn cho phép 2 tổ chức chính trị - xã hội là Trung tâm Hỗ trợ phát triển nguồn lực tài chính cộng đồng – CFRC (trực thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam) và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô với tính chất tương hỗ, hỗ trợ giữa các thành viên vay vốn trong cùng tổ chức.
 
Trong đó, bảo hiểm vi mô của CFRC gồm 2 sản phẩm bảo hiểm vi mô là bảo hiểm bảo vệ sinh mạng vốn vay và bảo hiểm nhân thọ cơ bản, cho đối tượng khách hàng là phụ nữ, nhóm dân tộc thiểu số đang là thành viên của Mạng lưới tài chính vi mô M7.
 
Trong quá trình hoạt động, CFRC đã cung cấp bảo hiểm vi mô thông qua 2 quỹ xã hội và 2 dự án tài chính vi mô với số lượng thành viên tham gia là 7.986 người. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thí điểm từ năm 2013 đến hết năm 2016, do năng lực tài chính và khó khăn trong quá trình mở rộng hoạt động, số lượng khách hàng tham gia giảm dần, không đáp ứng nguyên tắc số đông bù số ít trong bảo hiểm, Chính phủ đã dừng triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô tại CFRC từ đầu năm 2017.
 
Bảo hiểm vi mô của Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai thông qua mạng lưới hoạt động của Tổ chức tài chính vi mô TNHH một thành viên Tình Thương (TYM) cho đối tượng khách hàng là phụ nữ thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, hộ thu nhập thấp đồng thời là thành viên của Quỹ TYM.
 
Đến nay, đã cung cấp bảo hiểm vi mô tại 12 tỉnh, thành phố, với 18 chi nhánh và 40 phòng giao dịch, cung cấp 2 sản phẩm bảo hiểm là Tương trợ vốn vay; Tương trợ y tế và nhân thọ đến các thành viên vay vốn của Quỹ.
 
Sau 6 năm, Quỹ Bảo hiểm vi mô của Hội đã triển khai thí điểm, kết quả bước đầu được các hội viên đón nhận, hưởng ứng tại 12 tỉnh/thành, trung bình hàng năm đã có trên 100 nghìn phụ nữ nghèo được bảo hiểm vốn vay.
 
Tính tới tháng 5/2021, bảo hiểm vi mô của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho 108.100 khách hàng, trong đó, số khách hàng nhận quyền lợi là 431 người, với số tiền chi trả bảo hiểm trên 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 15/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP dừng triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
 
Như vậy, mặc dù loại hình bảo hiểm này đáp ứng được nhu cầu của những hộ gia đình nghèo, thu nhập thấp, góp phần vào chủ trương an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, quá trình triển khai thí điểm tại Việt Nam chưa thực sự thành công.
 
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là: thứ nhất, thiếu căn cứ pháp lý liên quan đến chủ thể cung cấp, loại hình hoạt động, nhất là việc triển khai bảo hiểm vi mô tại các tổ chức chính trị xã hội tiềm ẩn những rủi ro pháp lý do chưa có quy định trong Luật; thứ hai, nhận thức của người dân về bảo hiểm còn hạn chế, đặc biệt những người có thu nhập thấp.
 
Bên cạnh đó, do đối tượng hướng đến của sản phẩm bảo hiểm vi mô thường ở vùng nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa nên khó tiếp cận; thứ ba, các doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam chưa muốn cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô trong bối cảnh thị trường bảo hiểm thương mại vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác; thứ tư, kênh phân phối các sản phẩm bảo hiểm vi mô còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn dàn trải, giao thông khó khăn.
 
4. Những vấn đề đặt ra trong phát triển bảo hiểm vi mô tại Việt Nam
 
Để phát triển bảo hiểm vi mô, giúp người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội có cơ hội được bảo vệ trước những rủi ro, góp phần thực hiện chủ trương an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước cũng như thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam, thời gian tới, cần tập trung vào các vấn đề sau:
 
Thứ nhất, xây dựng một khung pháp lý đồng bộ và phù hợp làm cơ sở để phát triển hoạt động bảo hiểm vi mô theo hướng chuyên nghiệp, bao gồm: các quy định về tổ chức triển khai, hoạt động, tài chính, hỗ trợ, tài trợ phát triển; các quy định về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm; công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo hiểm vi mô của tổ chức chính trị - xã hội.
 
Thứ hai, đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền bảo hiểm vi mô nhằm nâng cao sự am hiểu của chủ thể về các sản phẩm bảo hiểm vi mô. Đồng thời, cần thiết kế các sản phẩm bảo hiểm vi mô đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với nhận thức và trình độ của người có thu nhập thấp.
 
Thứ ba, thiết lập kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm vi mô. Các trung gian phân phối phù hợp với loại hình bảo hiểm này gồm: các tổ chức tài chính vi mô, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Đây là những tổ chức có điều kiện thuận lợi trong tiếp cận với các đối tượng khách hàng của bảo hiểm vi mô.
 
Bên cạnh đó, để bảo hiểm vi mô phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra rộng khắp, cần xem xét gắn kết với nền tảng công nghệ tài chính đang được phát triển cho chính đối tượng khách hàng thu nhập thấp, yếu thế tập trung ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
 
Ngoài ra, khách hàng hướng đến của loại hình bảo hiểm này là người có thu nhập thấp thuộc các đối tượng trong chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chính vì vậy, nên xem xét phối kết hợp với các chương trình mục tiêu Quốc gia về xoá đói, giảm nghèo và phát triển bền vững khu vực nông nghiệp, nông thôn.
 
5. Kết luận
 
Bảo hiểm vi mô cấp dịch vụ tài chính nhằm phòng ngừa rủi ro và tích lũy cho những người người nghèo, người có thu nhập thấp, dễ bị tổn thương trong xã hội. Phát triển loại hình bảo hiểm này, một mặt, mang tính nhân văn sâu sắc góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo, mặt khác, thúc đẩy tài chính toàn diện để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
 
Chính vì vậy, cần tạo điều kiện để hình thức bảo hiểm này phát triển với sự hỗ trợ và tham gia tích cực của nhiều chủ thể, trong đó, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, có như vậy, mô hình tài chính này mới có thể triển khai một cách hiệu quả, góp phần thực hiện thành công các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.