Giá vàng hôm nay trên thị trường thế giới tăng vọt rồi bất ngờ giảm mạnh trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng nhưng đồng USD và lợi tức trái phiếu tăng nhanh.
Giá vàng trong nước
Sau 7 phiên tăng giá liên tiếp, giá vàng miếng SJC tăng tới 2,5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng SJC bất ngờ lao dốc mạnh vào chiều ngày 3/8 khiến gần như lợi nhuận của những phiên gần đây đều tan biến hết. Đây là mức giảm mạnh nhất từ sau 18/7 - ngày thị trường vàng trong nước điều chỉnh đến 5 triệu đồng một lượng.
Cụ thể, vào cuối giờ chiều nay, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 66 - 67 triệu đồng/lượng, giảm 1,4 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua - bán so với giá đóng cửa chiều qua.
Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)
Tương tự, tại Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng miếng SJC điều chỉnh giảm mạnh ở chiều mua vào tới 1,6 triệu đồng/lượng và giảm 1,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán, công bố giá mua - bán ở mức 65,4 - 67 triệu đồng/lượng.
Việc giá vàng miếng SJC giảm mạnh 1,4 triệu đồng trong ngày hôm nay cộng với chênh lệch giá mua - bán SJC đưa ra ở mức 1 triệu đồng/lượng khiến nhiều người mua vàng ngày hôm qua đến nay đã chịu khoản lỗ 2,4 triệu/lượng, tương đương mất hơn 3,5% giá trị đầu tư chỉ sau một ngày.
Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên cuối ngày hôm qua (ngày 2/8):
Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 66,0 - 67,0 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 65,0 - 66,5 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 65,80 - 66,70 triệu đồng/lượng.
Hệ thống PNJ niêm yết tại: 66,0 - 67,0 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 65,90 - 67,00 triệu đồng/lượng; thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 52,62 - 53,38 triệu đồng/lượng; giá vàng trang sức giao dịch tại 52,15 - 53,25 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới
Giá vàng đêm 3/8 thấp hơn khoảng 3,2% (59 USD/ounce) so với đầu năm 2022. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 50,5 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 16,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 3/8.
Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng vọt rồi bất ngờ giảm mạnh trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng nhưng đồng USD và lợi tức trái phiếu tăng nhanh.
Vàng tăng giá mạnh vào đầu phiên giao dịch 3/8 trên thị trường Mỹ trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung Quốc lên cao điểm sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan. Bắc Kinh đã phản ứng mạnh và triệu tập đại sứ Mỹ.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chuyến đi của bà Pelosi đã vi phạm chính sách một Trung Quốc và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền tảng chính trị của quan hệ Trung - Mỹ. Trung Quốc công bố các cuộc tập trận bắn đạn thật ở 6 khu vực xung quanh vùng biển Đài Loan.
Rủi ro địa chính trị đã khiến dòng tiền đổ vào mặt hàng kim loại quý. Tuy nhiên, đà tăng của vàng chững lại khi đồng USD quay đầu tăng giá và lợi tức trái phiếu lên cao.
Ricardo Evangelista, nhà phân tích cấp cao tại ActivTrades, cho biết: “Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan (Trung Quốc) không gây ra phản ứng đáng kể từ Bắc Kinh nhưng tình hình vẫn căng thẳng và vàng đang giữ vai trò là tài sản trú ẩn an toàn.
Bên cạnh đó, USD bắt đầu giảm giá, đẩy giá vàng lên cao hơn. Đồng USD 'mềm' hơn khiến vàng trở nên hấp dẫn đối với người mua ở nước ngoài".
Theo chuyên gia phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank, ngoài căng thẳng địa chính trị gây ra bởi chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của bà Pelosi, việc vàng có thể bỏ qua sự gia tăng của lợi suất trái phiếu trong phiên hôm nay là một tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích thị trường Rupert Rowling của Kinesis Money cho rằng, tác động của cuộc căng thẳng chỉ tồn tại trong ngắn hạn.
Ông Rupert Rowling nhấn mạnh: "Tâm điểm của thị trường sẽ quay trở lại với lãi suất và tác động tiêu cực trong dài hạn của nó đối với vàng".
Còn ông Erik Norland, Giám đốc điều hành và nhà kinh tế cấp cao tại CME Group, các nhà đầu tư cũng nên chú ý đến nguồn cung của thị trường.
Trong báo cáo được công bố đầu tuần này, Erik Norland cho rằng, nguồn cung vàng và bạc giảm sẽ hỗ trợ lâu dài cho giá khi nhu cầu thị trường vẫn mạnh mẽ. Từ năm 2016 đến năm 2021, sản lượng khai thác vàng đã giảm 7%.