• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
21 Tháng Giêng 2025 3:55:10 SA - Mở cửa
Mỹ có thể thay thế vai trò dẫn dắt thị trường dầu mỏ của Saudi Arabia?
Nguồn tin: Vietnam+ | 09/08/2022 8:34:17 SA
Sự nổi lên của Mỹ với tư cách là nhà sản xuất lớn nhất và là nhà xuất khẩu dầu thô lớn từ những năm 2010 làm nảy sinh ý tưởng rằng Mỹ thay thế vai trò dẫn dắt thị trường của Saudi Arabia.
 
Trang Quỹ nghiên cứu nhà quan sát (ORF) đăng bài viết cho hay trong năm 1985, Nga là nước sản xuất dầu thô lớn nhất với sản lượng 10,8 triệu thùng/ngày, Mỹ đứng thứ hai với 10,5 triệu thùng/ngày và Saudi Arabia đứng thứ ba với trên 3,6 triệu thùng/ngày. Ba nhà sản xuất hàng đầu chiếm khoảng 43% sản lượng dầu toàn cầu.
Đến năm 1992, Saudi Arabia là nhà sản xuất hàng đầu với sản lượng trên 9 triệu thùng/ngày, ghi nhận mức tăng hơn 150% so với sản lượng năm 1985, trong khi sản lượng của Nga giảm hơn 26% trong cùng kỳ xuống chỉ còn hơn 7,9 triệu thùng/ngày và Mỹ giữ vị trí thứ hai mặc dù sản lượng giảm hơn 16%, xuống chỉ còn hơn 8,8 triệu thùng/ngày. Tỷ trọng kết hợp của ba quốc gia giảm xuống còn khoảng 39%. 
Từ năm 1992-2013, Saudi Arabia giữ vị trí đầu bảng, nhưng năm 2014 Mỹ vượt Saudi Arabia trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất với sản lượng hơn 11,8 triệu thùng/ngày, so với 11,5 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia. Năm 2014, sản lượng của Nga chỉ đạt hơn 10,9 triệu thùng/ngày và Mỹ, Saudi Arabia và Nga chiếm hơn 38% sản lượng toàn cầu. 
Kể từ đó đến nay, Mỹ giữ vị trí đầu bảng với sản lượng hơn 16,5 triệu thùng/ngày trong năm 2021, tiếp theo là Saudi Arabia với 10,95 triệu thùng/ngày và Nga có sản lượng 10,94 triệu thùng/ngày.
Về phía xuất khẩu, Saudi Arabia giữ vị trí là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới kể từ những năm 1980, ngoại trừ một thời gian ngắn đầu những năm 1980 khi Nga là nước xuất khẩu hàng đầu. Năm 2021, Saudi Arabia xuất khẩu hơn 6,2 triệu thùng/ngày dầu thô, so với 4,5 triệu thùng/ngày của Nga và 2,9 triệu thùng/ngày của Mỹ. 
Vị thế là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới với trữ lượng lớn dầu giá rẻ và vai trò là top 2 nhà sản xuất đánh dấu tầm quan trọng của Saudi Arabia trên thị trường dầu mỏ. Sự nổi lên của Mỹ với tư cách là nhà sản xuất lớn nhất và là nhà xuất khẩu dầu thô lớn từ những năm 2010 làm nảy sinh ý tưởng rằng Mỹ thay thế vai trò dẫn dắt thị trường của Saudi Arabia. Những diễn biến trong năm 2022, đặc biệt là phản ứng hạn chế đối với giá dầu cao từ Mỹ đặt ra một số câu hỏi về quan điểm này.
 
 
Khai thác dầu tại giếng dầu gần Williston, bang Bắc Dakota (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN
 
Saudi Arabia với tư cách là nhà sản xuất dầu thô
 
Một nhà sản xuất dầu thô có thể tăng sản lượng dầu (ví dụ 1 triệu thùng/ngày) trong một khoảng thời gian ngắn (30-90 ngày). Một nhà sản xuất dầu thô có thể kiểm soát giá bằng cách thiết lập một mức giá giao dịch hiệu quả và ngăn chặn các lực lượng thị trường thay đổi. 
Trữ lượng dầu lớn, tỷ trọng đáng kể trong sản xuất và xuất khẩu dầu toàn cầu, và vai trò dẫn dắt trong Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã giúp Saudi Arabia có tiếng nói trong việc điều chỉnh giá dầu thế giới.
Saudi Arabia đứng giữa hai lựa chọn, một là đạt được các mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn bằng cách tăng giá dầu, nhưng có thể bị giảm thị phần, hoặc điều chỉnh giá dầu ở mức vừa phải để duy trì thị phần và tăng tính cạnh tranh. 
Saudi Arabia đã thúc đẩy hệ thống hạn ngạch trong OPEC năm 1982 để các nước có thể hợp tác cắt giảm hoặc mở rộng nguồn cung của OPEC sao cho phù hợp với những biến động của nhu cầu thị trường. 
Đầu những năm 1980, chiến lược cũ dẫn đến giá dầu cao khiến các đối thủ cạnh tranh ngoài OPEC tham gia sản xuất dầu mỏ và làm giảm đáng kể thị phần của Saudi Arabia. Sự gia nhập của nguồn cung dầu ngoài OPEC vào thị trường đẩy giá dầu giảm và đến giữa những năm 1980, ngành công nghiệp “vàng đen” gặp nhiều khó khăn. Năm 1986, giá dầu thô thế giới giảm xuống dưới 10 USD/thùng đe dọa sự tồn vong của ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu. 
Để đối phó với mối đe dọa đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ, Phó Tổng thống Mỹ George Bush đã đến Saudi Arabia tìm kiếm sự hỗ trợ tăng giá dầu thô thông qua việc cắt giảm sản lượng. Ông Bush lập luận giá dầu thấp đe dọa "an ninh quốc gia" của Mỹ.
Kể từ đó, Saudi Arabia đóng vai trò hàng đầu trong các chính sách sản xuất của OPEC và chi phối thị trường dầu toàn cầu bằng cách báo hiệu mức giá mà nước này cố gắng duy trì. Do có tỷ lệ dự trữ trên sản lượng cao nên Saudi Arabia cố gắng duy trì giá dầu ổn định và cạnh tranh trong dài hạn. 
Tháng 4/1999, Saudi Arabia giảm sản lượng của mình để duy trì giá dầu ở mức cao, sau khi Venezuela và Mexico quyết định tăng sản lượng. Năm 2003, Saudi Arabia tăng sản lượng để đạt được mục tiêu giá cả và bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung của Iraq. Năm 2009, khi cuộc khủng hoảng tài chính khiến nhu cầu dầu toàn cầu giảm, Saudi Arabia giảm sản lượng khai thác. Cho đến đầu những năm 2010, Saudi Arabia tiếp tục điều chỉnh sản lượng sao cho giá dầu giữ ở mức ổn định. 
Sau năm 2014, Saudi Arabia cùng với OPEC bắt đầu chuyển sang chiến lược “chia sẻ thị trường” khi hợp tác cùng các đối tác sản xuất dầu lớn khác, trong đó có Nga, để ép các công ty sản xuất dầu đá phiến có chi phí cao hơn của Mỹ ra khỏi thị trường. Tuy vậy, Saudi Arabia vẫn “mắc kẹt” với chiến lược “tối đa hóa lợi nhuận” khi cố gắng duy trì giá không quá thấp. 
 
Vị thế của Mỹ có thay đổi?
 
Trong khoảng thời gian từ năm 1970-2010, Saudi Arabia tăng sản lượng dầu nhiều lần để duy trì sự ổn định giá cả. Sau cuộc cách mạng công nghệ làm tăng sản lượng khai thác dầu và khí đốt từ đá phiến, Mỹ tăng sản lượng khai thác dầu đá phiến (LTO) và chất lỏng khí tự nhiên (NGL). 
Tháng 2/2015, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận xét Mỹ đã nổi lên như một nhà sản xuất mới để cân bằng thị trường. Tình trạng thâm hụt nguồn cung trên thị trường dầu mỏ chuyển sang thặng dư vào đầu quý II/2012, với thặng dư duy trì trên 1,5 triệu thùng/ngày bắt đầu từ quý I/2015. Phần lớn thặng dư này được cho là do sản xuất dầu phi truyền thống từ các khu vực ngoài OPEC, chủ yếu là Mỹ. 
Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới năm 2014 của IEA, sản lượng dầu phi truyền thống của các nước ngoài OPEC chủ yếu là LTO và NGL từ Mỹ tăng từ 400.000 thùng/ngày năm 1990 lên 5,4 triệu thùng/ngày năm 2013, tức là tăng hơn 10 lần chỉ trong hơn một thập kỷ. 
Năm 2014, IEA nhận xét sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ đáp ứng rất nhanh chóng những thay đổi của điều kiện cung và cầu. Cụ thể, sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ phá vỡ sự phân công lao động truyền thống giữa các nước OPEC và các nước ngoài OPEC, và khả năng phục hồi sản lượng LTO đảm bảo rằng việc điều chỉnh giá trên thị trường dầu có thể diễn ra nhanh chóng. 
Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như mong đợi. Các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ hoạt động trong môi trường lãi suất thấp. Kỳ vọng lợi nhuận đã khiến các ngân hàng đầu tư hướng nguồn vốn chi phí thấp vào các công ty khai thác và sản xuất dầu mỏ nhỏ của Mỹ. Kết quả là hoạt động tài chính của nhiều công ty tham gia khai thác dầu mỏ được đặc trưng bởi dòng tiền giảm và nợ ngày càng tăng. 
Các công ty dầu đá phiến của Mỹ phải khoan nhiều giếng hơn Saudi Arabia 100 lần để đạt được sản lượng hàng ngày như Saudi Arabia. Nếu Mỹ thực sự thay thế Saudi Arabia để trở thành nhà sản xuất dầu hàng đầu thì Tổng thống Mỹ đương nhiệm sẽ không đến Saudi Arabia để yêu cầu tăng sản lượng để hạ giá dầu.
Nhìn chung "trục dầu" Saudi Arabia, Nga và Mỹ, chiếm 42% sản lượng toàn cầu năm 2021 vẫn là mối quan hệ ba bên tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ trong tương lai gần. Môi trường địa chính trị hiện tại và cuộc chiến nhiên liệu hóa thạch tiếp tục có lợi cho mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Saudi Arabia hơn là mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ. Điều này làm tăng khả năng giá dầu cao hơn và biến động trên thị trường dầu mỏ gia tăng./.