Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lo ngại rằng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ nới rộng khoảng cách giữa các nền kinh tế mạnh nhất và yếu nhất trong khu vực.
Trụ sở ECB tại Frankfurt am Main (Đức), ngày 3/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo tính toán của tờ Financial Times dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ngân hàng này đã bơm 17 tỷ euro (17,3 tỷ USD) vào các thị trường nợ Italy, Tây Ban Nha và Hy Lạp trong tháng Sáu và tháng Bảy 2022, đồng thời cho phép danh mục nợ Đức, Hà Lan và Pháp giảm hơn một chút.
ECB đã kết thúc chương trình mua ròng trái phiếu thời kỳ đại dịch vào tháng Ba và hiện đang tập trung tái đầu tư trái phiếu đáo hạn của các nước thành viên yếu hơn trong Liên minh châu Âu (EU).
Nhiều tuần sau khi tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, các nhà hoạch định chính sách của ECB lo ngại rằng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ nới rộng khoảng cách giữa các nền kinh tế mạnh nhất và yếu nhất trong khu vực.
Còn theo Bloomberg Economics, trường hợp cơ bản là Italy sẽ có khả năng giữ giới hạn chi phí đi vay thông qua sự kết hợp của kỳ vọng của thị trường giảm về thắt chặt tiền tệ do lo ngại suy thoái và việc mua trái phiếu của ECB.
Tuy nhiên, nếu lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Italy được giữ quanh mức 4%, cao hơn 1% so với hiện tại, chi phí trả nợ sẽ vượt qua mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Động thái này có thể sẽ làm gia tăng lo ngại về khả năng mất khả năng thanh toán./.