• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 11:13:53 CH - Mở cửa
Khu Kinh tế cửa khẩu- Bức tranh 30 năm và hướng đi nào cho giai đoạn mới? Kỳ 2: Khu KTCK vùng biên giới Lào-Campuchia - Ngậm ngùi tiếc cảnh huy hoàng
Nguồn tin: Báo Hải quan | 18/09/2022 7:40:00 SA
Nằm ở các vị trí chiến lược, tiếp giáp các nước Lào và Campuchia, Khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK) Cầu Treo (Hà Tĩnh), Mộc Bài (Tây Ninh) và An Giang được kỳ vọng là động lực phát triển kinh tế của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Với các chính sách ưu đãi, các Khu KTCK này đã “lớn nhanh” trong những năm đầu đi vào hoạt động. Nhưng do gặp nhiều rào cản, vướng mắc về các cơ chế chính sách cùng sự lúng túng trong định hướng phát triển, Khu KTCK Cầu Treo, Mộc Bài, An Giang nay gần như “treo” ở đó, “thoi thóp”,… chờ được “giải cứu”.
 
 
Cổng Khu KTCK Cầu Treo vắng lặng, hoang tàn. Ảnh: Hồng Nụ
 
“Cái chết lâm sàng” giữa đại ngàn
 
Có mặt tại Khu KTCK Cầu Treo (Hà Tĩnh) sau 15 năm thành lập, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh đìu hiu, heo hắt nơi đây. Cảnh buôn bán hàng tiêu dùng, điện tử, điện lạnh từ Thái Lan nhộn nhịp, tấp nập, những xe gỗ trắc chạy ngược xuôi... Vùng đất kéo dài chỉ hơn chục cây số bám trục quốc lộ 8A… không còn.
 
Năm 2007, Khu KTCK Cầu Treo (Hà Tĩnh) được thành lập và hoạt động theo Quyết định số 162/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Được công nhận là khu phi thuế quan, với hàng loạt ưu đãi về chính sách tài chính, đầu tư, đất đai cho các nhà đầu tư hoạt động trong KKT, nhờ vậy, hàng chục dự án, hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn hộ cá thể đã tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh tại đây.
 
Ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển
 
Có nhiều nguyên nhân khiến cho sự phát triển của Khu KTCK Cầu Treo gặp khó khăn. Đơn cử như tuy quỹ đất tự nhiên lớn nhưng quỹ đất để xây dựng các khu chức năng lại hạn chế, khoảng cách xa các trung tâm. Điều này làm cho suất đầu tư tại khu vực này cao hơn so với các nơi khác, dẫn đến khó khăn trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch và thu hút đầu tư, nhất là các dự án sản xuất công nghiệp.
 
Cửa khẩu quốc tế chính là “gốc” của Khu KTCK, song diện tích nhỏ hẹp, chưa đáp ứng được với lưu lượng hàng hoá, phương tiện vận tải tập kết, thông quan ngày càng tăng. Quốc lộ 8 qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và sang Lào đã xuống cấp nghiêm trọng. Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộc 8A đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
 
Quan trọng hơn Khu KTCK Cầu Treo không còn được xem là khu phi thuế quan, đã ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu hút các dự án, nhà đầu tư.
 
Ông Đinh Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh: Cần có định hướng mới
 
Để vực dậy sự phát triển của Khu KTCK Cầu Treo cần phải có định hướng thu hút đầu tư. Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh cần thay đổi cách thức tiếp cận doanh nghiệp và định hướng mới cho cửa khẩu. Trước đây Khu KTCK mời gọi doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào sản xuất, nhưng giờ sản xuất không có ý nghĩa nữa vì không có lợi thế để thu hút các nhà đầu tư thì cần phải có định hướng mới.
 
Cần định hướng Khu KTCK thành điểm trung chuyển hàng hóa, hay còn gọi là cảng cạn. Tạo cơ chế mới để cho doanh nghiệp thuê kho bãi trung chuyển hàng hóa từ Việt Nam, từ Trung Quốc để qua Lào, Thái Lan. KKT cũng là điểm gia công, đóng gói xuất khẩu sang bên Lào, Thái. Từ bãi trung chuyển, điểm gia công bắt đầu phát sinh nhiều loại hình dịch vụ khác...
 
Cần phải mở rộng quỹ đất ngay sát cửa khẩu quốc tế Cầu Treo để dành cho kho bãi hàng hóa, kho bãi trung chuyển, tăng cường dịch vụ ăn nghỉ, cung cấp các dịch vụ khác cho cửa khẩu.
 
Ông Lã Viết Thịnh, Tổng giám đốc Công ty Five Star Hà Tĩnh: Cơ chế vượt trội và ổn định
 
Giải pháp then chốt để vực dậy Khu KTCK Cầu Treo là cần có một cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội, có tính ổn định trong vòng ít nhất từ 10-20 năm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển. Đối với những doanh nghiệp đã đầu tư nhưng gặp khó khăn do cơ chế chính sách thay đổi, Hà Tĩnh và các bộ ngành Trung ương cần có giải pháp tháo gỡ, trong đó đặc biệt là vấn đề giãn nợ, bảo lãnh nguồn vốn vay.
 
Doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư mở rộng nhằm góp phần phát triển khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên ngày càng lớn mạnh hơn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư làm bến cảng nội địa để thu hút tàu hàng hóa có tải trọng lớn hơn về đây. Sau khi có bến cảng, doanh nghiệp sẽ đầu tư kết nối với địa điểm kiểm tra hải quan để thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa XNK.
 
Ông Hà Văn Cung, Trưởng Ban Quản lý KKT cửa khẩu Mộc Bài: Chính sách thay đổi đã tác động rất lớn
 
Ban đầu định hướng phát triển Khu KTCK Mộc Bài lấy thương mại – dịch vụ làm động lực phát triển, trong đó chọn khâu đột phá là thực hiện chính sách kinh doanh bán hàng miễn thuế để thu hút du khách, tạo tiền đề cho sự phát triển. Mục tiêu này dựa vào chính sách là chính, khi chính sách thay đổi đã tác động rất lớn, làm cho khu kinh tế mất động lực phát triển.
 
Mặt khác quy hoạch chung Khu KTCK chưa có tính dự báo cao, chưa nghiên cứu đầy đủ, kịp thời xu hướng phát triển của thế giới, khu vực, chưa đánh giá hết những tác động rủi ro khi mục tiêu, chiến lược bị tác động, thay đổi, nên quy hoạch thiếu tính định hướng chiến lược, bền vững.
 
Hiện một số nhà đầu tư trong Khu KTCK Mộc Bài không có năng lực thật sự, quy định thủ tục để xử lý việc thu hồi dự án đầu tư đối với các dự án đã đền bù một phần diện tích còn khó khăn, chưa giải quyết được. Nguồn lực đầu tư của tỉnh nhằm phát triển Khu KTCK còn hạn chế và chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng còn ít, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Trung ương nên kết cấu hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
 
Với khí thế hừng hực, sau 8 năm đầu thành lập (2008-2015), Cầu Treo trở thành Khu KTCK năng động, sầm uất, thành điểm sáng về phát triển kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh.
 
Khu KTCK Cầu Treo đã thu hút 100 DN trong và ngoài nước vào đầu tư, được cấp phép đăng ký kinh doanh, trong đó có 17 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn hơn 3.500 tỷ đồng; trên 1.200 hộ kinh doanh cá thể giao thương buôn bán hàng hóa; 1.000 hộ tư thương được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
 
Vùng đất tiềm năng này đã thu hút nhiều nhà hàng, khách sạn lớn, nhỏ mọc lên, khu phi thuế quan nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn của các đoàn khách du lịch…
 
Với lợi thế được ưu đãi về thuế, mỗi ngày nơi đây nườm nượp xe vào ra khu vực trung tâm thương mại để thu gom hàng điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm, bánh kẹo, tiêu dùng… vận chuyển ra phía Bắc. Nhiều tiểu thương nơi đây đã nhanh chóng trở thành “trùm” phân phối hàng tiêu dùng Thái Lan cho cả nước.
 
Không chỉ buôn bán đồ điện tử, nơi đây còn là địa bàn đầu mối kinh doanh gỗ trắc với lợi nhuận gấp 3-4 lần tạo nên một vùng đất giàu có với những đại gia tên tuổi.
 
Phát triển rực rỡ, Khu KTCK Cầu Treo nhanh chóng được Chính phủ xác định là một trong 9 Khu KTCK trọng điểm giai đoạn 2016-2020, được ưu đãi rót vốn đầu tư.
 
Nhưng hiện cảnh huy hoàng đó đã rời xa, nơi đây trở nên vắng lặng tới mức khó tin. Hiện hầu hết các dự án được xem là đầu tàu của Khu KTCK Cầu Treo đều đang chết yểu; các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp quá nhiều khó khăn: tất cả các dự án đầu tư ở đây đều khốn đốn, bỏ hoang không một bóng người.
 
Đơn cử như Trung tâm thương mại tổng hợp miễn thuế của Công ty CK được đầu tư 112 tỷ đồng, khởi công xây dựng (tháng 4/2012) tại vị trí đẹp nhất Khu KTCK hiện đang nằm im lìm, hoang hóa, cỏ dại mọc đầy sân. Hay KCN Đại Kim (xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn) với tổng diện tích 35 ha, khi mới hình thành có 4 dự án triển khai hiện đều đổ vỡ, chủ đầu tư đều “bỏ của chạy lấy người”.
 
Mộc Bài - “Thành phố mặt trời” đang ngày một đứng bóng
 
Năm 1998, Khu KTCK Mộc Bài được quy hoạch và áp dụng thí điểm một số chính sách phát triển, đến năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1849/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu KTCK Mộc Bài đến năm 2020 với tổng diện tích tự nhiên 21.284 ha.
 
Với 3 cửa khẩu (cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và hai cửa khẩu phụ Phước Chỉ, Long Thuận), Khu KTCK Mộc Bài được được thành lập để phục vụ cho các hoạt động giao lưu kinh tế giữa Việt Nam với Campuchia và các nước trong khối ASEAN. Nằm trên đường Xuyên Á (bắt đầu từ Myanmar, qua Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam và kết thúc ở Quảng Tây, Trung Quốc), Khu KTCK Mộc Bài chỉ cách TPHCM, trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam có 70 km và Thủ đô Phnom Penh (Campuchia) 170 km.
 
Với vị trí chiến lược, cùng các chính sách ưu đãi, Khu KTCK Mộc Bài từng được mệnh danh là “Thành phố mặt trời” với nhiều hoạt động giao thương sôi động.
 
Năm 2007, thời điểm phát triển rực rỡ, Khu KTCK Mộc Bài đã có hơn 2 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, mua sắm tại đây. Doanh số bán hàng của các doanh nghiệp đạt 900 tỷ đồng. Có 56 dự án đã đăng ký đầu tư gồm 11 đầu tư nước ngoài (FDI) và 22 dự án trong nước đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 17.500 lao động…
 
Có mặt tại Khu KTCK Mộc Bài những ngày cuối tháng 5/2022, chúng tôi ghi nhận cảnh đìu hiu vắng vẻ của khu vực từng được xem là "trung tâm mua sắm". Các siêu thị, cửa hàng miễn thuế trong tình trạng cửa đóng, then cài, những chỗ còn hoạt động thì chỉ còn lèo tèo ít mặt hàng giá trị thấp...
 
Hai bên trục đường chính như Xuyên Á và 75A, xung quanh Khu KTCK chỉ còn lại một vài quán cà phê, cửa hàng sửa chữa ô tô và một ít quán cơm bình dân dành cho tài xế xe tải, container chở hàng qua Campuchia.
 
Bến xe của cửa khẩu trống vắng. Nhiều tuyến đường bắt đầu xuống cấp, mặt đường xuất hiện "ổ trâu", "ổ voi”, hệ thống đèn chiếu sáng hư hỏng... Các dự án nhà ở liền kề nằm trong khu trung tâm đô thị cửa khẩu đang lâm vào cảnh hoang tàn đổ nát. Hàng chục căn nhà được xây dựng khang trang, bề thế trị giá hàng trăm tỷ đồng bị đập bỏ dang dở, cỏ mọc um tùm bao phủ lấy những khối xi măng cốt thép đã rỉ sét…
 
Thừa nhận “mọi hoạt động của doanh nghiệp đang ở mức duy trì”, bà Nguyễn Thanh Thùy Dung, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Thế Kỷ Vàng cho biết: là doanh nghiệp đầu tư hệ thống siêu thị miễn thuế lớn tại Khu KTCK Mộc Bài, nhưng sau giai đoạn kinh doanh nhộn nhịp, sầm uất, tháng 5/2012, siêu thị miễn thuế đã phải tạm dừng hoạt động. Hiện doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động kinh doanh, doanh thu tương đối thấp. Hoạt động kinh doanh dịch vụ Bãi đậu xe container của công ty với lượng xe trung bình khoảng 100 xe/ngày chưa đáp ứng hết được lưu lượng xe tại khu vực cửa khẩu Mộc Bài.
 
Với những gì đang diễn ra có thể nói “Thành phố mặt trời” đã không còn tỏa sáng!
 
An Giang - Cầu nối chưa thông
 
Được xác định là 1 trong 9 Khu KTCK trọng điểm quốc gia, Khu KTCK An Giang (được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2008) có lợi thế rất lớn khi có đến 3 khu vực cửa khẩu được đưa vào trọng điểm là Tịnh Biên, Vĩnh Xương và Khánh Bình. Đây chính là 3 cửa ngõ quan trọng để hàngViệt Nam thâm nhập, lan tỏa sang thị trường Campuchia và xa hơn là tiểu vùng sông Mê Kông và Đông Nam Á.
 
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Lâm Phú Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Đông Dương cho biết: Công ty TNHH Đông Dương là một trong những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư thực hiện các dịch vụ tại Khu KTCK Tịnh Biên (An Giang). Doanh nghiệp đã đầu tư địa điểm kiểm tra, giám sát hàng hóa hơn 11.000 m2, trong đó gồm nhà làm việc của cơ quan Hải quan, kho chứa hàng hóa, kho tang vật. Thời gian vừa qua, địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung của Công ty TNHH Đông Dương đã thu hút được nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa về đây chờ làm thủ tục hải quan. Doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư 8 băng chuyền phục vụ doanh nghiệp XNK lúa, gạo tại cửa khẩu.
 
 
Điểm kiểm tra hàng hóa XNK cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: Thu Dịu
 
Đầu tư kho bãi tại cặp cửa khẩu Khánh Bình - Chrey Thơm (An Phú, An Giang), Công ty TNHH MTV DV XNK Dương Lan đã rất thuận lợi trong việc thực hiện các dịch vụ thu hút hàng hóa vào bãi. Bà Dương Phương Lan, Giám đốc công ty cho biết: doanh nghiệp sẽ mở rộng đầu tư thêm kho bãi, mái che gia tăng dịch vụ phục vụ hàng hóa XNK của cư dân biên giới, doanh nghiệp.
 
Tuy nhiên điều các doanh nghiệp lo lắng, trăn trở, đó là hạ tầng cơ sở nói chung tại khu vực này chưa đồng bộ.
 
Theo kế hoạch 3 khu KTCK Tịnh Biên, Vĩnh Xương và Khánh Bình (tổng diện tích 26.500ha), sẽ được xây dựng với đầy đủ các phân khu chức năng như khu bảo thuế, kho ngoại quan, trung tâm thương mại, đô thị, chợ nông sản, vui chơi giải trí… Nhưng đến nay tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho 3 khu KTCK mới chỉ khoảng 100 tỷ đồng, quá ít so với nhu cầu khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó vốn ngân sách nhà nước hàng năm vỏn vẹn khoảng 10 tỷ đồng. Vì vậy hầu hết Khu KTCK nơi đây vẫn còn loay hoay với việc giải phóng mặt bằng. Chỉ khu KTCK Tịnh Biên là có cụm công nghiệp Xuân Tô diện tích 57ha đang xây dựng hạ tầng giai đoạn 1. Khu bảo thuế ở cửa khẩu, siêu thị miễn thuế được 5 nhà đầu tư ở An Giang và TPHCM đăng ký xây dựng.
 
Có thể thấy, giống như nhiều địa phương khác Khu KTCK An Giang đang trong cảnh “lực bất tòng tâm” với thực trạng vốn ít, đầu tư dàn trải, quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng ì ạch, khó kêu gọi thu hút các nhà đầu tư. Trong khi đó hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông huyết mạch nối An Giang với các tỉnh biên giới Campuchia chưa hoàn chỉnh ở cả 2 phía, gây cản trở không nhỏ đối với hoạt động giao thương.
 
Với mục đích thúc đẩy giao thương hàng hóa với Lào, Campuchia, hàng loạt Khu KTCK dọc tuyến biên giới với các nước này đã được hình thành. Nhưng sau nhiều năm thực hiện, tuy đã có giai đoạn phát triển nhộn nhịp, sầm uất, đến nay, khi thực tế cũng như chính sách thay đổi, hầu hết các địa bàn này đều đang khó khăn bế tắc, bộc lộ nhiều vướng mắc không dễ khắc phục, giải quyết.
 
- UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đặt ra định hướng phát triển cho Khu KTCK Cầu Treo theo hướng thương mại, dịch vụ logistics, du lịch và công nghiệp chế biến, nhằm khai thác lợi thế địa phương và xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
 
- Khu KTCK Mộc Bài được quy hoạch đến năm 2050 trở thành Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với các chức năng công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ - du lịch và nông - lâm nghiệp gắn với các hoạt động đối ngoại của quốc gia, giao lưu kinh tế, văn hóa và quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam, Campuchia và khu vực ASEAN.
 
- Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lựa chọn An Giang là 1 trong 8 Khu KTCK để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Ngày 7/6/2022, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo phát triển Khu KTCK và các khu công nghiệp trên địa bàn An Giang. Theo đó An Giang ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu An Giang.