Do hạn chế khi chưa được chế biến sâu để tăng giá trị, nên nguồn lợi thu lại được từ khai thác khoáng sản lâu nay không tương xứng với giá trị thực.
“Nút thắt” công nghệ
Chế biến sâu, một mặt tăng giá trị xuất khẩu cho khoáng sản, mặt khác giải quyết được tình trạng “bán non” tài nguyên. Do chưa được chế biến sâu nên nguồn lợi thu lại được từ loại tài nguyên này không tương xứng với giá trị thực.
Theo Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Nghệ An, hiện địa phương này có 272 giấy phép khai thác khoáng sản, từ quặng thiếc, chì, kẽm, đá vôi xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho đến các loại đá quý, vàng…, tuy nhiên, tập trung chủ yếu ở 2 loại khoáng sản chủ lực quặng thiếc và đá trắng.
Đá trắng tập kết tại Cảng Cửa Lò chuẩn bị xuất khẩu
Qua số liệu từ Sở Công Thương Nghệ An cho thấy, từ năm 2020, Nghệ An xuất khẩu đá hộc trắng thô là trên 1,2 triệu tấn, thu được hơn 24 triệu USD, đá trắng xay thành bột siêu mịn xuất khẩu là 383 nghìn tấn, thu được 40,5 triệu USD... Đến năm 2021, đá hộc trắng thô xuất khoảng 1,2 triệu tấn, bột đá siêu mịn xuất khẩu tăng gần gấp đôi, đạt trên 600.000 tấn. Từ số liệu trên cho thấy, dù được cải thiện nhưng tỷ lệ đá thô xuất khẩu vẫn nhiều gấp đôi đá đã qua chế biến thành bột.
Bắt buộc phải xuất khẩu thô vì có những chủng loại Việt Nam không thể chế biến được. Đây là nguyên nhân chính được hầu hết các doanh nghiệp nêu. Tuy nhiên, còn những lý do khác cũng quan trọng không kém như câu chuyện thị trường, hay chất lượng khoáng sản của từng mỏ mà doanh nghiệp được khai thác cũng được nêu ra.
Tại Công ty TNHH Khoáng sản Long Anh (huyện Quỳ Hợp), có sản phẩm xuất khẩu từ năm 2006. Từ năm 2020, công ty đã có sản phẩm được thị trường Mỹ chấp nhận. Vậy nhưng cho đến thời điểm này, số lượng đá xuất khẩu của Long Anh vẫn chưa thể là sản phẩm tinh hoàn toàn.
Ông Đặng Văn Nga - Phó Giám đốc công ty, cho hay: “Trong ngành sản xuất đá này có 2 dòng, một là đá ốp lát, hai là dòng xay bột siêu mịn để làm phụ gia cho các sản phẩm. Cả 2 loại này đều phải xuất cả 2 thứ như xuất thô và chế biến sâu. Nguyên nhân là do, có nhiều mặt hàng do công nghệ của mình không chế biến được. Nếu doanh nghiệp không xuất thô thì sẽ tồn đọng một lượng sản phẩm lớn, nên nhiều mặt hàng xuất thô là không thể tránh khỏi…”.
Ông Hoàng Ngọc Khánh - Giám đốc Công ty CP Thương mại khoáng sản Thành Công cũng chia sẻ: “Ngày trước, công ty khai thác đá bằng công nghệ nổ mìn, nhưng qua một thời gian tiếp xúc với thị trường nước ngoài, công ty nhận ra phải cải tiến công nghệ, vừa tận dụng hết các loại đá khai thác được, vừa nâng cao được chất lượng sản phẩm. Ví như phương pháp trước cắt bằng dây nổ mìn, sau này cắt bằng dây kim cương, như vậy công ty tận dụng được tối đa sản phẩm khai thác ra tại mỏ…”.
Với thực trạng chung của các doanh nghiệp tại Nghệ An, “nút thắt” hiện tại vẫn là công nghệ. Nhiều doanh nghiệp khoáng sản đã thừa nhận, công nghệ quyết định tới 70% thành công của doanh nghiệp. Tuy nhiên, 1 dàn máy để phục vụ chế biến khoáng sản sâu lên tới cả triệu đô, một số tiền không nhỏ đối với các doanh nghiệp khoáng sản ở Nghệ An.
Tuy nhiên, với yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều doanh nghiệp phải tự chuyển mình. Điều này không những phù hợp với xu thế của tương lai mà còn đúng với quan điểm “Lấy chất lượng tăng trưởng xuất khẩu làm nền tảng, hướng đến các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao”, mà tỉnh Nghệ An đã đề ra trong “Đề án Phát triển xuất khẩu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025”.
Những giải pháp cần thực hiện
Huyện Quỳ Hợp được xem là “thủ phủ khoáng sản” ở Nghệ An. Vài năm trở lại đây, huyện Quỳ Hợp đã có rất nhiều cơ chế mở để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi mô hình chế biến từ thô sang chế biến sâu như: tạo điều kiện về vốn vay, các hành lang pháp lý đi cùng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc mà cả doanh nghiệp và địa phương chưa thể tháo gỡ.
Một lượng đá thải lớn ở một mỏ đá tại huyện Quỳ Hợp
Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp khoáng sản chia sẻ, không chỉ vướng trong thủ tục thuê đất, một lần nữa, câu chuyện thị trường, thủ tục pháp lý, hay những quy định mới… lại được nhắc tới như một rào cản trong quá trình doanh nghiệp chuyển đổi mô hình.
Tuy nhiên, theo lộ trình thì đến năm 2026, việc xuất khẩu đá thô sẽ hoàn toàn phải chấm dứt. Điều này đã được nêu rõ trong Thông tư 23/2026 của Bộ Công Thương. Thông tư 23 ra đời nhằm thay thế Thông tư 08 và Thông tư 12 trước đây, quy định về danh mục chủng loại, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu do Bộ Công Thương quản lý. Trong đó, đá hoa trắng có độ trắng từ 92-95%, chỉ được xuất khẩu đến năm 2026.
Về vấn đề này, ông Lê Đức Ánh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An chia sẻ: “Hiện đá khai thác có 3 loại và đá loại 1 trên 95%. Hiện nay, theo giấy phép, ở Nghệ An khai thác khoảng 11 triệu tấn/năm, trong số này đá trên 95% nằm vào khoảng 2,5-3 triệu tấn, như vậy lượng đá trên 95% thừa đủ để doanh nghiệp sản xuất...”.
Theo lý giải của ông Lê Đức Ánh, “Bài toán ở đây tại sao doanh nghiệp chỉ chế biến chừng đó thôi, vì họ phải cân đối hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đơn cử, nếu doanh nghiệp khai thác một lúc ra 3 loại đá cùng một lúc doanh nghiệp không thể đưa ra nghiền hết được mà buộc loại đá B và C dưới 95% doanh nghiệp phải xuất khẩu thô. Bởi không có công nghệ nghiền cũng như không đổ trực tiếp ra bãi thải nên buộc doanh nghiệp phải xuất thô…”.
Cũng theo ông Lê Đức Ánh, Bộ Công Thương đã nghiên cứu kỹ khi ban hành thông tư này. Và rõ ràng còn một khoảng thời gian rất dài nữa để doanh nghiệp chuyển đổi mô hình, chuyển dần sang chế biến sâu và đây cũng phù hợp lượng khoáng sản ngày càng thu hẹp.
“Rõ ràng qua thông tư về xuất khẩu khoáng sản cũng như những nghị định về thuế quan, hiện xuất khẩu đá thô thuế là 20%, đến năm 2025 sẽ là 30%. Cho nên, ngay cả hàng rào thuế quan, hay thông tư xuất khẩu khoáng sản thì cả 2 công cụ pháp lý này buộc các doanh nghiệp thực hiện chế biến sâu để gia tăng giá trị khoáng sản đá trắng. Và một điều chắc chắn, từ nay đến năm 2026 được sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước, các quy định về các văn bản quy phạm pháp luật, rõ ràng số lượng các doanh nghiệp chế biến sâu ngày càng tăng lên…”, ông Lê Đức Ánh nhận định.