Rất nhiều các chuyên gia chứng khoán dự báo thị trường tháng 10 khó bật mạnh sau pha điều chỉnh sâu trong tháng 9. Tuy nhiên, nếu thị trường tạo đáy, đây sẽ là cơ hội tốt cho chiến lược dài hạn, khi nhiều cổ phiếu đã về vùng giá hấp dẫn.
Về triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Vũ Luân, Trưởng phòng Môi giới của Chứng khoán VNDirect cho rằng có thể nhìn nhận dưới 2 góc cạnh. Thứ nhất, về ngắn hạn, rủi ro sẽ nhiều hơn là cơ hội vì thị trường bị thách thức bởi các yếu tố quốc tế như tăng lãi suất, dòng vốn đầu tư suy yếu, biến động địa chính trị... Cùng với đó dòng tiền nhà đầu tư trong nước cũng đã cạn kiệt.
Thứ hai, về dài hạn, giá cổ phiếu đang ở mặt bằng thấp, lượng margin thị trường đang sử dụng thấp cho thấy giá có thể phản ánh phần lớn rủi ro có thể xảy ra, nếu kinh tế hồi phục và các rủi ro hiện tại không còn nữa sẽ thúc đẩy một đợt tăng mới dễ dàng.
Ông Luân cho rằng trong tháng 10, VN-Index có thể duy trì ở mức nào còn tùy thuộc vào dòng tiền vào thị trường. Nếu dòng tiền vào không bù lắp được dòng tiền ra thì thị trường tiếp tục suy yếu, song dự báo tình hình sẽ không quá bi quan, về mặt chỉ số có thể biến động tương tự như tháng 9.
Ảnh minh họa
Cùng quan điểm, Trần Xuân Bách, Trưởng phòng Phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận định TTCK sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, với môi trường chính trị - xã hội ổn định, cùng các yếu tố tích cực như GDP tăng trở lại từ nền thấp, doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ kinh tế, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt, cùng mức định giá hấp dẫn sẽ là các yếu tố hỗ trợ cho thị trường.
Chuyên gia của BVSC dự báo với bối cảnh các thông tin xấu giảm bớt, thêm các thông tin hỗ trợ thị trường, từ tháng 10 trở đi, xu hướng sideway-up (tăng chậm cùng với tích lũy) của VN-Index có thể được hình thành rõ nét hơn.
Ở góc nhìn kỹ thuật, ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng Phân tích của Chứng khoán KIS Việt Nam chỉ ra với áp lực bán xuất hiện từ đầu tháng 9 thì xu hướng điều chỉnh của chỉ số VN-Index đã khá rõ ràng. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên quá bi quan do đợt điều chỉnh hiện tại mang nhiều yếu tố ngắn hạn hơn là đại diện cho một đợt điều chỉnh trong dài hạn.
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Chứng khoán KIS Việt Nam
Đối với VN-Index, ông Hiếu cho rằng có hai kịch bản có thể diễn ra. Ở kịch bản 1, chỉ số sẽ được hỗ trợ quanh vùng 1.200 điểm và tăng trưởng trở lại. Trong khi kịch bản 2 sẽ có phần tiêu cực hơn khi chỉ số có thể giảm nhanh và mạnh về dưới vùng đáy tháng 7 (vùng 1.140 điểm) trước khi tăng trưởng mạnh trở lại.
Về thanh khoản, ông Hiếu nhận định thanh khoản chỉ có thể được cải thiện khi thị trường xác nhận một vùng đáy quan trọng. Theo phân tích kỹ thuật, khi thanh khoản có sự bất thường thì đó là một tín hiệu cho thấy khả năng xu hướng hiện tại có thể thay đổi. Hiện tại, thanh khoản đang thấp, theo ông Hiếu, là tín hiệu về khả năng hình thành một vùng đáy quan trọng trong trung và dài hạn.
Theo ông Bách, trong thời gian tới, việc mặt bằng lãi suất tăng sẽ khiến cho kênh cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn hơn, do không còn dòng tiền chi phí thấp. Thanh khoản thị trường sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do sức ép rút tiền nhằm hạ margin, dòng tiền “nóng” đã được rút ra khỏi thị trường, nhưng khó hút vốn mới. Trên cơ sở đó, thanh khoản thị trường trong tháng 10 dự báo có thể được cải thiện so với tháng 9 nhưng vẫn sẽ duy trì ở mức thấp, quanh 10.000-12.000 tỷ đồng/phiên.
Ông Luân cũng kỳ vọng thanh khoản sẽ cải thiện hơn trong tháng 10. Về câu chuyện rút ngắn chu kỳ thanh toán, chuyên gia của VNDirect nhận định thời gian giao dịch T+ thường có ý nghĩa lớn đối với nhà đầu tư ngắn hạn. Thời gian giao dịch càng ngắn thì nhu cầu giao dịch lại càng tăng và nhà đầu tư thì thích ứng nhanh với điều này.
Lựa chọn cổ phiếu cho chiến lược trung và dài hạn
Về chiến lược, theo ông Luân, nhà đầu tư vẫn cần luôn sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất, đặc biệt là nâng sức chịu đựng của danh mục đầu tư lên bằng cách cắt giảm lượng margin nếu sử dụng quá nhiều. Cùng với đó chuẩn bị lượng tiền mặt dự trữ để có thể chớp cơ hội mua giá tốt.
Trong các nhóm ngành, ông Luân khuyến nghị nhà đầu tư quan tâm đến ngân hàng, cảng biển, nông lâm ngư nghiệp, xuất khẩu, công nghệ... Trong điều kiện thị trường với dòng tiền yếu thì các cổ phiếu nhóm ngành vốn hóa vừa (midcap) dễ dàng phán ánh vào giá khi có tin tốt sẽ là những cổ phiếu phù hợp cho giao dịch ngắn hạn.
Trong khi đó, ngân hàng là một ngành lớn và đòi hỏi dòng tiền lớn mới thúc đẩy giá tăng thì nên có xu hướng đầu tư dài hạn hơn. Dù vậy, ngành ngân hàng có sức chống chịu tốt với khủng hoảng và đang bị đánh giá thấp.
Quan điểm của ông Bách cũng tương tự. Nhà đầu tư nên ưu tiên việc quản trị rủi ro và kiểm soát chặt chẽ tỷ trọng danh mục trong giai đoạn thị trường biến động với thanh khoản thấp. Các nhà đầu tư ngại rủi ro và không thông thạo giao dịch nên đứng ngoài thị trường giai đoạn này. Đối với các hoạt động giao dịch, chỉ nên xem xét thực hiện khi VN-Index giảm về các vùng hỗ trợ mạnh 1.180-1.200 điểm và 1.140-1.150 điểm.
Ông Bách thì ưa thích nhóm ngành có sự bứt tốc mạnh về cuối năm như xây dựng và vật liệu với sự hưởng lợi từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công. Bên cạnh đó là ngành bảo hiểm khi sau rất nhiều năm mới có sự tăng trưởng cao hơn mức 20% về lợi nhuận nhờ phục hồi kinh tế và nhu cầu bảo hiểm quay lại sau đại dịch, môi trường lãi suất, lợi suất trái phiếu ở mặt bằng cao hơn.
Ông Hiếu cũng có góc nhìn khả quan đối với nhóm ngân hàng, đầu tư công và liên quan đầu tư công. Ngoài ra, chuyên gia của KIS còn lưu ý nhóm cổ phiếu liên quan đến khu công nghiệp. Xu hướng chuyển dịch khỏi Trung Quốc dự báo khiến nhu cầu sử dụng đất ở các khu công nghiệp sẽ gia tăng và nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp được hưởng lợi đáng kể.