Theo ông Đào Du Dương, khi Quy hoạch Điện VIII ra đời, để làm về năng lượng tái tạo cần phải thật bài bản và cuộc chơi chỉ dành cho những nhà đầu tư thật sự có năng lực.
Tiềm năng còn rất lớn
Phát triển nguồn năng lượng tái tạo đang là xu thế tất yếu trên thế giới hiện nay. Ngành năng lượng toàn cầu có xu hướng dịch chuyển tích cực với các nguồn “năng lượng xanh”. Việt Nam cũng thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn năng lượng tái tạo mới như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện song biển và khí sinh học Biogas.
Mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo trong “Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam giai đoạn đến 2030 tầm nhìn đến năm 2050”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐTTg ngày 25/11/2015, tỷ lệ điện sản xuất từ năng lượng tái tạo (bao gồm cả thủy điện lớn và nhỏ) trong tổng điện năng sản xuất của quốc gia phải đạt 32% vào năm 2030 và 43% vào năm 2050.
Bên cạnh đó, trong Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị cũng có quy định tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15-20% năm 2030 và 25-30% năm 2045, tương ứng tỷ lệ điện năng của năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc là khoảng 30% năm 2030 và 40% năm 2045.
Ông Tiêu Văn Đạt - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn DAT (DAT Group) cho rằng, xu hướng phát triển của các nền kinh tế trên thế giới là thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp xanh, ứng dụng năng lượng sạch, giảm phát thải nhằm hướng đến mục tiêu trung hòa carbon. Đương nhiên, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 đã mở ra nhiều cơ hội tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng.
“Ứng dụng điện mặt trời áp mái cũng là giải pháp hiệu quả được nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn để đáp ứng nhu cầu tự sản xuất điện tiêu thụ tại chỗ, tiết kiệm điện, xây dựng hình ảnh thương hiệu xanh bền vững và đạt chứng chỉ năng lượng tái tạo I-REC để dễ dàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Tiêu Văn Đạt chia sẻ.
Theo ông Đào Du Dương – Giám đốc Trung tâm Phát triển năng lượng Việt Nam, tiềm năng của ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam còn rất lớn và còn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi Điện VIII ra đời, để làm về năng lượng tái tạo cần phải thật bài bản và cuộc chơi chỉ dành cho những nhà đầu tư thật sự có năng lực.
Nhận định về cơ hội của nhà đầu tư với ngành năng lượng tái tạo, ông Đào Du Dương cho rằng, cơ hội về điện gió cho các nhà đầu tư còn rất lớn. Hiện nay, chúng ta đang có các dự án điện gió lớn với tuabin từ 2,5 – 4 MW/1 trụ. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã xuất hiện dự án điện gió với công suất chỉ 40KW – 100KW phù hợp với địa hình cao nguyên cũng như vùng biển của Việt Nam.
Bên cạnh đó, thủy điện tích năng cũng rất tiềm năng đối với các nhà đầu tư. Bởi hiện nay, chỉ có EVN đang nghiên cứu và đầu tư một dự án tại Phan Rang (Ninh Thuận). Theo ông Đào Du Dương, bản chất của thủy điện tích năng là gắn với năng lượng tái tạo, vì sử dụng năng lượng tái tạo để tạo ra nguồn điện để vận hành hệ thống bơm đưa nước lên hồ chứa và làm quay các tuabin tạo ra dòng nước tuần hoàn. Đây cũng là một trong những giải pháp để phát điện và lưu trữ nguồn điện.
Ngoài ra, điện mặt trời mái nhà tự dùng trên mái nhà xưởng trong các khu công nghiệp, không đưa lên lưới và loại hình DPPA (đầu tư solar farm ở 1 chỗ và kéo điện về bán cho 1 chỗ phụ tải nhiều), cũng đang là những cơ hội lớn cho nhà đầu tư.
Thách thức lớn từ chính sách
Tuy nhiên, ông Đào Du Dương cho rằng, ngành năng lượng tái tạo Việt Nam hiện đang gặp rất nhiều thách thức, và thách thức lớn nhất là chính sách. Theo ông, chính sách của Việt Nam không nhất quán. Mặc dù, nhận thức được vai trò của năng lượng tái tạo là rất quan trọng và cần thiết phải phát triển. Tuy nhiên, từ nhận thức và xác định vai trò, vị trì của năng lượng tái tạo đến việc thể hiện thông qua chính sách hiện vẫn chưa được song song với nhau, chưa đồng hành với nhau. Chính sách cũng luôn luôn không sát với thực tế, đồng thời, tính khả thi cũng chưa cao.
“Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét lại Quyết định 13, xem xét lại Hợp đồng kinh tế đã ký giữa EVN với các chủ đầu tư năng lượng tái tạo vì cho rằng giá cao quá, cùng với các điều khoản có nhiều bất lợi cho Nhà nước. Đây là việc rất vô lý và chỉ có ở Việt Nam, vì như vậy có nghĩa là tính nhất quán của chính sách là không có, điều này cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Việt Nam về môi trường đầu tư, và cũng rất dễ làm nản lòng nhà đầu tư”, ông Đào Du Dương phân tích.
Bên cạnh đó, khả năng điều tiết lưới điện của điện lực Việt Nam đang bị hạn chế do sử dụng công nghệ cũ, đó là sử dụng công nghệ điện nền để xử lý việc giao động lưới của năng lượng tái tạo. Với công nghệ này, chỉ có thể tiếp nhận được từ 20-30% tỷ trọng của năng lượng tái tạo.
Từ những thách thức trên, ông Đào Du Dương đề xuất, cần phải tháo gỡ những vướng mắc về chính sách. Khi ban hành chính sách cần phải được xem xét một cách kỹ càng và phải hài hòa lợi ích của nhà đầu tư với lợi ích quốc gia. Chính sách cần phải được đảm bảo chắc chắn theo thông lệ quốc tế, đồng thời khi xây dựng chính sách cần phải tham vấn các tổ chức quốc tế, phải tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển.
Song song đó, cần phải có những hướng dẫn cụ thể, để phát triển ngành năng lượng tái tạo. Thành lập một Ban Tư vấn Đầu tư về phát triển năng lượng tái tạo trực thuộc Chính phủ. Ban này phải đứng trên EVN và đứng trên Bộ Công Thương.